Đức Tổng Giám mục John Wilson Địa phận Southwark, người đã chào đón nhiều nhà truyền giáo châu Phi đến Giáo phận của mình, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng mà họ vẫn đang tiếp tục đóng trong Giáo hội tại Vương quốc Anh, sau chuyến viếng thăm gần đây tới Abuja, Nigeria.
Trong quá khứ, các nhà truyền giáo được gửi đến từ nhiều quốc gia châu Âu đến lục địa châu Phi để công bố và truyền bá Phúc Âm. Tuy nhiên, “các vai trò đã thay đổi, hoặc ít nhất là đã bắt đầu thay đổi”, theo Đức Tổng Giám mục John Wilson.
Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Southwark, một quận ở London, cho biết rằng “những khu vực của Giáo hội nơi mà việc thực hành đức tin theo truyền thống đã suy giảm đang tìm thấy sức sống mới từ các nhà truyền giáo ở nước ngoài, bao gồm cả những người đến từ các quốc gia Châu Phi”.
Vị Giám chức đề cập rằng khi Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đến thăm Uganda vào năm 1969, ngài đã thừa nhận công việc truyền giáo vĩ đại mà các nhà truyền giáo từ nước ngoài đã đạt được cho Giáo hội ở Châu Phi. Trân trọng nền tảng đó, Đức Phaolô VI kêu gọi Giáo hội Châu Phi hãy tiếp tục là “những nhà truyền giáo cho chính mình”.
Các tín hữu Công giáo Châu Phi hiện đang tích cực tham gia vào công tác truyền giáo, cả trong các quốc gia của họ lẫn ở nước ngoài.
“Sự chuyển đổi này phản ánh sự phát triển và trưởng thành của Giáo hội tại Châu Phi”, Đức Tổng Giám mục Wilson cho biết. “Tất cả chúng ta, với tư cách là những người tiếp nhận sứ mệnh, lần lượt nhận ra trách nhiệm chia sẻ đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu. Đối với một số người, điều này bao gồm lời kêu gọi đi đến các quốc gia và dân tộc khác, qua đó đóng góp vào sứ mạng truyền giáo liên tục của Giáo hội hoàn vũ”.
Vai trò quan trọng của các nhà truyền giáo đến từ Châu Phi ở Châu Âu
Các nhà truyền giáo châu Phi đóng vai trò quan trọng ở châu Âu, theo vị Tổng Giám mục người Anh.
“Họ mang đến một đức tin Công giáo sống động và vui tươi cùng với sự phong phú về văn hóa”, Đức Tổng Giám mục Wilson nói. “Sự hiện diện của họ, với tư cách là giáo dân, tu sĩ nam nữ, và giáo sĩ, đã tiếp thêm sinh lực cho nhiều Giáo xứ tại châu Âu, nhắc nhở chúng ta về tính phổ quát của đức tin Công giáo”.
Các nhà truyền giáo đóng góp cho công cuộc truyền giáo, chăm sóc mục vụ và xây dựng cộng đồng, và chứng tá của họ giúp truyền cảm hứng cho các tín hữu Công giáo địa phương bằng cách thúc đẩy sự hiệp nhất giữa các nền tảng và di sản đa dạng.
Vào năm 2021, Đức Tổng Giám mục Wilson đã thành lập Ủy ban Thúc đẩy Hòa nhập chủng tộc và văn hóa trong Tổng Giáo phận của mình, nhằm mục đích tạo ra sự hiểu biết và tôn trọng giữa những người có quốc tịch và nền văn hóa khác nhau, đồng thời đào sâu sự hiểu biết về đức tin chung được thể hiện trong các bối cảnh đa dạng. Ủy ban này cũng giúp đưa vào thực hành cam kết của Giáo hội địa phương trong việc chống lại nạn phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức.
Trong thông điệp mục vụ gần đây gửi đến những người Công giáo đến từ Nigeria hoặc có Di sản Nigeria tại Tổng Giáo phận Southwark, Đức Tổng Giám mục Wilson đã chỉ ra thực tế rằng “Các tín hữu Công giáo từ khắp Châu Phi và toàn thế giới làm phong phú thêm Giáo hội của họ, mang đến sự sống trong các cộng đồng của họ một bức tranh khảm tuyệt đẹp và đa dạng về công trình sáng tạo của Thiên Chúa”.
Vị Giám chức khẳng định rằng “điều này đúng với nhiều Giáo phận trên khắp thế giới. Giáo hội Công giáo là một gia đình toàn cầu. Bất cứ nơi nào chúng ta ở, đều có một cộng đồng đức tin, ngay cả khi nó nhỏ bé hoặc ẩn khuất hơn”.
“Trong Tổng Giáo phận của chúng tôi, bạn chỉ cần đến thăm một trong những Giáo xứ xinh đẹp ở Nam London của chúng tôi để chứng kiến Giáo hội hoàn vũ hiện diện trong thế giới thu nhỏ thông qua những người đến từ mọi quốc tịch”, Đức Tổng Giám mục Wilson nói. “Mỗi người mang đến những món quà, quan điểm và trải nghiệm độc đáo. Các Giáo xứ tại Southwark của chúng tôi là một bức tranh ghép tuyệt đẹp, phản ánh một phần của sự thống nhất và đa dạng được tìm thấy trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa”.
Giáo hội phải là nơi của sự chào đón
Nhấn mạnh một số khía cạnh quan trọng giúp Tổng Giáo phận của mình có được tinh thần chào đón, Đức Tổng Giám mục Wilson cho biết: “Tôi rất ấn tượng trước cảm giác của sự chào đón sâu sắc mà tôi nhận được khi ở Nigeria, và tôi muốn mời gọi tất cả mọi người hãy chào đón những người mới đến một cách nồng nhiệt, dù là trong Thánh lễ, các sự kiện trong Giáo xứ hay trong cuộc sống hàng ngày”.
Đức Tổng Giám mục Wilson thừa nhận rằng tính bao gồm là một khía cạnh cơ bản để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều cảm thấy được coi trọng và được tính đến, bằng cách tôn vinh các biểu hiện văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống. Ở mọi Giáo xứ, họ đều có “Thánh lễ quốc tế” và việc chia sẻ các loại thực phẩm, âm nhạc và nghệ thuật khác nhau giúp phá bỏ rào cản và xây dựng các cộng đoàn Kitô giáo lành mạnh.
Đức Tổng Giám mục Wilson cho rằng việc đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục giáo dân về sự đa dạng văn hóa và sự phong phú mà nó mang lại, đồng thời cho biết điều này giúp thúc đẩy đối thoại và sự hiểu biết lẫn nhau.
Thông qua hoạt động tiếp cận của Caritas Southwark, Tổng Giáo phận mong muốn mở rộng lòng hiếu khách vượt ra ngoài khuôn viên các nhà thờ, phục vụ những người nghèo, người thiệt thòi, người nhập cư và người tị nạn.
Ngài tiếp tục nói rằng, giống như Thánh lễ di dân thường niên của Giáo phận, các tín hữu Công giáo hợp tác với các Giáo phận, các Dòng tu và các tổ chức khác để thực hiện các nỗ lực truyền giáo chung, với sự hỗ trợ của Caritas Southwark, nhằm tham gia vào các sáng kiến chung, chẳng hạn như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và công lý xã hội.
Tinh thần truyền giáo và tác động của nó
“Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục chúng ta trở thành ‘Những môn đồ truyền giáo’”, Đức Tổng Giám mục Wilson nói. “Trong Tổng Giáo phận của chúng tôi, thông qua các Giáo xứ và các trường học, Cơ quan truyền giáo và Giáo lý và Caritas Southwark, chúng tôi tìm cách vun đắp một tư duy truyền giáo trong mọi khía cạnh của đời sống Kitô hữu, nhấn mạnh vào việc loan báo, tiếp cận và phục vụ”.
Tổng Giáo phận Southwark có các Linh mục và những người sống đời thánh hiến từ nước ngoài phục vụ trong các Giáo xứ, trường học và các tuyên úy. Bao gồm các Linh mục của Hội Truyền giáo St Paul từ Nigeria, cùng với các linh mục từ các giáo đoàn truyền giáo khác, chẳng hạn như Spiritans, và các linh mục được điều động từ các giáo phận khác nhau ở một số vùng của Châu Phi, Châu Á, Châu Âu và Nam Mỹ.
Đức Tổng Giám mục Wilson cho biết điều này đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể về số lượng ơn gọi tại địa phương.
Đức Tổng Giám mục Wilson tin rằng các Giáo hội địa phương ở Châu Âu phải tôn trọng nhu cầu của các Giáo hội địa phương ở những nơi khác trên thế giới, đặc biệt là những nơi trẻ trung và năng động, chẳng hạn như ở một số vùng của Châu Phi.
“Chúng ta không thể chỉ ‘lấy’ từ các Giáo hội địa phương khác để bù đắp những gì còn thiếu”, vị Giám chức nói. “Cần phải có sự hợp tác thích hợp và hỗ tương trong sứ mệnh tôn vinh các Giáo hội địa phương, chỉ tiếp nhận các nhà truyền giáo từ nước ngoài sau khi tham khảo ý kiến thích hợp với các Giám mục và Bề trên địa phương của họ, và phục vụ cho sự phát triển chung của Giáo hội địa phương ở cả nơi gửi đi lẫn nơi tiếp nhận”.
Hy vọng cho tương lai
Đức Tổng Giám mục Wilson bày tỏ hy vọng được chứng kiến một Giáo hội tiếp tục phát triển về đức tin, sự hiệp nhất và sự mở rộng.
“Chúng ta là, và muốn trở thành hơn nữa, một Giáo hội truyền giáo chào đón tất cả mọi người và luôn trung thành với sứ mệnh chính yếu của chúng ta là công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu bằng lời nói và hành động”, Đức Tổng Giám mục Wilson nói.
Đức Tổng Giám mục Wilson kết thúc cuộc phỏng vấn bằng cách lưu ý rằng thông qua các cơ quan Giáo phận, cần phải liên tục thúc đẩy mối liên hệ sâu sắc hơn giữa người dân châu Phi và các quốc gia khác trong các cộng đồng địa phương của họ, với sự tham gia ngày càng toàn diện hơn. Điều này, Đức Tổng Giám mục Wilson cho biết, bao gồm việc cung cấp các nguồn lực phù hợp và chăm sóc mục vụ.
Minh Tuệ (theo Vatican News)