Đức Tổng Giám mục Auza: ‘Các hoạt động hòa bình của LHQ có thể ngăn chặn các cuộc xung đột’

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 04-11-2018 | 05:39:40

Vai trò của các hoạt động hòa bình của Liên Hợp Quốc đã phát triển lớn mạnh từ việc khôi phục hòa bình sau các cuộc xung đột để nỗ lực làm việc nhằm ngăn chặn sự bùng nổ bạo lực, theo Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Sứ Thần Tòa Thánh, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh.

Những lời nói quả quyết của Đức TGM Auza được đưa ra hôm 1 tháng 11 năm 2018, tại kỳ họp thứ bảy mươi ba của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chương trình nghị sự lần thứ tư Mục 56: Tổng quan toàn diện vấn đề về các hoạt động gìn giữ hòa bình trong tất cả các khía cạnh của nó tại Liên Hợp Quốc ở New York.

Dưới đây là bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza:

Thưa ngài chủ tịch,

Các hoạt động hòa bình liên tục phát triển lớn mạnh. Hiện nay, các hoạt động này đã trở nên đa chiều, đa diện và đa chức năng. Chúng không còn là những công cụ đơn độc đối với việc khôi phục hòa bình sau khi các cuộc xung đột nổ ra, nhưng được coi như là, và quả thực đúng như vậy, các biện pháp phòng ngừa để giữ cho các tình huống căng thẳng không xảy ra xung đột và là yếu tố quan trọng trong hòa bình sau xung đột. Như đã lưu ý trong Báo cáo của Hội đồng độc lập cấp cao về các hoạt động hòa bình, việc phòng ngừa xung đột và hòa giải cần phải được đưa ra trước.

ĐTC Phanxicô đã đề cập đến tầm quan trọng của việc hòa giải trong bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng LHQ vào  năm 2015. “Chiến tranh”, ĐTC Phanxicô nói, “chính là sự phủ định đối với tất cả các quyền …. Nếu chúng ta muốn có được sự phát triển con người toàn diện cho tất cả mọi người, chúng ta phải nỗ lực làm việc không mệt mỏi để tránh cảnh chiến tranh giữa các quốc gia và giữa các dân tộc. Để đạt được mục đích này, cần phải đảm bảo quy tắc pháp luật rõ ràng và không ngừng đòi hỏi việc đàm phán, hòa giải, và phân xử, như đã được đề xuất bởi Điều lệ của Liên Hợp Quốc, vốn tạo nên một chuẩn mực pháp lý cơ bản” [1]

Trying_out_new_Peacekeeping_UniformsCác biện pháp phòng ngừa xung đột, giải quyết xung đột và các nỗ lực và tiến trình xây dựng hòa bình phải liên quan đến tất cả các lĩnh vực trong xã hội. Việc tham vấn rộng rãi và cơ chế tham gia vốn loại trừ không có việc băng nhóm hoặc phân đoạn xã hội củng cố tính hợp pháp của Nhà nước và đồng thời nuôi dưỡng lòng tin giữa tất cả các công dân của mình. Bằng cách ủng hộ việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện ở tất cả các cấp độ, phòng ngừa xung đột, gìn giữ hòa bình và xây dựng hòa bình trở thành những nỗ lực của cộng đồng. Sự tham gia của tất cả các công dân với những khả năng khác nhau giúp dẫn đến việc thực hiện thành công các thỏa thuận hòa bình và do đó góp phần cho một nền hòa bình và ổn định lâu dài.

Tầm quan trọng của sự tham gia trọn vẹn của phụ nữ với tư cách là những tác nhân tích cực trong lĩnh vực hòa bình và an ninh và những đóng góp của phụ nữ trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc không thể không được nhấn mạnh. Mặc dù không có nhiều phụ nữ có thể được nhìn thấy tại các bàn đàm phán, nhưng họ luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột cũng như trong việc thực thi các hiệp định hòa bình. Họ chính là những tác nhân của sự thay đổi về mặt cơ bản, những thầy dạy tốt nhất về sự thấu cảm đối với những đau khổ của người khác và sự chú ý đến quan điểm của người khác, với khả năng đặc biệt để tha thứ và thực hiện những bước đầu tiên trong quá trình chữa lành và hòa giải.

Thưa ngài chủ tịch,

Phái đoàn của tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của  các cuộc xung đột một cách có ý nghĩa và khách quan. Sự phát triển, an ninh và nhân quyền có một sự liên quan chặt chẽ với nhau. Không thể có được sự phát triển mà không có hòa bình và hòa bình là điều hoàn toàn không thể nếu không có sự phát triển. Tình trạng bất ổn và bất công cũng như sự bất bình đẳng, tham nhũng, việc quản lý yếu kém và việc lưu thông tài chính và vũ khí bất hợp pháp, tất cả đều làm phát sinh bạo lực trong các xã hội. Không xã hội nào có thể phát triển nếu như nó bị giẳng xé bởi các cuộc xung đột. Công dân không thể nhận ra tiềm năng của họ nếu như họ bị nhấn chìm bởi tình trạng bất ổn và bất an. Ngược lại, sự phát triển toàn diện và bền vững không chỉ là một mục tiêu mà còn là một sự bảo vệ tốt nhất chống lại những nguy cơ của các cuộc xung đột bạo lực.

Thưa ngài chủ tịch,

Toà Thánh bận tâm sâu sắc đến thực tiễn của việc cưỡng bức di dời như một chiến thuật quân sự của các nhân tố chính phủ và phi chính phủ. Điều này chắc chắn dẫn đến những hậu quả đặc biệt tàn khốc đối với những cộng đồng thiểu số, kể cả các nhóm thiểu số tôn giáo. Khi đối mặt với hàng triệu người tị nạn và những người bị buộc phải di dời bởi các cuộc xung đột và khủng bố, các giá trị được thể hiện trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là việc tôn trọng đối với các quyền cơ bản của con người cũng như phẩm giá và giá trị của con người, cần phải trở thành trọng tâm phản ứng của chúng ta đối với tình cảnh của họ. Trong nhiều dịp khác nhau, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi tất cả mọi người, trong tinh thần bác ái và liên đới, chào đón, bảo vệ, khuyến khích và giúp họ hội nhập.

Tóm lại, Phái đoàn của tôi khen ngợi các hoạt động của Sứ mạng gìn giữ Hòa bình Liên Hiệp Quốc cũng như những hy sinh được thực hiện bởi những người làm công tác gìn giữ hòa bình, những người mà trong nhiều trường hợp đã hy sinh hết mình vì lợi ích hòa bình, và đồng thời nhắc lại cam kết của Tòa Thánh để cùng cộng tác trong công tác phòng chống xung đột, giải quyết xung đột và ổn định sau xung đột cũng như củng cố hòa bình.

Xin cám ơn ngài chủ tịch!!

Minh Tuệ chuyển ngữ


  1. ĐTC Phanxicô, Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ngày 25 tháng 9 năm 2015.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết