Thượng Hội đồng về Hiệp hành không tự nó là quan trọng nhưng là để phục vụ sứ mạng truyền giáo của Giáo hội Công giáo, Đức Tổng Giám mục Gintaras Grušas nhắn nhủ với các đại biểu Thượng Hội đồng hôm thứ Tư.
Đức Tổng Giám mục người Mỹ gốc Lithuanian của Địa phận Vilnius đã ngỏ lời với các thành viên của đại hội đồng Thượng Hội đồng trong bài giảng nhân dịp Lễ Thánh Luca khi Thượng Hội đồng bắt đầu các cuộc thảo luận về “việc quản trị và thẩm quyền” trong Giáo hội.
“Khi chúng ta tiếp tục nói về những tiến trình, cơ cấu và tổ chức nào cần thiết trong một Giáo hội hiệp hành truyền giáo, chúng ta cần đảm bảo rằng những điều này trên thực tế hỗ trợ sứ mạng mang Tin Mừng đến những người đang cần sự cứu rỗi”, Đức Tổng Giám mục Grušas cho biết vào ngày 18 tháng 10.
“Tính Hiệp hành, bao gồm các cơ cấu và các cuộc họp của nó, phải phục vụ sứ mạng truyền giáo của Giáo hội và tự nó không trở thành mục đích”.
Trong ba ngày tới, Thượng Hội đồng về Hiệp hành sẽ thảo luận các câu hỏi được đặt ra trong phần B3 của Instrumentum Laboris, hoặc Tài liệu Làm việc của Thượng Hội đồng, chẳng hạn như: “Làm thế nào chúng ta có thể đổi mới việc phục vụ quyền bính và thực thi trách nhiệm trong một Giáo hội truyền giáo có tính Hiệp hành?”.
Trong bài giảng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Tổng Giám mục Grušas mời gọi các đại biểu Thượng Hội đồng noi gương lòng trung thành và sự can trường của Thánh Luca.
“Chúng ta cũng được mời gọi trung thành với cam kết cùng nhau bước đi trong đời sống của Giáo hội và vượt qua những khó khăn của cuộc hành trình, ngay cả khi không rõ Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta đi đâu trong thời gian ngắn”, Đức Tổng Giám mục Grušas nói.
Vị Tổng Giám mục 62 tuổi lưu ý rằng Tin Mừng Thánh Luca “nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong đời sống Giáo hội và trong việc công bố Tin Mừng”.
Thánh Luca không chỉ là “tác giả Phúc Âm xuất sắc về Đức Maria”, mà vị Thánh sử còn truyền lại cho chúng ta câu chuyện “người phụ nữ Samari bên giếng đã loan báo về Đấng Messia, Maria Mađalêna, người đầu tiên công bố sứ điệp Phục sinh”, cũng như nhiều phụ nữ khác nhau trong sách Công vụ Tông đồ đã hỗ trợ sự phát triển của Giáo hội sơ khai”.
Đức Tổng Giám mục Grušas nhấn mạnh rằng “tất cả những người đã được rửa tội” đều được mời gọi loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, “chứ không chỉ những thừa tác viên có chức thánh”.
“Điều quan trọng là tất cả những người đã được rửa tội phải nghe thấy lời mời gọi này, ơn gọi này và đáp trả, cam kết dấn thân dành cuộc sống, lời nói và hành động của mình cho sứ mạng của Chúa Giêsu. Vì điều này chúng ta phải tiếp tục cầu nguyện”, Đức Tổng Giám mục Grušas nói.
Đức Tổng Giám mục Grušas Grušas sinh ra ở Washington D.C., với cha mẹ là người Lithuania đến Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh. Sau khi lấy bằng toán học tại UCLA, ngài làm việc cho IBM trước khi bước vào quá trình đào tạo để được chịu chức Linh mục tại Đại học Franciscan ở Steubenville và Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinô (Angelicum).
Cha Grušas đã quay trở lại Lithuania, nơi ngài được truyền chức và nhập tịch vào Tổng Giáo phận Vilnius vào năm 1994. Đức Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục để phục vụ với tư cách là Giám mục quân đội của Lithuania vào năm 2010 và Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Địa phận Vilnius vào năm 2013. Đức Cha Grušas đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Âu vào năm 2021.
Vào cuối bài giảng, Đức Tổng Giám mục Grušas đã kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình tại Israel, Palestine, Ukraine và những nơi đang thiếu vắng hòa bình khác trên thế giới.
“Qua những lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta hãy trở thành những máng chuyển hòa bình của Thiên Chúa trong thế giới ngày nay”, Đức Tổng Giám mục Grušas nói. “Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện để Thánh Luca chuyển cầu cho chúng ta khi chúng ta tiếp tục cuộc hành trình Hiệp hành của mình”.
Minh Tuệ (theo CNA)