Đức Tổng Giám mục Paglia: Một số hình thức chăm sóc cuối đời giống với ưu sinh kiểu mới

Một bác sĩ chăm sóc cho một bệnh nhân lớn tuổi

Một bác sĩ chăm sóc cho một bệnh nhân lớn tuổi

Trong một cuộc phỏng vấn đánh dấu 5 năm phục vụ trong vai trò là Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống, Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia đã than phiền về một “quan niệm về sự sống tập trung vào sức khỏe và tuổi trẻ” nhằm tìm cách loại bỏ bất kỳ ai mắc bất kỳ loại bệnh tật nào.

Năm năm đã trôi qua kể từ văn kiện chính thức, hoặc sắc lệnh, được đề ngày 15 tháng 8 năm 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô, bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia làm Chưởng ấn Viện Thần học Giáo hoàng Gioan Phaolô II về Khoa học Hôn nhân và Gia đình, cũng như Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống.

5 năm đã trôi qua, và đặc biệt là trong giai đoạn gần đây được đánh dấu bởi đại dịch Covid-19, những thách thức mới đã nổi lên đối với Giáo huấn của Giáo Hội về sự thiêng liêng của tất cả mọi sự sống của con người, theo Đức Tổng Giám Mục Paglia.

Trong cuộc phỏng vấn sau đây với Vatican News, Đức Tổng Giám mục Paglia đề cập đến nhu cầu thúc đẩy “quan niệm lành mạnh về sự sống”, cũng như về sứ mạng của Học viện mà ngài đứng đầu.

Sau đây là bản dịch đầy đủ của cuộc phỏng vấn từ bản gốc tiếng Ý:

Đức Tổng Giám mục Paglia: Học viện cần một sự đổi mới sâu sắc, trước hết là trong chương trình giảng dạy của mình. Tên mới của Học Viện vừa bảo tồn nguồn cảm hứng của Đức Gioan Phaolô II, vừa bổ sung thêm hai thuật ngữ: thần học và khoa học. Do đó, tước hiệu mới là “Viện Thần học Giáo hoàng Gioan Phaolô II về Khoa học Hôn nhân và Gia đình”. Theo nghĩa này, chương trình giảng dạy mới thực sự là một chương trình đề cập toàn diện các vấn đề liên quan đến gia đình và hôn nhân: từ thần học đến luân lý, từ mục vụ đến khoa học nhân văn, và từ quan điểm nhân học đến quan điểm pháp lý và kinh tế.

Các quan điểm mới đã được thêm vào để sự suy tư về nền tảng của cuộc sống, xã hội và Giáo hội này có thể được đề cập một cách cẩn trọng và thấu đáo và đối thoại với toàn bộ truyền thống của Giáo hội, lưu ý đến các điều kiện trong thế giới đương đại.

Đại dịch có ảnh hưởng gì đến các nghiên cứu liên quan đến gia đình?

Ở một khía cạnh nào đó, đại dịch đã tạo thêm động lực để phản ánh mối liên hệ mà Học Viện muốn có với xã hội. Trong thời gian đại dịch, chúng tôi đã đưa ra những cân nhắc về các chủ đề mới nổi, đặc biệt là thông qua một quan điểm giảng dạy mới mang tên “Gaudium et Spes”, cũng như thông qua các cuộc hội thảo và bài giảng khác nhau vốn đã tạo ra sự quan tâm đáng kể. Ví dụ, chủ đề về tỷ lệ sinh giảm đã được đề cập trong một bài giảng của một nhà khoa học Trung Quốc, người đã minh họa các vấn đề liên quan đến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc.

Chúng tôi cũng đã đề cập đến chủ đề gia đình trong thời gian khủng hoảng này. Nhiều cuộc hội thảo sau đó đã được phát sóng thông qua web ở mọi khu vực trên thế giới để giúp các Giáo hội địa phương, cùng với các Học Viện khác nhau về gia đình, liên quan đến chủ đề quan trọng của Covid. Gia đình đã trở thành một trung tâm chiến lược cho sự tồn tại liên quan đến tình huống gay cấn này mà đại dịch đã tạo ra trên khắp thế giới.

Văn kiện chính thức của Đức Thánh Cha Phanxicô cách đây 5 năm trước cũng nhắc lại việc Đức Cha được bổ nhiệm làm Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống. Trong văn bản, Đức Thánh Cha thúc giục Học viện giải quyết những thách thức đang nổi lên liên quan đến giá trị của sự sống.

Thực thể khác của Tòa Thánh — Học viện Giáo hoàng về Sự sống — cũng đã nhận được một động lực mới sau Tông Huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô và sự bổ nhiệm mà ngài đã giao phó cho tôi. Ở góc độ này, chính nội dung của từ “sự sống” cũng đã được mở rộng. Ví dụ, chiều kích của một quy tắc đạo đức phổ quát là quan trọng, và đây sẽ là chủ đề của Đại hội đồng tiếp theo. Một Quỹ đặc biệt cũng đã được thành lập về toàn bộ chủ đề về các công nghệ mới, cùng với Quỹ về trí tuệ nhân tạo.

Chủ đề này cũng rất quan trọng vì các công nghệ mới đang thúc đẩy một biên giới mới cần phải vượt qua và chủ đề về sự sống là điều cần thiết để giải quyết nó. Một nhóm suy tư bao gồm các nhà thần học đã được thành lập, và trong những tuần gần đây, họ đã đưa ra lời kêu gọi tới các nhà thần học và các nhà khoa học để cùng nhau đối mặt với những tình huống khẩn cấp của thời đại chúng ta. Chúng ta đang ở trong thời kỳ mà công nghệ có nguy cơ trở thành thứ tôn giáo mới của tương lai. Về vấn đề này, Học viện Giáo hoàng về Sự sống cho rằng điều cần thiết là cả thần học và khoa học phải tìm ra một liên minh mới, một cuộc đối thoại mới và một cuộc gặp gỡ mới.

Ở Ý và ở những nơi khác trên thế giới, cuộc tranh luận về sự chăm sóc cuối đời và an tử đã được khơi dậy. Theo Đức Cha, đâu là nguyên nhân đặc biệt cần phải lo lắng?

Tôi rất quan tâm đến chủ đề này vì có vẻ như một quan niệm sống mang tính trọng yếu đang len lỏi vào cảm thức của số đông, một quan niệm nhấn mạnh đến quan niệm về sự sống tập trung vào sức khỏe và tuổi trẻ. Trên cơ sở của quan điểm này, mọi thứ không phù hợp với một lý tưởng nhất định về tình trạng hạnh phúc và một quan niệm nhất định về sức khỏe đều bị loại bỏ.

Bên trong khái niệm này là sự cám dỗ của một hình thức ưu sinh mới: Bất kỳ ai không được sinh ra khỏe mạnh đều không được sinh ra. Điều này được kết hợp với ý tưởng rằng những người còn sống nhưng không khỏe mạnh cũng đều phải chết: đây chính là an tử. Đó là một lời ám thị hết sức nguy hiểm đầu độc xã hội. Vì vậy, Giáo Hội phải nhắc nhở mọi người rằng sự mong manh và yếu đuối tự nhiên là một phần cấu thành của bản chất con người và toàn bộ mọi loài tạo vật.

Điều chúng ta cần là một mối quan hệ huynh đệ mới giữa mọi người. Sự yếu đuối đòi hỏi sự cấp bách của tình huynh đệ bởi vì trong tình huynh đệ, chúng ta quan tâm đến nhau. Chính nhờ tình huynh đệ mà chúng ta hỗ trợ lẫn nhau. Chính trong tình huynh đệ — như được thể hiện trong Thông điệp “Fratelli Tutti — mà chúng ta có thể vạch ra một tương lai nhân văn hơn cho tất cả mọi người.

Vì vậy, sức mạnh thực sự của chúng ta nằm trong sự yếu đuối…

Chính xác là như vậy. Và không phải ngẫu nhiên mà Học viện Giáo hoàng về Sự sống gần đây đã tìm cách kêu gọi tất cả mọi người — chính xác là vì đại dịch — suy ngẫm về những người đã bị thải loại và bị lãng quên một cách hiệu quả.

Một số người đã phải trả giá đắt cho đại dịch, đặc biệt là người già, người tàn tật và trẻ em. Có một nhu cầu cấp thiết để bắt đầu lại chính xác từ những người yếu thế và mong manh nhất. Nói cách khác, chỉ từ những khu vực ngoại vi hiện sinh của cuộc sống, chúng ta mới có thể làm việc để xây dựng một thế giới thực sự nhân văn cho tất cả mọi người. Không ai bị bỏ lại phía sau.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết