Đức Tổng Giám mục Auza: ‘LHQ phải hành động để mang lại hòa bình cho Trung Đông’

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 29-06-2018 | 06:15:14

Cuộc Khủng hoảng nhân đạo cũng đe dọa Bắc Phi

Hôm 25 tháng 6 năm 2018 vừa qua, Tòa Thánh đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phải đưa ra những hành động mang tính  quyết định để giải quyết vấn đề bạo lực ở Trung Đông và Bắc Phi.

Lời kêu gọi hành động đã được đưa ra bởi Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Sứ Thần Tòa Thánh và Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, trong cuộc tranh luận của Hội đồng Bảo an: Duy trì Hòa bình và An ninh Quốc tế Toàn diện khi xem xét tình hình tại Trung Đông và Bắc Phi.

“Cuộc xung đột Israel-Palestine là một ví dụ điển hình mà trong đó những hành động mang tính quyết định của Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế là vô cùng cần thiết để ngăn chặn việc làm trầm trọng thêm đối với tình hình”, Đức TGM Auza nói. “Tòa Thánh tiếp tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước, vốn sẽ đạt được việc cùng tồn tại hoà bình giữa nhà nước Palestine và Israel, với các khu vực biên giới an toàn và được công nhận”.

Dưới đây là bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza:

unnamed-6

Thưa ngài chủ tịch,

Tòa Thánh cảm ơn ngài Tổng thống Liên bang Nga vì đã triệu tập cuộc tranh luận này tập trung vào tình hình ở Trung Đông và Bắc Phi, vốn đang phải chứng kiến hàng loạt các cuộc xung đột và khủng hoảng chưa từng thấy, khiến cho hàng nghìn người thiệt mạng và đồng thời gây ra những nỗi đau không lường trước đối với hàng triệu thường dân, cũng như kích động một loạt những thách thức và khủng hoảng vượt ra ngoài khu vực.

Toà Thánh muốn tận dụng cơ hội này để thúc giục Hội đồng Bảo an tận dụng triệt để toàn bộ quyền lực và quyền hạn mà Hiến chương Liên hợp quốc đã giao phó nhằm tìm kiếm tìm và đồng thuận về các giải pháp chính trị lâu dài cho các xung đột trong khu vực.

Cuộc xung đột Israel-Palestine là một ví dụ điển hình mà trong đó những hành động mang tính quyết định của Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế là vô cùng cần thiết nhằm ngăn chặn việc làm trầm trọng thêm đối với tình hình. Tòa Thánh tiếp tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước, vốn sẽ đạt được việc cùng tồn tại hoà bình giữa nhà nước Palestine và Israel, với các khu vực biên giới an toàn và được công nhận. Giải pháp hai nhà nước đối với cuộc xung đột Israel-Palestine là kế hoạch hòa bình khả thi duy nhất có thể cho phép cả hai quốc gia cùng chung sống cạnh nhau trong hòa bình. Tuy nhiên, những sự kiện trên thực tế dường như chỉ ra rằng ngày càng có nhiều quyết tâm nhằm phá vỡ những kế hoạch hòa bình thay vì nuôi dưỡng chúng. Lãnh đạo hai bên phải chịu trách nhiệm nặng nề nhất trong việc hướng dẫn người dân theo đường hướng hòa bình chứ không phải theo đường hướng của cuộc xung đột ngày càng sâu sắc hơn.

Hội đồng này phải hành động để bảo vệ giải pháp hai quốc gia, qua đó quyết định ủng hộ sự ra đời của một quốc gia Palestine độc lập và đồng thời bảo đảm cho Nhà nước Israel được đầy đủ quyền đối với vấn đề hòa bình và an ninh. Tòa Thánh kêu gọi cả hai quốc gia Israel và Palestine phải chứng minh sự khôn ngoan, tinh thần trách nhiệm và ý chí chính trị cần thiết để đạt được thỏa thuận hòa bình lịch sử vốn đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của cả hai dân tộc.

Liên quan đến Thánh Địa Giêrusalem, vốn là một nơi vô cùng đặc biệt không chỉ trong lòng các cư dân Giêrusalem mà còn đối với cả các tín đồ của ba tôn giáo độc thần trên khắp thế giới, phái đoàn của tôi muốn nhắc lại nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong việc tôn trọng hiện trạng lịch sử của Thánh Địa, phù hợp với các Nghị quyết của Liên Hợp Quốc có liên quan. Hơn nữa, Toà Thánh muốn nhắc lại xác tín rằng việc bảo vệ đặc tính và ý nghĩa của Thánh Địa có thể được đảm bảo bằng một đạo luật đã được quốc tế bảo đảm, hướng đến tương lai hòa bình và hòa giải cho toàn bộ khu vực.

Thưa ngài chủ tịch,

Chúng ta là những nhân chứng đối với sự suy thoái của cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Trung Đông và Bắc Phi cũng như việc thất bại vì đã không đạt được bất kỳ tiến bộ chính trị nào. Tương tự như vậy, cuộc di cư của những người tị nạn từ Syria, Libya và các khu vực hỗn loạn khác trong khu vực đã dẫn đến những vấn đề về chính trị, kích động những quan điểm dân túy, và sự bùng nổ của chủ nghĩa bài ngoại ở nhiều quốc gia tiếp nhận trên thế giới.

Quy tắc của pháp luật chính là nền tảng cho bất kỳ giải pháp chính trị nào đối với các xung đột và để đạt được cũng như duy trì việc cùng nhau chung sống hài hòa giữa các cá nhân, cộng đồng và các quốc gia trong khu vực. Nhất thiết phải bao gồm việc tôn trọng vấn đề tự do tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật dựa trên nguyên tắc công dân, bất kể chủng tộc, nguồn gốc sắc tộc hay tôn giáo. Biết bao nhiêu thành viên của các nhóm sắc tộc thiểu số và tôn giáo trong khu vực có thể đã được dung tha đối với tất cả những hành vi tội ác trong những năm gần đây nếu như luật pháp được tuân giữ một cách hiệu quả! Các quốc gia liên quan phải đóng vai trò của mình trong việc nuôi dưỡng một nền văn hóa tôn trọng các quy định của pháp luật trong khu vực.

Thưa ngài chủ tịch,

Một mặt, Toà Thánh tin rằng có một mối liên hệ rõ ràng và vốn có giữa việc tôn trọng nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế, và mặt khác, đó chính là việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng bất ổn, do đó, góp phần ngăn chặn và giải quyết các cuộc xung đột và đồng thời duy trì hòa bình và cổ võ sự phát triển.

Việc sớm phản ứng trước những vi phạm đối với luật nhân đạo quốc tế, cũng như những vi phạm và lạm dụng nhân quyền, có thể ngăn chặn một cách có hiệu quả các cuộc xung đột trước khi chúng trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế. Khi các cuộc xung đột xảy ra, trách nhiệm giải trình đối với những vi phạm như vậy là vô cùng quan trọng đối với cả vấn đề công lý lẫn vấn đề hòa giải.

Thưa ngài chủ tịch,

Trong quá khứ, Hội đồng này đã thể hiện sự đoàn kết khi đối mặt với những mối đe dọa đối với vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế. Một lần nữa nó cần phải thể hiện cùng một tinh thần quyết tâm và đồng lòng trước những mối đe dọa hết sức nghiêm trọng hiện nay. Thế giới đang chờ đợi sự lãnh đạo của Hội đồng này và muốn nó thành công trong việc chấm dứt các cuộc xung đột ở Trung Đông, ở Bắc Phi và xa hơn nữa.

Xin cám ơn ngài chủ tịch!

 Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết