Đức Tổng Giám mục Anthony Fisher OP: Thượng Hội đồng về Hiệp hành không thể ‘thay đổi đức tin Công giáo’

Đức Tổng Giám mục Sydney Anthony Fisher OP, phát biểu với EWTN News tại Rôma vào thứ Ba, ngày 15 tháng 10 năm 2024 (Ảnh: EWTN News)

Đức Tổng Giám mục Sydney Anthony Fisher OP, phát biểu với EWTN News tại Rôma vào thứ Ba, ngày 15 tháng 10 năm 2024 (Ảnh: EWTN News)

Chúng ta không thể “thay đổi đức tin Công giáo” hoặc “giảng dạy một đạo Công giáo khác ở các quốc gia khác nhau”, Đức Tổng Giám mục Anthony Fisher OP người Úc Địa phận Sydney, và là đại biểu tại Thượng Hội đồng về Hiệp hành cho biết trong một cuộc phỏng vấn trong tuần này.

Trong khi Đại hội đồng Thượng Hội đồng tranh luận về phần 3 của Instrumentum Laboris về “các địa điểm”, các Giám mục và giáo dân đang xem xét các câu hỏi như tương lai của tính Hiệp hành và vai trò cũng như thẩm quyền của các Hội đồng Giám mục quốc gia, Đức Tổng Giám mục Fisher phát biểu với “EWTN News Nightly” vào ngày 15 tháng 10 trong một cuộc phỏng vấn sẽ được phát sóng vào thứ Sáu.

Các Hội đồng Giám mục có nên “có thẩm quyền giảng dạy một đạo Công giáo khác ở các quốc gia khác nhau hoặc quyết định một phụng vụ khác ở các quốc gia khác nhau, hoặc Thánh lễ khác nhau cho các quốc gia khác nhau không? Chẳng hạn, họ có đem văn hóa địa phương của mình vào các vấn đề liên quan đến luân lý không?”, Đức Tổng Giám mục Fisher nói với Nhà sản xuất liên kết Bénédicte Cedergren của “EWTN News Nightly”.

“Ví dụ, liệu chúng ta có thể hình dung một Giáo hội nơi bạn có thể truyền chức cho phụ nữ ở một số quốc gia nhưng lại không có chuyện này ở các quốc gia khác, hoặc bạn có hôn nhân đồng giới ở một số quốc gia nhưng lại không có vấn đề này ở các quốc gia khác, hoặc bạn ủng hộ Chủ nghĩa Arius ở một số quốc gia và Kitô Học theo Công Đồng Nicea ở những quốc gia khác không?”, Đức Tổng Giám mục Fisher tiếp tục. “Bạn có thể đoán, tôi nghĩ là không”.

Vị Tổng Giám mục Dòng Đaminh lãnh đạo một trong những Tổng Giáo phận lớn nhất của Úc theo số lượng người Công giáo. Sydney phục vụ khoảng 590.000 người Công giáo và có dân số gần 5,3 triệu người.

Là một trong 15 Giám mục trong hội đồng thường kỳ của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành, Đức Tổng Giám mục Fisher đã tham dự phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng Thượng Hội đồng vào tháng 10 năm 2023 và đã trở lại Rôma vào tháng này để tham dự phiên họp thứ hai.

Sau 3 năm tham vấn ở cấp địa phương và toàn cầu, vào cuối tháng này, Giáo hội Công giáo sẽ kết thúc tiến trình phân định về cách thức trở nên Hiệp hành hơn và Truyền giáo hơn.

Đức Tổng Giám mục Fisher nói với “EWTN News Nightly” rằng ngài “hết sức lo ngại” rằng người Công giáo “giữ vững kho tàng đức tin, truyền thống Tông truyền, rằng chúng ta không tưởng tượng, trong sự phù phiếm của thời đại của chúng ta, rằng chúng ta sẽ thay đổi đức tin Công giáo hoặc Giáo hội Công giáo”.

“Trên thực tế, đây là một kho tàng to lớn mà chúng ta đã lãnh nhận từ thế hệ này qua thế hệ khác trước chúng ta, từ Chúa Giêsu và các Tông đồ của Người. Và chúng ta ở đây để truyền đạt điều đó một cách trung thành cho các thế hệ tiếp theo sau chúng ta”, Đức Tổng Giám mục Fisher nói.

Đức Tổng Giám mục thừa nhận rằng sự hiểu biết của chúng ta về kho tàng đức tin đã phát triển theo thời gian và sẽ tiếp tục phát triển, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng ngài nghĩ rằng đó là một đặc điểm thú vị của Giáo hội khi “chúng ta đã cố gắng để có được nhiều nền văn hóa đa dạng, nhiều cách thức cầu nguyện và nhiều cách thức truyền giáo khác nhau, nhưng chúng ta vẫn đoàn kết như một trong Chúa Kitô”.

“Nhưng đó là một đức tin, và điều đó quan trọng với tôi, một người đến từ vùng ngoại vi của Giáo hội tại Úc, nơi xa nhất có thể so với Rôma trên thế giới”, Đức Tổng Giám mục Fisher nói, đồng thời cho biết rằng “đó là một Giáo hội, đó là một đức tin và chúng tôi muốn tiếp tục tôn vinh điều đó ngay cả trong bối cảnh đa dạng văn hóa của chúng tôi”.

Những thay đổi đang được tranh luận

Đức Tổng Giám mục Fisher cho biết một trong những câu hỏi quan trọng mà Thượng Hội đồng đang tranh luận trong tuần này là “phạm vi và giới hạn của địa phương và văn hóa” trong Giáo hội Công giáo hoàn vũ là gì?

Thượng Hội đồng về Hiệp hành đang thảo luận phần thứ ba và cũng là phần cuối cùng của Instrumentum Laboris, hay Tài liệu làm việc, từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 10. Tuần sau cùng của cuộc họp, kết thúc vào ngày 27 tháng 10, sẽ dành cho việc soạn thảo và sửa đổi tài liệu chung kết.

Trong đoạn 91 của phần thứ ba, tài liệu lưu ý rằng có những cơ cấu như Hội đồng Giáo xứ, Giáo hạt và Giáo phận đã được quy định trong Giáo luật “có thể chứng minh là phù hợp hơn nữa để đưa ra một hình thức cụ thể cho cách tiếp cận theo tinh thần Hiệp hành”.

“Những hội đồng này có thể trở thành chủ thể của sự phân định của Giáo hội và việc đưa ra quyết định theo tinh thần Hiệp hành…”, tài liệu tiếp tục. “Do đó, đây là một trong những lĩnh vực hứa hẹn nhất để hành động nhằm thực hiện nhanh chóng các đề xuất và định hướng của Thượng Hội đồng, dẫn đến những thay đổi có tác động hiệu quả và nhanh chóng”.

Xa hơn một chút trong cùng phần này của Tài liệu làm việc, tài liệu cũng nói rằng: “Các Hội đồng Giám mục là công cụ cơ bản để tạo ra các mối liên hệ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các Giáo hội và để phân cấp quản trị và lập kế hoạch mục vụ”.

“Từ tất cả những gì đã thu thập được cho đến nay trong tiến trình Hiệp hành này, các đề xuất sau đây nổi bật lên: (a) công nhận các Hội đồng Giám mục là các chủ thể Giáo hội được trao thẩm quyền về Giáo lý, đảm nhận sự đa dạng về mặt xã hội văn hóa trong khuôn khổ của một Giáo hội đa diện và ủng hộ việc đánh giá cao các cách diễn đạt phụng vụ, kỷ luật, thần học và tâm linh phù hợp với các bối cảnh xã hội văn hóa khác nhau”, tài liệu nêu trong đoạn 97.

Sự giao thoa văn hóa trong Giáo hội

Trong bối cảnh của những ý tưởng này, Đức Tổng Giám mục Fisher cho biết ngài nghĩ rằng “chúng ta cần có cùng một đức tin, cùng một chuẩn mực luân lý, cùng một trật tự Giáo hội và về cơ bản là cùng một phụng vụ”.

“Nhưng chúng tôi dành không gian cho các truyền thống nghi lễ khác nhau trong Giáo hội và cho các sự thích nghi văn hóa khác nhau cũng như các cách thức truyền giáo khác nhau ở những nơi khác nhau”, Đức Tổng Giám mục Fisher cho biết thêm.

Đức Tổng Giám mục Fischer lưu ý rằng, ví dụ, tại Tổng Giáo phận Sydney của ngài, có nhiều truyền thống nghi lễ Công giáo khác nhau, chẳng hạn như Maronite, Melkite, Chaldean, Ukraina và Syro-Malabar.

“Chúng tôi biết họ mang đến những nền linh đạo khác nhau…Thánh lễ khác nhau và những hình thức cầu nguyện khác nhau, nhưng thường cũng có sự hiểu biết khác nhau về tính Hiệp hành, về vai trò của các Giám mục, về cách thức lựa chọn Giám mục, họ có Giáo luật khác nhau và một trật tự Giáo hội khác nhau nhưng vẫn là một phần của một Giáo hội Công giáo duy nhất”, Đức Tổng Giám mục Fischer nhấn mạnh.

“Và tôi nghĩ rằng, một phần trong sự sôi nổi của Giáo hội là bạn có thể tham dự Thánh lễ theo nghi lễ Maronite và nó rất khác biệt, nhưng bạn cũng biết rằng mọi thứ đều như nhau: Tất cả đều diễn tả việc Thiên Chúa đến với chúng ta dưới hình bánh và rượu, nhưng Người thực sự hiện diện, với Nhân tính và Thần tính của Người, vì chúng ta”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết