Đức Tổng Giám mục Auza: ‘Phụ nữ có thể trợ giúp cho các cuộc đàm phán hòa bình’

Hôm thứ Sáu 27/10 vừa qua, Toà Thánh đã khuyến khích cộng đồng quốc tế phải tìm ra những phương cách mới để thực hiện tám nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhắm đến việc tham gia của phụ nữ vào các hoạt động gìn giữ hòa bình và an ninh. 

Archbishop-Auza-UN-TV-Screenshot2-740x493Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc, đã bày tỏ quan điểm trong cuộc tranh luận mở rộng của Hội đồng Bảo an về “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh” tại trụ sở Liên Hợp Quốc, New York.

Tòa Thánh đã ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài 52 năm tại Colombia, nhưng đồng thời cho biết rằng phụ nữ, thay vì trở nên cam kết như là những công cụ hiệu quả của hoà bình, thì lại vẫn là những mục tiêu của bạo lực như là những con chốt của các cuộc chiến tranh. Nhiều tổ chức Công giáo hoạt động trong nội bộ dân chúng nhằm cung cấp việc tiếp cận giáo dục cho phụ nữ và các trẻ em gái, vốn hết sức cần thiết trong việc giúp đỡ tất cả mọi phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của tình trạng bạo lực tình dục trong các cuộc xung đột, để giúp họ thăng tiến.

 Dưới đây là phát biểu của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza:

Thưa ngài chủ tịch,

Toà Thánh muốn gửi tới vị Chủ tịch người Pháp của Hội đồng này sự đánh giá cao của mình đối với việc triệu tập cuộc tranh luận cởi mở này về chủ đề vô cùng quan trọng về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Việc thông qua nghị quyết 1325 (2000) vẫn còn là một cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy và tăng cường vai trò của phụ nữ trên toàn thế giới. Nó diễn tả và tiếp tục đại diện cho một bước quan trọng trong việc đảm bảo rằng phụ nữ đóng vai trò chính đáng và làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe trong lĩnh vực hoà bình và an ninh.

Mặc dù đã có nhiều bước tiến tích cực đã được đưa ra nhằm thực hiện tám nghị quyết của Hội đồng về Phụ nữ, Bình đẳng và An ninh, nhưng phụ nữ vẫn là một bộ phận thiểu số trong các cuộc đàm phán hòa bình và an ninh cũng như trong các hoạt động gìn giữ hòa bình. Do đó, thách thức trong việc thực hiện đầy đủ các nghị quyết này vẫn còn tồn tại, và cuộc tranh luận cởi mở này cần phải nhấn mạnh đến thực tế này và đồng thời tìm ra những cách thức mới để thúc đẩy việc thực hiện các nghị quyết này.

Phụ nữ đã được chứng minh là những tác nhân của sự thay đổi và thậm chí có thể làm được nhiều hơn thế nữa. Kinh nghiệm của Giáo hội Công giáo trong việc giải quyết xung đột, hòa giải và xây dựng hòa bình ở cấp cơ sở trong suốt hơn 5 thập kỷ của cuộc xung đột bạo lực ở Colombia, và ngày nay trong việc thực hiện Hiệp ước Hòa trong nội bộ dân chúng, đã chứng tỏ rằng phụ nữ chính là then chốt và là những nhà kiến tạo hòa bình. Nói chung, họ thường tước hết khả năng tác hại của bạo lực với nhiều khả năng của mình trong việc nhận thức thấu đáo và thấu cảm, khuyên ngăn, thuyết phục, tha thứ và xây dựng lại cuộc sống, gia đình và toàn bộ cộng đồng. Pastora Mira Garcia, một người đã mất cha, chồng và hai đứa con của mình trong cuộc nội chiến, chính là một biểu tượng cho những người phụ nữ kiến tạo hòa bình. Bà đã đại diện và nói chuyện với tất cả các nạn nhân trong cuộc xung đột vũ trang kéo dài 52 năm của Colombia trong cuộc gặp gỡ của ĐTC Phanxicô với các nạn nhân của cuộc xung đột tại Villavicencio vào ngày 8 tháng 9 năm 2017. 

Tuy nhiên, hầu hết các cuộc xung đột ngày nay, thật đáng buồn khi cho thấy rằng phụ nữ chính là các mục tiêu và nạn nhân chứ không phải là những nhà thương thuyết hòa bình hay những nhà kiến tạo hòa bình. Phụ nữ và trẻ em gái phải chịu sự tác động các cuộc xung đột bạo lực một cách không cân xứng. Khía cạnh tàn bạo nhất của tình trạng bạo lực như vậy chính là thực tế rằng họ bị nhắm mục tiêu một cách cụ thể như là các đối tượng của bạo lực và lạm dụng như một chiến lược chiến tranh: Họ bị coi như những con cờ của chiến tranh hơn là những công cụ hòa bình. Những kẻ bạo lực cực đoan và những kẻ khủng bố đã lợi dụng và tiếp tục sử dụng vấn đề bạo lực tình dục như một chiến thuật khủng bố. Hơn nữa, việc hạn chế quyền con người và các quyền tự do cơ bản của phụ nữ trong các môi trường xung đột và nói chung vị thế của họ trong xã hội thông qua việc chiếm đoạt đối với tôn giáo đã trở thành một sự phát triển rộng khắp và nguy hiểm.

Hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ xảy ra trong các tình huống xung đột. Một ví dụ rõ ràng đó là phụ nữ và trẻ em gái chiếm phần lớn trong số các nạn nhân của nạn buôn người. Theo Báo cáo toàn cầu năm 2016 về Nạn buôn người của văn phòng LHQ về Phòng chống Ma túy và Tội phạm, 71% nạn nhân của nạn buôn người là phụ nữ và trẻ em gái, và 75% trong số đó bị buôn bán để bóc lột tình dục. Trạng thái miễn tội tràn lan trong các loại tội phạm liên quan đến nạn buôn người chỉ làm tăng thêm một lớp khủng khiếp khác cho tai hoạ này. 

Phái đoàn của tôi nhấn mạnh rằng các Quốc gia thành viên có trách nhiệm chủ yếu trong việc truy tố những kẻ phạm tội vi phạm nhân quyền, tội phạm chiến tranh và các tội ác chống lại nhân loại, kể cả các trường hợp liên quan đến bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Các bên xung đột phải tôn trọng các nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế và nhân quyền quốc tế và đồng thời đưa các thủ phạm ra ánh sáng công lý để chống lại trạng thái miễn tội và đảm bảo trách nhiệm giải trình. Những nỗ lực nhằm giải quyết xung đột và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của chúng cần phải nhằm mục đích trao quyền cho tất cả những người đã gây đau khổ cho họ, đặc biệt là phụ nữ. 

Thưa ngài chủ tịch,

Việc tiếp cận giáo dục trong các tình huống khủng hoảng là điều quan trọng đối với việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Phái đoàn của tôi được khuyến khích bởi cam kết đã được đặt ra trong Tuyên bố New York về người tị nạn và di dân (A/RES/71/1) nhằm cung cấp cho tất cả mọi trẻ em được đến trường trong vòng vài tháng kể từ khi chúng được tiếp nhận. Giáo hội Công giáo thông qua các tổ chức và các cơ quan trên khắp thế giới đang cung cấp sự trợ giúp, chăm sóc và hỗ trợ cho hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực tình dục trong các tình huống xung đột vũ trang. Rất nhiều người đàn ông và phụ nữ dũng cảm, những người điều hành các tổ chức này hàng ngày đã phải hy sinh bản thân và nhiều người trong số họ đã phải trả giá đắt cho những nỗ lực của mình. Có nguồn gốc từ địa phương, các tổ chức và cơ quan này có thể đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả để giải quyết các hậu quả của bạo lực trong các cuộc xung đột vũ trang. Có sự kiên kết quốc tế, họ chính là những người ủng hộ tích cực trong các diễn đàn quốc gia và quốc tế, nơi mà các chính sách được định hình và các quyết định đã được đưa ra.

Thưa ngài chủ tịch,

Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo sẽ tiếp tục thu hút sự tham gia của phụ nữ trong những nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết xung đột trong việc xây dựng và kiến tạo hòa bình ở nhiều nơi trên thế giới, không chỉ vì vấn đề nguyên tắc mà còn bởi vì các bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất đã được kiểm chứng trong các lĩnh vực này rõ ràng cho thấy rằng phụ nữ thực sự là những nhân tố có hiệu quả và thuyết phục để đạt được và duy trì hoà bình và an ninh cho tất cả mọi người.

Xin cám ơn ngài chủ tịch!

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết