Đức Tổng Giám mục Chaldei Địa phận Erbil, Đức Cha Bashar Warda, đã kêu gọi Tổng thống Donald Trump giúp đỡ cho 20.000 gia đình Kitô hữu Iraq đã bị trục xuất ra khỏi nhà cửa của họ sau những vụ tấn công cũng như những mối nguy hiểm từ các phần tử cực đoan Hồi giáo.
Đức Cha Warda phát biểu với AFP trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ ba rằng 20.000 gia đình người Iraq, hoặc khoảng 100.000 người, vẫn cần đến sự hỗ trợ thiết yếu sau nhiều năm của những vụ tấn công của các phần tử cực đoan Hồi giáo cũng như các xung đột khác đã đẩy họ ra khỏi nhà cửa của mình.
“Đây là một trường hợp có căn cứ”, Đức Cha Warda cho biết trong lời kêu gọi của mình với chính quyền Trump.
“Họ bị bách hại, họ bị gạt ra bên lề và họ đang hết sức thiếu thốn”, Đức Cha Warda nói về Kitô hữu.
Người dân Chaldean và Syria ở Nineveh Plains tại Iraq đang chứng kiến cơ hội để tái thiết cuộc sống của họ sau những chiến thắng giành lại lãnh thổ quan trọng chống lại nhóm khủng bố của Nhà nước Hồi giáo, nhưng điều cần thiết là phải cần thêm viện trợ để chứng kiến việc họ quay trở về quê hương xứ sở.
Các số liệu thống kê cho thấy chỉ có khoảng 200.000 Kitô hữu ở lại Iraq, giảm từ 1,5 triệu vào năm 2003, trước sự sụp đổ của nhà độc tài Saddam Hussein.
Các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác, chẳng hạn như những người Yazidis, đã bị giết hại trong chiến dịch diệt chủng của IS, và họ cũng đã rơi vào hoàn cảnh của các cuộc xung đột địa chính trị khác.
Đức Cha Warda đã kêu gọi Mỹ đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giúp đỡ các tín hữu, đồng thời lưu ý rằng các quốc gia châu Âu, như Hungary và Ba Lan, đã đóng góp rất nhiều cho mục đích này.
“Quý vị không chỉ giúp họ vì họ là những người Kitô hữu, mà vì họ đã bị bách hại và bị bỏ quên”, Đức Cha Warda nói.
Một số tổ chức nhân đạo Kitô giáo đã chỉ ra rằng bất chấp những lời hứa bằng suông, chỉ có một số ít viện trợ quốc tế đã được chuyển đến các Kitô hữu đang đau khổ này.
“Chúng ta chẳng thấy bất cứ điều gì xảy ra cả”, William Hollander, người cộng tác với nhóm giám sát Open Doors, phát biểu với The Christian Post trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Mười vừa qua.
“Sự thất vọng lớn đối với các Kitô hữu cũng như tất cả mọi người vào thời điểm này đó là họ đang bị phản bội bởi các quyền lực chính trị” và một lần nữa họ lại rơi vào tình huống phải chạy đến các trại tị nạn, ông Hollander cho biết.
Chính quyền Trump đã cố gắng đẩy mạnh những nỗ lực viện trợ của mình, và tháng trước The Christian Post đã báo cáo rằng Phó Tổng thống Mike Pence đã thông báo rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã được lệnh gửi viện trợ Mỹ trực tiếp cho các tổ chức dựa vào đức tin hỗ trợ một cách tích cực cho các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo khác trong dân chúng.
Mặc dù Mỹ đã cung cấp hơn 1 tỷ đô la viện trợ nhân đạo và hàng trăm triệu đô la cho việc viện trợ tái thiết, phần lớn số đó đã được thông qua Liên Hợp Quốc.
Đức Cha Warda tiết lộ rằng đã có một số tin tức tốt lành, với gần 4.000 gia đình trở về quê hương xứ sở của mình tại Qaraqosh, cộng đồng Kitô hữu lớn nhất của Iraq, và bắt đầu làm việc để xây dựng lại thị trấn.
Đức Cha Warda phát biểu với AFP rằng nhiều ngôi làng nhỏ hơn trên tuyến tiền tuyến giữa các lực lượng chính phủ Iraq và dân quân Kurdish đang trong tình trạng nguy hiểm.
“Đó là một vấn đề liên quan đến lĩnh vực chính trị, và chúng ta hy vọng rằng nó sẽ được giải quyết thông qua đối thoại”, Đức Cha Warda nói về cuộc xung đột Iraq-Kurdish.
“Tất cả mọi người đều biết rằng bạo lực không phải là cách để giải quyết những vấn đề này”.
“Trên thực tế, bất kỳ hoạt động quân sự nào trong những khu vực này cũng sẽ tổn hại toàn bộ danh tiếng của khu vực và điều này cũng đồng nghĩa với việc các Kitô hữu sẽ bỏ đi”, Đức Cha Warda cho biết thêm.
Đức Cha Warda phát biểu với The Christian Post vào tháng 10 năm 2016 rằng niềm hy vọng Kitô giáo đã gia tăng tại Iraq sau những nỗ lực tăng cường giải phóng những khu vực lãnh thổ bị chiếm giữ bởi lực lượng IS.
Đức Cha Warda đã tiết lộ vào thời điểm mà Giáo phận của Ngài chủ yếu nhận được sự giúp đỡ từ các Giáo hội, các Hội đồng Giám mục và các tổ chức tôn giáo như Tổ chức viện trợ các Giáo hội Đau khổ và Tổ chức Hiệp sĩ Columbus.
“Đó là những tổ chức giúp đỡ cho các Kitô hữu trên toàn thế giới. Các Giáo hội là những người duy nhất đang giúp đỡ chúng tôi”, Đức Cha Warda nói. “Chúng tôi không hề nhận được bất cứ khoản tiền nào của chính phủ. Họ không hề quan tâm đến chúng tôi vì tệ nạn tham nhũng, bởi vì họ đang bận rộn với rất nhiều những vấn đề khác”.
Minh Tuệ chuyển ngữ