Đức Tổng Giám mục Đức Tổng Giám mục: ‘Tất cả người dân Ukraine nên nhớ đến cuộc diệt chủng Holodomor’

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 27-07-2024 | 22:04:29
Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk phát biểu tại Bảo tàng quốc gia về nạn diệt chủng Holodomor ở Kyiv vào ngày 23 tháng 7 năm 2024 (Ảnh: Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine)

Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk phát biểu tại Bảo tàng quốc gia về nạn diệt chủng Holodomor ở Kyiv vào ngày 23 tháng 7 năm 2024 (Ảnh: Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine)

Phát biểu tại Bảo tàng quốc gia về nạn diệt chủng Holodomor của Ukraine, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, Đức Tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk cho biết, “việc tôn vinh các nạn nhân của nạn diệt chủng không chỉ là vấn đề của nhà nước mà còn của mọi người dân Ukraine”.

Từ 7 đến 10 triệu người Ukraine đã chết vì nạn đói trong giai đoạn từ năm 1932 đến năm 1933 tại quốc gia khi đó là thành viên của Liên Xô sau khi Liên Xô lấy đi phần lớn ngũ cốc của họ và tiến hành những thay đổi thảm khốc đối với ngành ngũ cốc của khu vực này.

Nhiều học giả cho rằng Joseph Stalin đã nỗ lực chấm dứt phong trào giành độc lập của Ukraine thông qua các chính sách của mình, điều đã biến nạn Holodomor thành một cuộc diệt chủng.

Vào ngày 23 tháng 7, Bảo tàng quốc gia về nạn diệt chủng Holodomor đã chính thức trao tặng tác phẩm nghệ thuật từ Quỹ từ thiện quốc tế của Bảo tàng Holodomor cho chính bảo tang này.

“Tôi nghĩ rằng đây chính là chìa khóa để hiểu được sự kiện ngày hôm nay”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói.

“Nhà nước có nghĩa vụ tôn vinh công dân của mình, đặc biệt là những người đã trở thành nạn nhân của nạn nạn đói – diệt chủng này. Nhưng nhà nước không thể chiếm đoạt độc quyền tôn vinh những nạn nhân này. Những người dân thường, những người dân Ukraine bình thường, cũng nên có cơ hội tham gia vào sự nghiệp cao cả của quốc gia này”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk cũng lưu ý rằng việc tôn vinh các nạn nhân của nạn diệt chủng Holodomor là nghĩa vụ đạo đức của mọi người dân Ukraine và đồng thời chỉ ra rằng Giáo hội Công giáo đã giúp gây quỹ cho bảo tàng.

“Giáo hội của chúng tôi là một phần của xã hội dân sự”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói.

“Chúng tôi đã trao cơ hội cho những người dân bình thường tham gia vào mục đích này… Tôi muốn tưởng nhớ những người đã đóng góp vào việc xây dựng Bảo tàng không chỉ là một tòa nhà, mà còn để triển lãm nói lên sự thật về nỗi đau của chúng tôi, về ký ức của người Ukraine”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk cho biết thêm.

Trong buổi lễ, Viktor Yushchenko và Ivan Vasyunyk, Chủ tịch Hội đồng giám sát của Quỹ từ thiện quốc tế Bảo tàng Holodomor, đã cảm ơn các nhà hảo tâm đã đóng góp về mặt thể chế cho việc thực hiện dự án, quyên góp được hơn 800.000 đô la.

“Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng vốn cho Bảo tàng, và các nhà hảo tâm từ Ukraine và thế giới chịu trách nhiệm thu hút các lực lượng dự án tốt nhất cho cả quy hoạch kiến ​​trúc lẫn thiết kế triển lãm. Và hôm nay là bản tóm tắt của giai đoạn đầu tiên”, ông Vasyunyk cho biết.

Bảo tàng mở cửa trong bối cảnh Ukraine đang xảy ra xung đột với Nga.

Nga đã sáp nhập Crimea một cách bất hợp pháp vào năm 2014 và tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Trong vài tháng qua, cả hai bên đều tăng cường các cuộc tấn công trên không và giao tranh dữ dội vẫn tiếp diễn ở phía đông đất nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng Nga chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán “thiện chí” nhằm chấm dứt chiến tranh.

Tuyên bố của ông Kuleba với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị được đưa ra khi ông đến thăm Trung Quốc để tham dự các cuộc đàm phán bắt đầu từ thứ Ba.

Trung Quốc tuyên bố họ là bên trung lập trong cuộc chiến và kêu gọi đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, đồng thời tiếp tục ủng hộ chính trị cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết