Phản ánh về di sản của cuộc gặp gỡ giữa những gì được gọi chung là thế giới cũ và thế giới mới, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OAS), đã chỉ ra ba bài học cần phải được nằm lòng. Những nhận xét của Đức TGM Auza đã được đưa ra vào ngày 12 tháng 10 năm 2017, tại kỳ họp ngoại thường của OAS về chủ đề ‘Cuộc gặp giữa Hai Thế giới’ được tổ chức tại Washington, DC.
Dưới đây là ba bài học mà Đức TGM Auza đã đề nghị:
1 – Tầm quan trọng của phẩm giá con người và nhu cầu bảo vệ phẩm giá này mỗi khi nó bị tấn công.
2 – Thái độ anh dũng của nhiều người trong quá khứ đối với việc bảo vệ phẩm giá con người.
3 – Sự cần thiết đối với một nền văn hoá sự sống và gặp gỡ để thay thế cho một sự xung đột về văn hoá của sự chết và bạo lực.
Dưới đây là bản dịch chính thức bài phát biểu của Đức TGM Auza, vốn được trình bày bằng tiếng Tây Ban Nha:
Phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza
Sứ Thần Tòa Thánh và Quan sát viên thường trực của Toà Thánh
tại Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ
tại kỳ họp ngoại thường về chủ đề ‘Cuộc gặp của hai thế giới’
Washington, D.C., ngày 12 tháng 10 năm 2017.
Thưa ngài chủ tịch,
Tôi có thể bắt đầu bằng cách bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất với các vị đại diện của các quốc gia thành viên vùng Caribê, Hoa Kỳ và Mêxicô đối với sự thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng cũng như sự tàn phá về tài sản do những cơn bão gần đây xảy ra khu vực và hai trận động đất mạnh xảy ra tại Mexico. Tôi cũng xin nhắc lại lời chia buồn của Tòa Thánh đối với Hoa Kỳ sau những sự kiện bi thảm gần đây xảy ra tại Las Vegas.
Phái đoàn Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại tổ chức này rất vui mừng được tham gia cùng với toàn thể quý vị trong sự kiện đặc biệt này đối với châu Mỹ để phản ánh Cuộc gặp giữa Hai Thế giới cũng như sự xuất hiện vào năm 1492 của nhà thám hiểm Christopher Columbus tới bán cầu này. Di sản của cuộc gặp gỡ đầu tiên này tiếp tục chính là chủ đề của cuộc thảo luận.
Một trong những bài học có thể học được từ những sai lầm xảy ra ở nhiều nơi khác nhau trong Cuộc gặp của hai thế giới đó chính là chúng ta không thể nhìn theo cách khác khi mà các cuộc tấn công chống lại phẩm giá con người đang xảy ra. Ngày nay chúng ta không được nhắm mắt vờ như chẳng thấy gì, chẳng hạn như, những hành động ngược đãi liên tục xảy ra ảnh hưởng đến nhiều phân khúc xã hội ở bán cầu này, thường là những người dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ và trẻ em, và một số người bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị loại trừ, giống như nhiều dân tộc bản xứ. Vào tháng trước, trong chuyến thăm Cartagena, ĐTC Phanxicô đã đặc biệt chú ý đến các hình thức nô lệ hiện nay của con người, Ngài cho biết rằng: “… ở nhiều nơi trên thế giới, hàng triệu người vẫn đang bị buôn bán như là những kẻ nô lệ. Họ hoặc đang cầu xin một số biểu hiện của nhân loại, những khoảnh khắc của lòng nhân hậu bác ái của con người đối với con người, hoặc họ phải chạy trốn bằng đường biển hay bằng đường đất liền bởi vì họ đã mất hết tất cả, quan trọng nhất là phẩm giá con người cũng như mọi quyền lợi của họ”.
Nếu chúng ta muốn tận diệt tai họa này, chúng ta phải đi đến tận nguyên nhân gốc rễ, chẳng hạn như các cuộc xung đột bạo lực, cảnh đói nghèo cùng cực, sự kém phát triển và bị loại trừ, thiếu giáo dục, thiếu các cơ hội làm việc cũng như các thảm hoạ môi trường. Chúng ta cũng cần phải tấn công vào nhu cầu vốn dẫn tới chế độ nô lệ hiện đại, một sự ích kỷ thô bạo đến mức không thể tưởng tượng được về việc thiếu tinh thần trách nhiệm về luân lý trong việc buôn bán phụ nữ và trẻ em để khai thác tình dục, trong việc bán nội tạng, mô và phôi thai, và trong cái gọi là du lịch cấy ghép nội tạng.
Tuy nhiên, trọng tâm của sự tàn ác này đó chính là sự biến mất hoàn toàn của việc tôn trọng phẩm giá con người và sự thờ ơ hoàn toàn đối với những đau khổ của anh chị em đồng loại của mình. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng chế độ nô lệ phát triển khi “con người bị đối xử như những thứ đồ vật”, dẫn đến việc họ bị “lừa dối, hãm hiếp, thường bị buôn đi và bán lại với nhiều mục đích, và cuối cùng là bị giết chết hoặc bị tàn phá về tâm trí và thể lý, và rồi bị ném đi hay bị bỏ rơi”. Phản ứng của chúng ta cần phải tương xứng với những tệ nạn to lớn này trong thời đại chúng ta.
Ngày hôm nay khi chúng ta cố gắng để có được sự công bằng hơn ở châu Mỹ, chúng ta cần phải lấy cảm hứng từ cuộc đời của những con người đầy anh hùng, từ cả Thế giới cũ lẫn Thế giới mới, đã dũng cảm chiến đấu chống lại những hành động ngược đãi như vậy. Trong chuyến viếng thăm Cartagena vào ngày 10 tháng 9 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã nhắc nhớ lại cuộc đời nhân chứng thực lớn lao của Thánh Phêrô Claver, một nhà truyền giáo Dòng Tên đến từ Tây Ban Nha, người đã cống hiến cả cuộc đời mình để làm việc và sống với những anh chị em nô lệ được mang từ châu Phi đến Colombia. Thánh Phêrô Claver đã có thể phục hồi nhân phẩm và hy vọng đối với hàng trăm nghìn anh chị em nô lệ đến từ châu Phi qua châu Âu ‘trong những hoàn cảnh vô cùng vô nhân đạo, đầy sợ hãi, với tất cả niềm hy vọng của họ đã bị đánh mất. Cùng với Thánh Phêrô Claver, chúng ta cũng nhớ đến các tu sĩ Dòng Đaminh người Tây Ban Nha như tu sĩ Antonio de Montesinos ở Santo Domingo và Bartolome de las Casas ở Chiapas, những người đã bảo vệ các nhóm dân bản địa khỏi tất cả các hình thức bóc lột, bao gồm chế độ nô lệ và lao động cưỡng bức.
Thưa ngài chủ tịch,
Tôi muốn kết luận bằng cách nhắc lại một trong những lời khuyên của ĐTC Phanxicô, mời gọi tất cả mọi người dân Colombia hòa giải và chữa lành như là những yếu tố không thể thiếu cho một nền hòa bình lâu dài. Tôi tin rằng những lời này của ĐTC Phanxicô rất phù hợp với chủ đề cuộc gặp gỡ của hai thế giới. ĐTC Phanxicô chia sẻ rằng “con đường của việc tái hòa nhập cộng đồng bắt đầu bằng một cuộc đối thoại của hai người. Không gì có thể thay thế cho cuộc gặp gỡ chữa lành đó; không có quá trình tập thể nào có thể miễn thứ chúng ta khỏi thách thức việc gặp gỡ, làm sáng tỏ và tha thứ”. ĐTC Phanxicô cho biết thêm rằng những vết thương lịch sử đòi hỏi công lý phải được thực thi, để các nạn nhân và xã hội được tạo cơ hội nhận biết chân lý để tránh lặp lại những tội ác đó; nhưng, đó chỉ là sự khởi đầu của phản ứng của chúng ta. Điều cần thiết đó là phải thay đổi văn hoá: “để phản ứng lại với nền văn hoá sự chết và bạo lực với nền văn hoá sự sống và sự gặp gỡ”. Đó chính là nền văn hoá mà trong đó hai thế giới có thể hòa làm một và cùng nhau phát triển.
Xin cám ơn ngài chủ tịch!
Minh Tuệ chuyển ngữ