Phát biểu tại trụ sở FAO khu vực Châu Mỹ Latinh ở Santiago, Chile, Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống đã nhấn mạnh sự cần thiết phải vượt ra khỏi logic thị trường để thực hiện các hành động cụ thể nhằm chống lại nạn đói với tư cách là một “gia đình nhân loại huynh đệ”.
Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống, cùng với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Chile, Tiến sĩ Esteban Valenzuela, và Chuyên gia kinh tế trưởng của FAO, Tiến sĩ Máximo Torero, tại trụ sở cơ quan Liên Hợp Quốc tại Châu Mỹ Latinh ở Santiago, Chile, đã trình bày bài phát biểu của mình về chủ đề này: “Ngăn chặn và giảm thất thoát và lãng phí lương thực trong bối cảnh an ninh lương thực và dinh dưỡng. Một thách thức liên ngành”.
Sự kiện này là một phần trong chuyến viếng thăm của Đức Tổng Giám mục Paglia tới Châu Mỹ Latinh, đặc biệt là Chile và Argentina, tập trung vào các vấn đề dễ bị tổn thương trong xã hội từ ngày 23 đến ngày 31 tháng 8.
Loại bỏ con người là điều không thể chấp nhận được
Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống đã giới thiệu chủ đề bằng cách nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô với Liên đoàn các Ngân hàng Thực phẩm Châu Âu vào ngày 18 tháng 5 năm 2019: “Vứt bỏ thực phẩm đồng nghĩa với việc loại bỏ con người”.
“Loại bỏ con người, chứ không phải thức ăn, là điều không thể chấp nhận được, không thể chịu đựng được, thật đáng trách, nguồn gốc của sự hổ thẹn khôn cùng. Và chúng ta phải chịu trách nhiệm về điều đó trước Thiên Chúa và lịch sử”.
Đức Tổng Giám mục Paglia đã tập trung vào tình hình của Châu Mỹ Latinh, nơi chất thải thực phẩm chỉ chiếm 6% chất thải toàn cầu. Tuy nhiên, một dữ liệu có vẻ tích cực lại “trở nên bi thảm nếu chúng ta ngừng nghĩ đến đồ ăn để nhìn mọi người”.
Đức Tổng Giám mục Paglia đề cập đến “47 triệu người suy dinh dưỡng” ở Châu Mỹ Latinh, một tỷ lệ gia tăng gây ra những hậu quả cụ thể và bi thảm, chẳng hạn như ở Haiti.
“Tôi đã đến thăm các khu ổ chuột ở Port au Prince, tôi đã gặp những người béo húp híp vì đồ ăn vặt hoặc suy dinh dưỡng mãn tính”, Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống nhắc lại. “Làm sao có thể tiếp tục nhìn đi hướng khác, chịu đựng và chẳng hành động gì cả?”.
Sự thay đổi mô hình
Đức Tổng Giám mục Paglia đã đề xuất một sự thay đổi trong cách mọi người nhìn nhận vấn đề: “Từ lãng phí thực phẩm cho đến vứt bỏ sinh mạng con người”.
Đức Tổng Giám mục Paglia cũng mời khán giả suy ngẫm về sự thay đổi mô hình thứ hai: “Chúng ta không còn có thể tiếp cận vấn đề lương thực theo logic thị trường và kinh tế thuần túy”.
Cơ cấu kinh tế dựa trên cơ sở sản xuất và phân phối lương thực không nên “được coi như là mục đích cuối cùng mà là phương tiện phục vụ cuộc sống con người và xây dựng một xã hội công bằng”.
Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống đã nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Ngày Lương thực năm 2021, trong đó ngài tuyên bố “cuộc chiến chống lại nạn đói đòi hỏi chúng ta phải vượt qua logic lạnh lùng của thị trường, tập trung một cách tham lam vào lợi ích kinh tế đơn thuần và hạ thấp lương thực chỉ còn là một mặt hàng khác và tăng cường logic của sự liên đới”.
Xây dựng một gia đình nhân loại huynh đệ
“Hãy coi chừng”, Đức Tổng Giám mục Paglia cảnh báo, “liên đới không chỉ đơn thuần là cảm giác về lòng nhân từ và quan tâm đến những người yếu thế hơn và thiệt thòi”.
Thay vào đó, nó ám chỉ thực tế là tất cả kinh nghiệm của con người, kể cả kinh nghiệm kinh tế, đều được gắn kết và hợp tác vào việc xây dựng một gia đình nhân loại huynh đệ, như Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh trong Thông điệp Fratelli Tutti.
“Chúng ta sẽ chỉ giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm một cách nghiêm túc khi chúng tôi nhận ra rằng nó không thể bắt nguồn từ một vấn đề thị trường duy nhất, từ một vấn đề có thể được xác định và đo lường bằng các bảng biểu, số liệu thống kê và hiệu suất. Sự sống con người vượt quá tất cả những điều này”.
Một lần nữa nhắc lại bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô trước Liên đoàn Ngân hàng Thực phẩm Châu Âu, Đức Tổng Giám mục Paglia lưu ý: “Chống lại nạn đói khủng khiếp cũng đồng nghĩa với việc chống sự lãng phí”.
“Lãng phí là biểu hiện thô thiển nhất của việc vứt bỏ. Tôi nhớ lại khi Chúa Giêsu, sau khi phân phát bánh cho đám đông, đã yêu cầu gom lại những miếng bánh còn thừa kẻo phí đi (Ga 6:12). Thu gom lại để tái phân phối chứ không phải sản xuất để vung vãi”.
Hết thảy mọi sự trên Trái đất đều tốt đẹp
“Logic của việc loại bỏ hoàn toàn khác xa với thông điệp Tin Mừng vốn tồn tại”, Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống khẳng định, đồng thời nhấn mạnh rằng “ngay từ trang đầu tiên, Kinh Thánh đã nói rằng hết thảy mọi sự trên Trái đất đều tốt đẹp”.
Một khái niệm được thể hiện cụ thể trong “các hành động và lời giáo huấn của Chúa Giêsu, nơi mọi người đều được chào đón và yêu thương, quý trọng và trân trọng, ngay cả khi vô dụng, bị gạt ra ngoài lề, thậm chí vô giá trị”.
Chúa Giêsu không loại bỏ ai, và các môn đệ của Người, trong mọi thời đại, ngay cả với mọi yếu đuối, được mời gọi mạnh mẽ nhắc lại giáo huấn của Người: không có gì là phế thải, không có ai bị loại bỏ, không có lý do, chẳng có lý do gì cả để bỏ lại bất cứ ai phía sau”.
“Phải có chỗ cho tất cả mọi người”, Đức Tổng Giám mục Paglia tuyên bố, vạch ra sự tương đồng với “dụ ngôn về anh Lazarô nghèo khó và người phú hộ”, vốn “nghiêm khắc lên án mọi hành vi loại trừ xã hội”.
Văn hóa cam chịu
Trong suốt bài phát biểu của mình, Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống cũng tập trung vào cuộc chiến chống lại văn hóa “cam chịu”, được suy ngẫm theo “cách tiếp cận thương mại đơn thuần”, trong đó “những mất mát, hoàn trả và những sản phẩm lãng phí” được đưa “vào hóa đơn” từ khi bắt đầu.
“Mọi người đều cho rằng lãng phí thực phẩm là điều tồi tệ và đưa ra các biện pháp khắc phục hậu quả đó; nhưng sau đó các hành động lại nhạt nhẽo, ‘bạn làm những gì có thể, bạn biết rằng chúng ta không bao giờ có thể loại bỏ hoàn toàn sự lãng phí’”.
“Liệu chúng ta có thể cam chịu trước 47 triệu người thiếu dinh dưỡng ở Mỹ Latinh không?”, Đức Tổng Giám mục Paglia hỏi. “Liệu chúng ta có thể coi nhẹ thực tế rằng FAO nhắc nhở chúng ta rằng với 69 kg thực phẩm bị lãng phí hàng năm bởi mỗi người dân trên lục địa này, chúng ta có thể đóng góp đáng kể vào nguồn dinh dưỡng của 30 triệu người này?”.
Ba lĩnh vực hành động
Kết thúc bài phát biểu của mình, Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống đã đề xuất ba lĩnh vực hành động cụ thể.
Đầu tiên, việc thực hiện dữ liệu về lãng phí thực phẩm ở lục địa Mỹ Latinh, nơi “có ít dữ liệu nhất về hiện tượng lãng phí thực phẩm” để cảm nhận được “sự nghiêm trọng thực sự của hành động đáng hổ thẹn này”.
Không chỉ dữ liệu đơn thuần mà còn “những con số cho thấy tầm quan trọng xã hội của hiện tượng này”, chẳng hạn như “số giờ công bị lãng phí hoặc chi phí năng lượng cho những hoạt động đó không được phát huy hết là không đáng kể”.
Từ viễn cảnh vi mô cho đến những câu chuyện riêng lẻ
Thứ hai, Đức Tổng Giám mục Paglia đã bày tỏ sự cần thiết để tất cả các bộ phận liên quan đến cái gọi là chuỗi thực phẩm phải cùng nhau giải quyết tai họa của việc lãng phí thực phẩm.
“Khi bạn tuyệt đối hóa một trách nhiệm lên những trách nhiệm khác”, Đức Tổng Giám mục Paglia khẳng định, “bạn có nguy cơ không chú trọng đến hệ thống, bạn luôn chờ đợi người khác làm điều gì đó và khiến toàn bộ quá trình thất bại”.
“Chúng ta cần kết hợp các viễn cảnh vi mô và các câu chuyện riêng lẻ, sự phân bổ có tổ chức rộng rãi của các siêu thị và chợ không chính thức dọc các đường phố, những công nghệ tốt nhất và sự từng trải hiểu biết lâu đời nhất của người nông dân”.
Một cách tiếp cận mang tính tinh thần và có trách nhiệm
Lĩnh vực can thiệp thứ ba và cuối cùng đòi hỏi một cách tiếp cận văn hóa khác. Lương thực “là sự sống của con người và xã hội”, Chủ tịch Học viện Giáo hoàng cho biết, đồng thời kêu gọi một “cách tiếp cận có trách nhiệm, thậm chí mang tính tinh thần”.
Đoạn này rất quan trọng khi xem xét việc “các nghiên cứu cho thấy rằng một trong những bước quan trọng trong việc giảm lãng phí thực phẩm là giáo dục nhằm tạo ra sự thay đổi trong các thói quen có hại trong gia đình”.
“Nếu một người nhận thức được phẩm giá và sự tốt lành của bản thân, của những người thân yêu và của cải mình có, thì người đó sẽ ít lãng phí hơn, biến việc ăn uống trở thành một hành vi nhân văn sâu sắc, việc dọn bàn ăn và nấu nướng, đồng thời đảm nhận những trách nhiệm mới”.
Giấc mơ của Thiên Chúa dành cho nhân loại
Đức Tổng Giám mục Paglia kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách trích dẫn một đoạn trong Sách tiên tri Isaia, kể lại “Giấc mơ của Thiên Chúa dành cho nhân loại: một bữa tiệc với thịt béo và rượu ngon mà tất cả các dân tộc trên trái đất đều có thể được thưởng thức. Thức ăn ngon và thịnh soạn cho tất cả mọi người. Có lẽ là bức tranh chân thực và đẹp nhất về Thiên đàng”.
Minh Tuệ (theo Vatican News)