Đức Tổng Giám mục Gudziak: ‘Đồng hành với Ukraine trên Chặng Đàng Thánh Giá’

Đức Tổng Giám mục Borys Gudziak, Tổng Giám mục Giáo phận Philadelphia thuộc Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, đã chia sẻ về cách Giáo hội tiếp tục đồng hành với người dân Ukraine đang chịu đau khổ qua việc chăm sóc mục vụ, hỗ trợ nhân đạo và làm chứng cho đức tin giữa bối cảnh chiến tranh.

Hậu quả của các cuộc không kích phối hợp của Nga vào Ukraine trong đêm (Ảnh: ANSA)

Hậu quả của các cuộc không kích phối hợp của Nga vào Ukraine trong đêm (Ảnh: ANSA)

Chia sẻ với Vatican News, Đức Tổng Giám mục Borys Gudziak, Tổng Giám mục Giáo phận Philadelphia của các tín hữu Công giáo Ukraine tại Hoa Kỳ, đã nhấn mạnh những thách đố và niềm hy vọng mà Giáo hội đang đối diện trong thời điểm đầy đau thương này.

“Về một nghĩa nào đó, các Giám mục chẳng thể làm được gì nhiều”, Đức Tổng Giám mục Gudziak nói, “nhưng thực tế là, họ có thể làm rất nhiều điều. Họ sát cánh với người dân”. Và chính điều đó, ngài nhấn mạnh, mới là điều quan trọng nhất khi một cộng đồng đang đau khổ: “Không gì quan trọng hơn sự liên đới khi người ta đang chịu đau khổ”.

Đức Tổng Giám mục Gudziak mô tả một đất nước bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tình trạng di tản của người dân. Kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào năm 2022, gần 14 triệu người Ukraine đã buộc phải rời bỏ nhà cửa. Trong số này, một số đã quay trở lại, nhưng phần đông vẫn đang là người tị nạn nội địa hoặc đã định cư ở nước ngoài mà không còn nơi nào để trở về.

Trong bối cảnh đó, ngài tiếp tục, Giáo hội đóng một vai trò thiết yếu, không chỉ về mặt thiêng liêng, mà còn về mặt xã hội.

“Chúng tôi cố gắng cầu nguyện cùng với và cho người dân, giải thích những gì đang xảy ra, đồng hành với các nạn nhân trên hành trình Thập giá”, ngài chia sẻ. “Mọi người đều biết ai đó đã bị giết, ai đó là người tị nạn. Đó là một trải nghiệm phổ biến”.

Thông qua mạng lưới các Linh mục và tu sĩ, Giáo hội – như Đức Tổng Giám mục Gudziak giải thích – đang cung cấp nơi trú ẩn, thực phẩm, quần áo, hỗ trợ tâm lý và chăm sóc y tế. Các Linh mục cũng đang được đào tạo để nhận biết và can thiệp vào các trường hợp rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD), với ước tính hơn 10 triệu người có thể sẽ bị ảnh hưởng trong những năm tới.

Nhu cầu của trẻ em cũng là một ưu tiên hàng đầu. Ngài kể về việc Giáo hội tổ chức các trại hè cho trẻ mồ côi và trẻ em tị nạn, nhiều em trong số đó đã mất nhiều năm học do chiến tranh và đại dịch COVID-19.

“Một số em về cơ bản đã mất tới 5 năm học”, Đức Tổng Giám mục Gudziak nói, đồng thời bày tỏ lo ngại trước tình trạng mù chữ đang gia tăng.

Một đứa trẻ tại một ngôi làng tiền tuyến tại vùng Kharkiv (Ảnh: Vatican News)

Một đứa trẻ tại một ngôi làng tiền tuyến tại vùng Kharkiv (Ảnh: Vatican News)

Thượng Hội đồng tại Rôma

Khi được hỏi về Thượng Hội đồng Giám mục của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine gần đây được tổ chức tại Rôma, Đức Tổng Giám mục Gudziak cho biết trọng tâm chính là mục vụ, nhưng không thể tách rời khỏi thực tế chiến tranh.

“Chúng tôi họp mặt hằng năm trong gần hai tuần để thảo luận những vấn đề hiện tại và tương lai, trong đó bao gồm cả việc chọn lựa ứng viên cho các Tòa Giám mục”, ngài nói.

Tuy nhiên, trong năm nay, ngài cho biết, trọng tâm chính là việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình trong bối cảnh chiến tranh, “bởi vì bên ngoài Ukraine, chúng tôi có những người tị nạn của cuộc chiến này”. Đức Tổng Giám mục Gudziak giải thích rằng trong 3 năm qua, khoảng 350.000 người đã đến Hoa Kỳ, trong khi riêng tại Anh Quốc đã có hơn 150.000 người.

Với hàng triệu người Ukraine đang sinh sống ở nước ngoài, Đức Tổng Giám mục Gudziak cho rằng các Giám mục cần phải chăm lo cả những nhu cầu thiêng liêng lẫn thực tế của họ.

“Chúng tôi muốn thể hiện sự hỗ trợ đối với các anh em Giám mục tại Ukraine, cả về mặt tinh thần lẫn vật chất: phía đông và phía tây Ukraine có những cách thế mục vụ và hoàn cảnh khác nhau”, ngài nhấn mạnh. “Chủ đề chính hiện nay là chiến tranh và sự khổ đau của dân chúng”.

Đức Tổng Giám mục Gudziak cũng cho biết thêm rằng Giáo hội muốn “có thể lên tiếng một cách hiểu biết về tình hình tại Ukraine trước cộng đồng quốc tế”.

Để phác họa cái nhìn toàn cảnh và sự phức tạp của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, Đức Tổng Giám mục Gudziak giải thích rằng đây là một phần trong sự hiệp thông của 23 Giáo hội Công giáo Đông phương, mỗi Giáo hội có truyền thống phụng vụ và Giáo luật riêng. Hiện nay, Giáo hội có 36 Giáo phận (eparchies) trên toàn Ukraine và tại hải ngoại, với tổng cộng 55 Giám mục đang phục vụ.

Tại Rôma, ngài cho biết, các Giám mục đã có hai cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Lêô XIV và tổ chức các cuộc trao đổi với nhiều vị hữu trách trong Giáo triều Rôma.

Đức Thánh Cha Lêô XIV chào đón các Giám mục thuộc Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine (Ảnh: ANSA)

Đức Thánh Cha Lêô XIV chào đón các Giám mục thuộc Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine (Ảnh: ANSA)

Một Giáo hội với hành trang trên vai

Chuyển sang hoạt động mục vụ tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám mục Gudziak lưu ý rằng mặc dù có rất nhiều người Ukraine mới đến, nhưng chỉ có khoảng 5% trong số họ thường xuyên liên hệ với Giáo hội.

Để tiếp cận họ, Tổng Giáo phận đã thành lập một văn phòng đặc trách di dân, cung cấp trợ giúp thực phẩm, quần áo, tài liệu ngôn ngữ, cũng như hỗ trợ về học hành, bằng cấp và việc làm. Tuy nhiên, việc người mới đến phân tán khắp nơi và số lượng Giáo xứ hạn chế đang đặt ra một thách đố nghiêm trọng.

“Chúng tôi đang cân nhắc về ý nghĩa của việc trở thành Giáo hội”, Đức Tổng Giám mục Gudziak nói. “Chúng tôi cần trở thành một ‘Giáo hội với hành trang trên vai’ – di động, linh hoạt, hiện diện tại nơi người dân đang ở, ngay cả khi không có cơ sở hạ tầng”.

Ngài hồi tưởng lại kinh nghiệm của mình tại Paris, nơi cộng đoàn Công giáo Ukraine trong nhiều năm đã cử hành phụng vụ và sống tinh thần hiệp thông trong những không gian mượn tạm. “Chúng tôi vẫn có đời sống Giáo hội tuyệt vời, dù không có cơ sở vật chất”.

Ngài cũng đề cập đến ảnh hưởng ngày càng tăng của nền văn hóa thế tục và kỹ thuật số, đặc biệt nơi giới trẻ Ukraine: “Các em ngày nay giống với bạn bè đồng trang lứa tại Anh, Úc hay Hàn Quốc hơn là ông bà của họ”.

Đức Tổng Giám mục Borys Gudziak, Tổng Giám mục Giáo phận Philadelphia thuộc Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine (Ảnh: Vatican News)

Đức Tổng Giám mục Borys Gudziak, Tổng Giám mục Giáo phận Philadelphia thuộc Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine (Ảnh: Vatican News)

Lời kêu gọi cầu nguyện và liên đới

Khi chiến tranh leo thang, sự đau khổ cũng tăng theo. Trong những tuần gần đây, số lượng máy bay không người lái tấn công vào hạ tầng dân sự, bệnh viện và trường học đã đạt mức kỷ lục – có ngày lên tới 700 chiếc.

Thông điệp của Đức Tổng Giám mục Gudziak là lời mời gọi khẩn thiết: “Chúng tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện, vì lời cầu nguyện có thể chặn được cả đạn pháo. Hãy cầu nguyện vì Thiên Chúa là Chúa tể của lịch sử, và chân lý của Người sẽ chiến thắng”.

Ngài kêu gọi các tín hữu Công giáo trên khắp thế giới hãy quan tâm, và giúp đỡ bằng bất kỳ cách nào – qua lời cầu nguyện, vận động hoặc hỗ trợ nhân đạo.

“Trong lịch sử, Giáo hội Công giáo luôn bị cấm đoán và hủy diệt tại những vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng”, Đức Tổng Giám mục Gudziak lưu ý, đồng thời nhấn mạnh rằng trong những thời khắc như thế, lòng can đảm và sự hoán cải của người dân chính là những dấu chỉ hùng hồn về sự hiện diện của Thiên Chúa.

“Đây là một thời khắc đầy thử thách”, ngài kết luận, “nhưng chúng tôi vô cùng biết ơn mọi hành động bác ái, mọi lời cầu nguyện, mọi nghĩa cử trợ giúp”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết