
Đức Hồng Y Matteo Maria Zuppi, Đặc phái viên hòa bình tại Ukraine của Đức Thánh Cha Phanxicô (Ảnh: Vatican News)
Đức Tổng Giám mục Timothy Broglio, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, chia sẻ quan điểm của ngài về chuyến viếng thăm của Đức Hồng y Matteo Zuppi đến Washington, DC với tư cách là Đặc phái viên hòa bình tại Ukraine của Đức Thánh Cha Phanxicô, đồng thời cho biết rằng Giáo hội đang tìm cách cung cấp hỗ trợ nhân đạo bằng mọi cách thức có thể.
Đức Hồng Y Matteo Maria Zuppi đã đến Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ từ ngày 17-19 tháng 7 với tư cách là Đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Vào tối hôm thứ Tư, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố chi tiết về sứ mệnh hòa bình của Đức Hồng Y Zuppi người Ý.
Chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Zuppi bao gồm một cuộc gặp gỡ mở rộng với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, cũng như các cuộc hội đàm với Ủy ban Helsinki và với một số thành viên Quốc hội.
Sau chuyến viếng thăm, Đức Tổng Giám mục Timothy Broglio, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB), đã trò chuyện với Thaddeus Jones của Vatican News về sứ mệnh hòa bình của Đức Hồng y Zuppi tới Washington.
Đức Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Quân sự Hoa Kỳ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp kéo dài của Đức Hồng y Zuppi với Tổng thống Biden.
Đức Tổng Giám mục Broglio cũng lưu ý rằng Đức Hồng Y Zuppi tập trung nỗ lực vào các vấn đề nhân đạo, thay vì tìm cách hòa giải giữa các bên trong cuộc chiến.
“Nó nói nhiều hơn về: ít nhất hãy nói về hòa bình; ít nhất chúng ta hãy xem liệu chúng ta có thể chấm dứt chiến sự hay không”, Đức Tổng Giám mục Broglio nói. “Tôi thiết nghĩ đó chắc chắn là điều mà Tòa thánh đang cố gắng thực hiện, và tôi có thể nói rằng tôi nghĩ đó là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang nỗ lực thực hiện”.
Lo ngại leo thang và thương vong dân sự
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám mục Broglio đã bày tỏ lo ngại về quyết định của Hoa Kỳ trong việc cung cấp bom chùm cho Ukraine, đồng thời cho biết rằng bom chùm giết người một cách bừa bãi.
“Trong chiến tranh luôn có mối nguy hiểm là những người vô tội sẽ bị thương hoặc bị tổn hại hoặc thậm chí có thể mất mạng ở hầu hết các vùng ngoại vi của một hành động quân sự, và điều đó chắc chắn luôn nên tránh”, Đức Tổng Giám mục Broglio nói.
Đức Tổng Giám mục Broglio đã ca ngợi phản ứng của các tín hữu Công giáo Hoa Kỳ trong việc cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và gửi viện trợ nhân đạo đến những người đang đau khổ.
“Tôi đã tham gia ít nhất hai thời điểm cầu nguyện cho hòa bình với các tín hữu Công giáo Ukraine ở Hoa Kỳ tại Vương Cung Thánh Đường Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”, Đức Tổng Giám mục Broglio lưu ý.
Đức Tổng Giám Mục Broglio đã kết thúc cuộc phỏng vấn bằng việc cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Zuppi làm Đặc phái viên của ngài.
“Tôi chỉ muốn bày tỏ lòng biết ơn về quyết định của Đức Thánh Cha trong việc làm mọi thứ có thể để lặp lại thông điệp hòa bình, đó thực sự là thông điệp của Chúa Kitô Cứu Thế”.
Sau đây là bản ghi lại cuộc phỏng vấn với Đức Tổng Giám mục Broglio:
Về các cuộc gặp gỡ và thảo luận của Đức Cha với Đức Hồng Y Zuppi, Đức Cha có thể chia sẻ bất cứ điều gì với chúng tôi về chuyến viếng thăm cũng như tất cả các cuộc gặp gỡ của ngài không?
Tôi chắc chắn có thể chia sẻ ý tưởng rất rõ ràng mà Đức Hồng Y Zuppi đã đến, đó chắc chắn không phải là hòa giải, mà là một cơ hội để xem Tòa Thánh có thể làm gì để giúp chấm dứt tình trạng thù địch ở Ukraine.
Vì vậy, Giáo hội đang tập trung vào những gì chúng ta làm tốt nhất, tất nhiên đó là hỗ trợ nhân đạo, vì vậy đó là trọng tâm chính yếu trong sự can thiệp của Đức Hồng Y Zuppi. Sau đó, với Tổng thống Hoa Kỳ, tôi thiết nghĩ điều quan trọng cần lưu ý là Tổng thống Biden đã tiếp Đức Hồng y Zuppi và Sứ thần Tòa Thánh khá lâu. Cuộc gặp gỡ kéo dài hơn một giờ đồng hồ mà tôi nghĩ cho thấy tầm quan trọng mà Tổng thống Hoa Kỳ gán cho cử chỉ về phía Đức Thánh Cha Phanxicô khi cử Đức Hồng Y Zuppi đến Hoa Kỳ.
Tôi thiết nghĩ cuộc họp kéo dài một giờ đồng hồ là một cử chỉ ngoại thường của Tổng thống Hoa Kỳ. Giờ đây, cần phải thừa nhận rằng, mọi thứ mất nhiều thời gian hơn một chút vì cần phải dịch từ tiếng Ý sang tiếng Anh và sau đó từ tiếng Anh sang tiếng Ý. Tuy nhiên, đó vẫn là một khoảng thời gian khác thường.
Họ nói về những phản ứng nhân đạo; họ nói về hy vọng rằng chiến sự có thể chấm dứt, mặc dù ở thời điểm hiện tại, điều đó có vẻ hơi phi thực tế. Đó thực chất là những gì tôi biết và có thể chia sẻ.
Đức Cha có nói rằng những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo ở đây tại Washington và trước đó là ở Kiev và ở Moscow là những ví dụ về cách thức Tòa Thánh có thể nỗ lực đóng góp cho hòa bình và ít nhất là khiến mọi người nói về điều đó?
Tôi thiết nghĩ đó là một trong những ví dụ, và tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải nhấn mạnh rằng chưa bao giờ đây là một khái niệm về hòa giải.
Nó nói nhiều hơn về: ít nhất hãy nói về hòa bình; ít nhất hãy xem liệu chúng ta có thể chấm dứt chiến sự hay không. Tôi thiết nghĩ đó chắc chắn là điều mà Tòa Thánh đang cố gắng thực hiện, và tôi có thể nói rằng tôi nghĩ đó là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang nỗ lực thực hiện.
Về Giáo hội ở Hoa Kỳ, Đức Cha cảm nhận thế nào về những nỗ lực đang được tiến hành để nỗ lực đóng góp bằng mọi cách cho hòa bình và giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến khủng khiếp này?
Vâng, chắc chắn ở Hoa Kỳ, phản ứng là rất lớn, và về cơ bản, đó là viện trợ nhân đạo được gửi đến Ukraine. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã thấy các anh chị em trong đức tin của chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự tàn phá đã xảy ra ở Ukraine.
Vì vậy, các tín hữu Công giáo ở Hoa Kỳ đã cố gắng đáp ứng theo cách tốt nhất có thể, trước hết là cầu nguyện. Tôi đã tham gia ít nhất hai thời điểm cầu nguyện cho hòa bình với các tín hữu Công giáo Ukraine ở Hoa Kỳ tại Vương Cung Thánh Đường Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhưng tôi biết đã có nhiều sáng kiến cầu nguyện khác trên khắp Hoa Kỳ. Sau đó, thứ hai là đã có một phản ứng to lớn trong việc gửi hỗ trợ tới Ukraine.
Về mặt cung cấp, giờ đây họ đang nói về những vũ khí thậm chí còn có sức mạnh lớn hơn như bom chùm cho Ukraine. Ở Hoa Kỳ, Đức Cha có lo ngại về khả năng leo thang không?
Tôi chắc chắn lo ngại về điều đó và rõ ràng là bất kỳ sự leo thang nào cũng sẽ rất nguy hiểm, và tôi thiết nghĩ Đức Giám mục Malloy, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của chúng tôi, đã công bố một tuyên bố trong đó ngài chỉ trích việc sử dụng bom chùm, phù hợp với quan điểm mà Tòa Thánh đã đưa ra về những loại vũ khí đó, ở đây tôi đang nói một chút ngoài lĩnh vực của mình, nhưng chúng mang tính bừa bãi mù quáng đối với các nạn nhân.
Vì vậy, trong chiến tranh luôn có một mối nguy hiểm là những người vô tội sẽ bị thương hoặc bị tổn hại hoặc thậm chí có thể mất mạng ở hầu hết các vùng ngoại vi của một hành động quân sự, và điều đó chắc chắn luôn nên tránh.
Đức Cha có muốn chia sẻ thêm điều gì khác không?
Tôi nghĩ rằng tôi chỉ muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với quyết định của Đức Thánh Cha trong việc làm mọi thứ có thể để lặp lại thông điệp hòa bình, đó thực sự là thông điệp của Chúa Kitô Cứu Thế. Vì vậy, tôi rất biết ơn về cử chỉ này.
Minh Tuệ (theo Vatican News)