Hôm 9 tháng 11 năm 2018, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Sứ Thần Tòa Thánh, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh, đã trích dẫn tầm quan trọng ngày càng gia tăng của một phương pháp tiếp cận đa phương trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình và kinh tế. Bài phát biểu của Đức TGM Auza đã được đưa ra tại cuộc tranh luận mở rộng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Tăng cường chủ nghĩa hợ tác đa phương và Vai trò của Liên Hiệp Quốc, tại New York.
Dưới đây là bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza:
Thưa ngài chủ tịch,
Toà Thánh cảm ơn Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã triệu tập cuộc tranh luận mở này về chủ đề quan trọng và hợp thời về chủ nghĩa đa phương và vai trò của Liên Hợp Quốc.
Hiện nay, chủ đề này đã giành được sự khẩn cấp mới khi cộng đồng quốc tế đang phải chịu đựng điều mà ngài Tổng thư ký đã xác định là “một sự rối loạn thiếu sự tin cậy” [1]. Người dân đang mất niềm tin vào các lực lượng chính trị trong nước của họ. Các chính sách đối ngoại đơn phương được hỗ trợ bởi kinh tế và quân sự có thể làm suy yếu sự tin tưởng giữa các quốc gia. Có một sự suy yếu trong niềm tin đa phương, được nhận thấy, ví dụ, qua việc cách chương trình nghị sự về giải giáp khí giới hiện đang trải nghiệm tình trạng tê liệt, cũng như những tiến triển đáng lo ngại khác trong các cơ quan đàm phán đa phương.
Tòa Thánh tin rằng chủ nghĩa đa phương không thể được dựa trên một cảm thức giả tạo về sự an toàn, chẳng hạn như mối đe dọa tàn phá và hủy diệt lẫn nhau, hoặc đơn giản là dựa trên việc duy trì sự cân bằng quyền lực. Chủ nghĩa đa phương lành mạnh, mang tính toàn cầu và hữu ích được xây dựng dựa trên công lý, sự phát triển con người toàn diện, tôn trọng nhân quyền cơ bản, chăm sóc hành tinh, sự tham gia của tất cả mọi người trong đời sống công cộng, sự tin tưởng giữa các dân tộc, sự hỗ trợ của các tổ chức thúc đẩy hòa bình, việc tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe, tinh thần liên đới và đối thoại. Về vấn đề này, cuộc Đối thoại cấp cao gần đây của ngài Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Hội đồng Kinh tế và Xã hội và Hội đồng Bảo an, chính là một bước tiến quan trọng hướng tới việc đổi mới cam kết của Liên Hiệp Quốc đối với chủ nghĩa hợp tác đa quốc gia, không chỉ về mặt đã nhân tố, mà còn về cách tiếp cận đa phương diện của nó đối với những thách thức trong thời đại của chúng ta. Đây chính là một xác nhận về vai trò quan trọng mà Liên Hợp Quốc có thể và cần phải nắm giữ nhằm xây dựng lại sự tin tưởng giữa các thành viên.
Thưa ngài chủ tịch,
Khi xem xét chủ nghĩa đa phương, trước tiên chúng ta có hai quan điểm đối lập: quan điiểm thứ nhất được dựa trên xác tín rằng các cuộc xung đột có thể được giải quyết thông qua một sự sẵn sàng có tầm rộng và quyết tâm để đàm phán hiệu quả theo những đường hướng cũng như sự khôn ngoan của luật pháp; quan điểm thứ hai ủng hộ rằng, khi đối mặt với các mối đe dọa đến hòa bình và an ninh, vũ lực thì mang tính hiệu quả và trực tiếp hơn. Tuy nhiên, quan điểm thứ hai làm tổn thương nghiêm trọng sự hợp tác quốc tế hơn là tăng cường nó, dẫn đến việc không tránh khỏi hậu quả tiêu cực đối với việc hợp tác đa phương. Một trong những kết quả nổi lên từ cuộc tranh luận mở này cần phải trở thành, do đó, một thông điệp rõ ràng ủng hộ sức mạnh của pháp luật chứ không phải luật của sức mạnh.
Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia và nguy cơ của việc hủy diệt lẫn nhau đòi hỏi một sự cương quyết mới đối với chủ nghĩa hợp tác đa phương, thay vì đặt tầm quan trọng thái quá đối với vũ lực, đòi hỏi tất cả các quốc gia và cá nhân thực thi dứt khoát tất cả những quy định và thủ tục đã được thiết lập nhằm giảm thiểu và loại bỏ các mối đe dọa.
Nhận thức được tính nghiêm trọng của tình hình hiện tại, mà trong đó luật pháp cần phải được chọn để chiếm ưu thế hơn so với vũ lực, tất cả mọi thành viên của cộng đồng quốc tế cần phải được cổ võ bởi ý thức trách nhiệm sâu sắc. Cách thức hiệu quả nhất để đảm bảo việc tuân thủ các cam kết không thể là chính sách cô lập và bảo hộ mậu dịch, mà là một tinh thần sẵn sàng rõ ràng thay mặt cho tất cả mọi người và tất cả các quốc gia hợp tác trong tinh thần hợp tác đa phương thực sự.
Thưa ngài chủ tịch,
Bên cạnh việc đảm bảo vấn đề hòa bình và an ninh, ơn gọi cao quý của Liên Hợp Quốc với tư cách là một tổ chức đa phương ưu việt bao gồm việc thúc đẩy phát triển toàn diện và bảo vệ nhân quyền. Với Chương trình nghị sự năm 2030, cộng đồng quốc tế tự cam kết đối với việc chấm dứt tình trạng đói nghèo dưới tất cả mọi hình thức và quy mô của nó và đồng thời cam kết rằng sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau. Cộng đồng quốc tế đã làm như vậy dựa trên cách tiếp cận vốn công nhận tính trung tâm của con người. Tuy nhiên, sự phát triển con người toàn diện và việc thực hiện đầy đủ phẩm giá con người không thể bị áp đặt, mà đúng hơn là phải được phép phát triển đối với mỗi cá nhân và mọi quốc gia trong sự tương quan với những người khác. Chúng ta cần phải khẳng định lại sự xác tín chung rằng tất cả mọi thứ được liên kết với nhau và việc chăm sóc cho cuộc sống của chúng ta cũng như mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên cần phải được phản ánh qua tinh thần huynh đệ và sự công bằng giữa các quốc gia [2]. Chúng ta không thể xây dựng lại niềm tin đã bị phá vỡ trừ khi chúng ta bắt đầu cùng sát cánh bên nhau trong tinh thần liên đới với những anh chị em kém may mắn của chúng ta và đồng thời giúp họ thoát khỏi tình trạng nghèo khổ đè nặng và cho phép họ trở thành những tác nhân xứng hợp với vận mệnh của mình.
Tầm nhìn chung này phải kín múc nguồn sức mạnh từ một sự hiểu biết đổi mới về chủ nghĩa hợp tác đa phương, được thành lập dựa trên ý tưởng về cộng đồng quốc tế như là một “đại gia đình gồm nhiều quốc gia” cam kết theo đuổi lợi ích của tất cả mọi người. Tầm nhìn này đòi hỏi việc phải thực hiện tinh thần liên đới về phía các Chính phủ, các tổ chức quốc tế, và tất cả mọi người, bất kể nam nữ. Nền tảng vững chắc của nó đó chính là trách nhiệm tập thể và chia sẻ vì công ích chung và vì sự phát triển của những người nghèo khổ nhất, để mọi người có thể thực sự cảm thấy rằng họ chính là những thành viên của đại gia đình toàn cầu.
Xin cám ơn ngài chủ tịch!
Minh Tuệ chuyển ngữ
- António Guterres, Bài phát biểu với Đại hội đồng LHQ, ngày 25 tháng 9 năm 2018.
- ĐTC Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’, số 70.