Đức Tổng Giám mục Machado: Khi nói đến tự do tôn giáo, Ấn Độ đang 'đi lùi' và các cuộc tấn công chống các Kitô hữu vẫn tiếp diễn

Kể từ ngày 13 tháng 10, ít nhất 5 vụ việc bạo lực đã được báo cáo ở nhiều nơi khác nhau trên khắp Ấn Độ, đáng chú ý nhất là ở Chhattisgarh và Uttar Pradesh. Các buổi cầu nguyện và các tòa nhà đã bị nhắm mục tiêu, một gia đình Kitô hữu không được phép chôn cất người thân yêu của mình tại nghĩa trang của làng. Cảnh sát đồng lõa với những kẻ tấn công. Đối với Tổng Giám mục Địa phận Bangalore, sự im lặng của chính phủ là điều “khó hiểu”.

IMG_2680

“Tôi cũng nhận thức được những vụ tấn công công khai và ngấm ngầm vào các Kitô hữu ở nhiều nơi trên đất nước chúng tôi”, Đức Tổng Giám mục Peter Machado Địa phận Bangalore và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Karnataka (KRCBC) cho biết khi nói về sự leo thang của bạo lực giáo phái chống lại cộng đồng thiểu số Kitô giáo, cả đối với các hoạt động tôn giáo cũng như các biểu tượng và tòa nhà của họ.

Phát biểu trên được đưa ra sau báo cáo gần đây của Diễn đàn Kitô giáo Thống nhất về Nhân quyền (UCFHR) về các vụ tấn công nhằm vào các Kitô hữu ở nhiều nơi khác nhau tại Ấn Độ, đáng chú ý nhất là ở Chhattisgarh và Uttar Pradesh.

“Các vụ tấn công và đàn áp hiện không chỉ giới hạn ở các yếu tố tôn giáo mà còn mở rộng sang các tổ chức tôn giáo, xã hội và giáo dục, cũng như các nghĩa trang”, vị Giám chức giải thích.

“Sự không khoan dung, sự phân biệt đối xử và những phát ngôn thù hận đang gây tổn thương. Sự im lặng và đôi khi là sự đồng lõa của bộ máy chính phủ thật khó hiểu”.

Lời cảnh báo của Đức Tổng Giám mục Địa phận Bangalore xuất phát từ ít nhất 5 trường hợp bạo lực và vi phạm quyền tự do tôn giáo được tổ chức Citizens for Justice and Peace (CJP) ghi nhận, từ ngày 13 đến ngày 20 tháng 10 tại một số tiểu bang của Ấn Độ.

Vụ việc đầu tiên được báo cáo vào ngày 13 tháng 10 tại Sultanpur, Uttar Pradesh, nơi cảnh sát đã giải tán một buổi cầu nguyện sau khi có đơn khiếu nại của Sarvesh Singh, người đứng đầu tổ chức ‘National Gau Raksha Vahini’.

Ông Singh, người có liên quan đến một nhóm được biết đến với các hành động tự phát dưới chiêu bài bảo vệ bò, đã cáo buộc nhóm Kitô hữu này tham gia vào các cuộc cải đạo. Về phần mình, cảnh sát đã bắt giữ một cặp vợ chồng và giam giữ một số người tham gia mà không tiến hành bất kỳ cuộc điều tra sơ bộ nào.

Cùng ngày tại quận Jagatsinghpur, Odisha, các thành viên của phong trào dân tộc chủ nghĩa Hindu Bajrang Dal đã tấn công một buổi cầu nguyện của các Kitô hữu, một lần nữa với cáo buộc sai trái liên quan đến việc cải đạo và truyền đạo.

Trong vụ tấn công, họ đe dọa sẽ sử dụng bạo lực và lột trần truồng những người có mặt để làm nhục họ vì đức tin của họ. Trong trường hợp này, sự can thiệp của cảnh sát đã ngăn chặn được những tổn hại tiếp theo, ngay cả khi những kẻ tấn công có thể thoát tội nhưng vẫn khiến nạn nhân dễ bị tấn công thêm.

Vào ngày 17 tháng 10 tại Dhamtari, Chhattisgarh, một gia đình Kitô hữu đang chôn cất người thân đã lọt vào tầm ngắm của một số chiến binh từ Vishwa Hindu Parishad (VHP) và Bajrang Dal, những kẻ phản đối việc tổ chức tang lễ và chôn cất tại nghĩa trang của làng.

Mặc dù đã có mặt từ lâu trong khu vực, để tránh leo thang hơn nữa, các Kitô hữu đã nhường bước trước sự áp lực và đưa người quá cố đến một nơi bên ngoài ngôi làng để chôn cất.

Hai trường hợp gần đây nhất xảy ra vào tuần trước.

Vào ngày 17 tháng 10, một số chiến binh VHP được cảnh sát địa phương hậu thuẫn đã xông vào một buổi cầu nguyện ở Saharsa, Bihar, tịch thu các biểu tượng tôn giáo, bao gồm Kinh thánh và các tài liệu Kitô giáo khác. Một giáo sĩ đã bị giam giữ trong một khoảng thời gian dài sau cuộc đột kích.

Vào ngày 20 tháng 10 tại Amethi, Uttar Pradesh, cảnh sát đã đột kích vào nhà của một gia đình Kitô giáo sau khi dân làng phàn nàn về những cuộc cải đạo được cho là dưới chiêu bài cầu nguyện. Dựa trên những cáo buộc vô căn cứ, 3 thành viên trong gia đình này đã bị bắt giữ.

“Một mặt”, Đức Tổng Giám mục Machado cho biết, “Ấn Độ muốn thể hiện mình là một quốc gia hướng tới tương lai với nền dân chủ lớn nhất; mặt khác, với những hạn chế áp đặt lên công dân liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, chúng ta đang thụt lùi như một quốc gia lạc hậu”.

“Nghĩ đến việc 12 tiểu bang đã thông qua cái gọi là dự luật tự do tôn giáo, trên thực tế là luật chống cải đạo, trái ngược với các điều khoản hiến pháp, cho thấy một não trạng đáng chê trách hơn cả não trạng thực dân”.

Đối với vị Giám chức, “Ngay cả Karnataka, một trong những tiểu bang phát triển nhất ở Liên bang Ấn Độ vẫn kiên trì với luật chống cải đạo do chính quyền trước thông qua, tiếp tục cho thấy rằng phát triển kinh tế không liên quan gì đến quyền tự do theo hiến pháp”.

Thật vậy, “Tôi cầu nguyện theo lời của Thi hào Rabindra Nath Tagore: ‘Lạy Cha, xin cho đất nước chúng con vươn lên đến thiên đường tự do’”.

Minh Tuệ (theo Asia News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết