Đức Tổng Giám mục Địa phận Seoul cảnh báo về hy vọng hòa bình đang lụi tàn khi Bắc Triều Tiên leo thang các mối đe dọa quân sự

Các rào chắn được dựng lên tại một trạm kiểm soát quân sự trên cầu Tongil, con đường dẫn đến thành phố Kaesong của Triều Tiên, tại thành phố biên giới Paju vào ngày 9 tháng 10 năm 2024. Quân đội Triều Tiên cho biết vào ngày 9 tháng 10 rằng họ sẽ "đóng cửa vĩnh viễn và phong tỏa biên giới phía nam" với Seoul và đã thông báo cho quân đội Hoa Kỳ để ngăn chặn một cuộc đụng độ ngoài ý muốn (Ảnh: JUNG YEON-JE/ AFP/ Getty Images)

Các rào chắn được dựng lên tại một trạm kiểm soát quân sự trên cầu Tongil, con đường dẫn đến thành phố Kaesong của Triều Tiên, tại thành phố biên giới Paju vào ngày 9 tháng 10 năm 2024. Quân đội Triều Tiên cho biết vào ngày 9 tháng 10 rằng họ sẽ “đóng cửa vĩnh viễn và phong tỏa biên giới phía nam” với Seoul và đã thông báo cho quân đội Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn một cuộc đụng độ đường đột (Ảnh: JUNG YEON-JE/ AFP/ Getty Images)

Hôm thứ Hai, các quan chức Hàn Quốc đã cảnh báo về các mối đe dọa quân sự đang gia tăng nhanh chóng từ Triều Tiên, khi căng thẳng đang ngày càng leo thang.

Vài ngày trước, trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Fides, một Giám mục người Hàn Quốc cho biết các tín hữu Công giáo vẫn tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình và hy vọng, nhưng hy vọng về sự thống nhất giữa hai quốc gia Đông Á đang dần lụi tàn.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết hôm thứ Hai rằng Triều Tiên đang chuẩn bị phá hủy một số tuyến đường liên Triều sau cáo buộc Seoul điều máy bay không người lái bay qua các vùng lãnh thổ phía bắc, hãng thông tấn Associated Press đưa tin.

Quân đội Bắc Triều Tiên cũng được cho là đã được điều động đến biên giới giữa hai nước, khi chính quyền cộng sản tuyên bố quân đội của họ đã sẵn sàng tấn công các mục tiêu của Hàn Quốc.

Trước cuộc xung đột leo thang, Đức Tổng Giám mục Peter Soon-Taick Chung Địa phận Seoul nói với Fides rằng “mong muốn thống nhất đang lụi tàn” trong người dân Hàn Quốc.

Đức Tổng Giám mục Peter Soon-Taick Chung Địa phận Seoul kiêm Giám quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên

Đức Tổng Giám mục Peter Soon-Taick Chung Địa phận Seoul kiêm Giám quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên

Đức Tổng Giám mục Peter Soon-Taick Chung cũng giữ vai trò là Giám quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên; một vị Giám chức đã không hoạt động trực tiếp từ Bình Nhưỡng trong nhiều thập kỷ. Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ cho biết trong báo cáo thường niên năm 2024 rằng tự do tôn giáo là điều “không tồn tại” ở Bắc Triều Tiên, với việc “các địa điểm và tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát” bao gồm Hiệp hội Công giáo Hàn Quốc đưa ra “sự ảo tưởng về tự do tôn giáo”.

Tổng số tín hữu Công giáo của cả nước ước tính từ 800 đến 3.000 người.

“Tôi thiết nghĩ nhiều người trẻ ở miền Nam đang bắt đầu tin rằng hòa giải hoặc thống nhất không phải là con đường khả thi. Hy vọng đang dần mờ nhạt”, Đức Tổng Giám mục Chung nói với hãng thông tấn Fides.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tiếp tục mơ về sự chung sống hòa bình và giữ cho ngọn lửa hy vọng luôn cháy sáng trong xã hội Hàn Quốc, đặc biệt là thời điểm hiện tại”, vị Giám chức nói.

Nhưng “trong tình trạng bế tắc hiện nay, với việc phong tỏa hoàn toàn các tuyến liên lạc, tình hình rất ảm đạm”, Đức Tổng Giám mục Chung nói.

Đức Tổng Giám mục Chung nói với hãng tin Fides rằng các tín hữu Công giáo sẽ “tiếp tục cầu nguyện và giáo dục vì hòa bình”.

“Chúng ta đang hướng đến Năm Thánh với chủ đề Hy Vọng; chúng ta là những lữ khách của Niềm Hy Vọng, cũng liên quan đến mối quan hệ với miền Bắc”, vị Giám chức nói.

Đức Giám mục Simon Kim Ju-young của Giáo phận Chuncheon tại Hàn Quốc nói với Fides rằng “cả hai bên đều nhìn nhau với thái độ thù địch nhất định và tất cả mọi kênh đều đóng lại, thậm chí ngay cả kênh viện trợ nhân đạo vốn vẫn rộng mở trong quá khứ”. Vị Giám chức cũng là Chủ tịch Ủy ban Hòa giải của Hội đồng Giám mục.

“Và ngay cả khi dư luận Hàn Quốc vẫn còn chia rẽ về chính sách đối với Triều Tiên, tất cả người dân Hàn Quốc đều đoàn kết khi nói đến việc gửi viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên”, Đức Giám mục Kim nói.

“Nhưng Triều Tiên vẫn đóng mọi kênh, kể cả các kênh nhân đạo”, vị Giám chức cho biết thêm.

“Chúng tôi cầu nguyện trước hết để các cánh cửa được mở ra. Tất cả các tín hữu của Giáo hội tại Hàn Quốc cùng chung tâm tình cầu nguyện này”, Đức Giám mục Kim nói.

Hoàng Thịnh (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết