'Đức tin Kitô Giáo không phải là một ý tưởng, mà là một sự sống"

Dưới đây là bản dịch toàn văn bài trả lời phỏng vấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với Cha  Jacques Servais, SJ, được đăng tải trên L’Osservatore Romano, 17-3-2016.

2DGHServais: Kính thưa Đức Thánh Cha, vấn đề được đặt ra trong năm nay của chương trình học hỏi, nghiên cứu do cha Bề trên Tổng quyền Dòng Tên thúc đẩy (tại cơ sở cho các chủng sinh Dòng Tên tại Rôma), đó là vấn đề về ơn công chính hóa bởi đức tin. Tác phẩm gần đây nhất trong số các trước tác của Đức Thánh Cha có nhấn mạnh đến sự khẳng định dứt khoát của Đức Thánh Cha: “Đức tin Kitô Giáo không phải là một ý tưởng, mà là một sự sống”. Liên quan đến vấn đề này, khi diễn giải lời quả quyết của thánh Phaolô trong Rôma 3:28, Đức Thánh Cha đã đề cập đến chiều kích siêu việt kép của đức tin: “Đức tin là một quà tặng đối với người tin được thông ban ngang qua cộng đoàn, là điều tự nó vốn là kết quả của một ơn ban của Thiên Chúa” (“Glaube ist Gabe durch die Gemeinschaft; die sich selbst gegeben wird,” gs iv, 512). Đức Thánh Cha có thể giải thích rõ hơn Đức Thánh Cha có ý muốn nói gì về lời ấy khi mà mục đích của những ngày học hỏi, nghiên cứu này là để làm rõ nền thần học mục vụ và làm nổi bật kinh nghiệm thiêng liêng của người tín hữu?

Đức Bênêđíctô XVI: Câu hỏi này có liên quan đến đức tin là gì và làm thế nào mà người ta lại tin. Một đàng, đức tin là một mối liên hệ sâu sắc với Thiên Chúa, điều chạm tới tôi trong thẳm sâu nhất của sự hiện hữu và đặt tôi trước Thiên Chúa hằng sống trong một sự trực diệntuyệt đối theo một cách thế mà tôi có thể nói chuyện với Ngài, yêu mến Ngài và đi vào sự hiệp thông với Ngài. Nhưng đàng khác, đức tin, xét về nền tảng, vốn có tính cá nhân, lại cũng có mối liên hệ với cộng đoàn. Đó là một phần thiết yếu của đức tin mà cái “tôi” được đưa vào trong cái “chúng ta” của các con cái Thiên Chúa, của cộng đoàn những anh chị em tín hữu trên đường lữ hành. Đồng thời, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa cũng có nghĩa là bản thân tôi mở ra, tách ra khỏi sự cô độc khép kín của tôi và được đón nhận vào trong cộng đoàn sống động của Giáo Hội. Cộng đoàn sống động đó cũng là một trung gian của cuộc gặp gỡ của tôi với Thiên Chúa, mặc dù cuộc gặp gỡ ấy chạm vào tâm hồn tôi theo một cách hoàn toàn cá nhân. Đức tin đến từ việc lắng nghe (fides ex auditu), như thánh Phaolô đã dạy chúng ta. Theo đó, lắng nghe luôn hàm chứa một đối tượng.

Đức tin không phải là một sản phẩm của một sự suy tư, thậm chí cũng không phải là một nỗ lực để thâm nhập vào thẳm sâu hiện hữu của riêng tôi. Cả hai điều này có thể có, nhưng chúng vẫn chưa đủ nếu không có “sự lắng nghe” mà qua đó Thiên Chúa, từ bên ngoài, từ một câu chuyện do chính Ngài khơi gợi, sẽ thách đố tôi. Để cho tôi tin, tôi cần những chứng nhân là những người đã gặp gỡ Thiên Chúa và làm cho Ngài đến được với tôi. Trong bài viết của tôi về bí tích Thánh Tẩy, tôi đã nói về sự siêu việt kép của cộng đoàn, mà qua đó, một lần nữa gợi nhắc một yếu tố quan trọng: cộng đoàn đức tin không tự mình mà có. Đó không phải là một cộng đoàn những con người có chung một vài ý tưởng và là những người quyết định hợp tác lại để loan truyền những ý tưởng đó. Nếu như thế, mọi sự sẽ được đặt trên chính quyết định của riêng cộng đồng ấy, một quyết định được đưa ra dựa trên nguyên tắc biểu quyết theo đại đa số phiếu, và như vậy, xét cho cùng, đó sẽ là quyết định dựa trên ý kiến của con người! Một Giáo Hội được hình thành theo cách này, đối với tôi, không thể là nơi đảm bảo cho tôi sự sống đời đời và những quyết định được đưa ra từ một Giáo Hội như thế thì không có liên hệ gì với tôi, mà thậm chí những quyết định đó làm cho tôi đau khổ và trái ngược với những ước muốn của tôi. Không, Giáo Hội không tự mình hình thành, Giáo Hội được Thiên Chúa dựng nên và Giáo Hội tiếp tục được hình thành bởi Ngài. Điều này được diễn tả qua các bí tích, trên hết là được diễn tả trong bí tích rửa tội: tôi gia nhập Giáo Hội không phải theo một thủ tục hành chính, mà qua một bí tích. Và điều này có thể nói là tôi được đón nhận vào một cộng đoàn vốn không xuất phát từ chính nó và tự phóng chiếu ra khỏi chính nó. Sứ vụ vốn có mục đích để hình thành kinh nghiệm thiêng liêng của người tín hữu phải xuất phát từ những nền tảng của một cộng đoàn như đã nêu trên.

Cần phải loại bỏ ý tưởng về một Giáo Hội tự sản sinh ra chính mình và cần làm rõ rằng Giáo Hội trở nên một cộng đoàn hiệp thông làm nên thân mình của Đức Kitô. Giáo Hội phải dẫn đưa cá nhân người Kitô hữu đi vào cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô và đưa người Kitô hữu đi vào sự hiện diện của Ngài trong bí tích.

Servais: Khi Đức Thánh Cha còn là Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, khi nhận định về Tuyên Bố Chung của Giáo Hội Công Giáo và Hiệp Hội Tin Lành Luther Thế Giới về Tín Lý Ơn Công Chính Hóa vào ngày 31/10/1999, Đức Thánh Cha đã chỉ ra sự khác biệt về não trạng liên quan đến Luther và vấn đề về ơn cứu độ và phúc lành mà Luther đặt ra. Kinh nghiệm tôn giáo của Luther đã bị chi phối bởi nỗi sợ hãi trước cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, một cảm nhận khá xa lạ với con người ngày nay, là những người thay vào đó cảm nhận một sự vắng bóng Thiên Chúa (xem bài viết của Ngài ở Communio, 2000, 430). Đối với những người này, thì vấn đề không quá nhiều về cách đạt tới sự sống đời đời, mà thay vào đó là cách đảm bảo, trong những điều kiện không chắc chắn của thế giới chúng ta, một sự quân bình nhất định về đời sống hoàn toàn mang tính con người. Liệu giáo huấn của Thánh Phaolô về ơn công chính hóa bởi đức tin, trong bối cảnh mới này, có thể đạt tới kinh nghiệm “tôn giáo” hoặc ít nhất là kinh nghiệm “căn bản” của con người trong thời đại chúng ta ngày nay hay không?

Đức Bênêđíctô XVI: Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa điều tôi đã viết trong Tạp chí Communio (2000) về vấn đề ơn công chính hóa. Đối với con người thời nay, khi so sánh với con người thời của Luther và với những người theo quan điểm cổ điển về đức tin Kitô Giáo, thì mọi thứ theo một nghĩa nào đó đang bị đảo lộn, hay nói cách khác, không còn là những con người tin rằng mình cần đến ơn công chính hóa trước mặt Thiên Chúa nữa, mà thay vào đó là những quan niệm cho rằng Thiên Chúa bị buộc phải công chính hóa chính mình vì tất cả mọi điều khủng khiếp trong thế giới và khi Ngài phải đối diện với nỗi thống khổ của con người, mà tất cả mọi điều đó là do Ngài. Về vấn đề này, tôi nhận thấy thật quan trọng cho một thần học gia Công Giáo cần phải tuyên xưng thậm chí một cách trực tiếp và trịnh trọng thể hiện một quan điểm ngược lại với quan niệm cho rằng Đức Kitô không chịu đau khổ vì tội lỗi của con người, nhưng là đã “xoá bỏ tội lỗi của Thiên Chúa”. Thậm chí nhiều người Kitô hữu ngay này cũng không có chung sự đảo ngược quyết liệt ấy của đức tin của chúng ta, chúng ta có thể nói rằng tất cả điều này làm lộ ra một xu hướng ngầm của thời đại chúng ta. Khi Johann Baptist Metz cho rằng thần học ngày nay phải “nhạy bén trước thần luận thuyết (theodicy)” (Tiếng Đức: theodizee empfindlich), điều này cũng nhấn mạnh cùng một vấn đề theo cách tích cực. Thậm chí con người ngày nay loại bỏ hoàn toàn chính kiến của Giáo Hội về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và nhìn chung người ta có một cảm giác rằng Thiên Chúa không thể để cho đại đa số nhận loại bị luận phạt. Theo cảm giác đó, mối bận tâm về ơn cứu độ cá nhân các linh hồn vốn rất được chú trọng trong quá khứ thì bây giờ phần lớn đã lãng quên.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, một cách nào đó, vẫn còn có một nhận thức rằng chúng ta thực sự cần đến ân sủng và sự tha thứ. Đối với tôi, đó là một “dấu chỉ của thời đại” trước sự thật là ý tưởng về lòng thương xót của Thiên Chúa cần phải trở nên ngày càng trọng tâm và được phổ biến hơn nữa – khởi đi từ nữ tu Faustina, mà các trực kiến của thánh nữ, bằng nhiều cách, đã phản ánh một cách sâu sắc hình ảnh về Thiên Chúa mà con người ngày nay đang có và lòng khao khát của họ đối với sự tốt lành thánh thiện của Ngài. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được đánh động cách sâu sắc bởi động lực ấy, ngay cả điều này không phải lúc nào cũng được thể hiện cách tỏ tường. Nhưng chắc chắn không phải bởi tình cờ mà cuốn sách sau cùng của Ngài, được xuất bản trước khi Ngài qua đời, lại nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Khởi đi từ kinh nghiệm mà, ngay từ những năm đầu đời, đã cho ngài thấy rõ tất cả mọi hành vi độc ác mà con người có thể thực hiện, ngài khẳng định rằng lòng thương xót phải là phản ứng duy nhất, chân thực và tối hậu trước sức mạnh của sự dữ.

Chỉ nơi nào có lòng thương xót thì nơi đó bạo lực mới chấm dứt, chỉ với lòng thương xót mà sự dữ và tình trạng bạo lực mới chấm dứt. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang hoàn toàn đi theo đường hướng này. Việc thực thi mục vụ của ngài được thể hiện ra qua thực tế là ngài liên lỉ nói cho chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính lòng thương xót của Thiên Chúa làm cho chúng ta tiến về phía Thiên Chúa, trong khi công lý lại làm cho chúng ta hoảng sợ trước Ngài. Theo quan điểm của tôi, rõ ràng là, dưới một lớp sơn bóng bảy của sự tự mãn và sự tự cho mình là công chính, con người thời đại hôm nay đang che đậy một sự nhận biết sâu sa về các tổn thương của mình và sự bất xứng của mình trước Thiên Chúa. Con người đang chờ đợi lòng thương xót.

Chắc chắn không phải do sự trùng hợp ngẫu nhiên mà dụ ngôn về Người Sa-ma-ri-ta-nô Nhân Hậu lại đặc biệt cuốn hút con người thời đại. Và cũng không phải vì dụ ngôn ấy nhấn mạnh một cách mạnh mẽ đến chiều kích xã hội của đời sống Kitô Giáo, cũng không phải vì ở trong đó Người Sa-ma-ri-ta-nô, người không có tín ngưỡng tôn giáo, khi so sánh với những đại diện của tôn giáo, thì có thể nói, lại là người hành động thật sự ứng hợp với Thiên Chúa, trong khi những đại diện chính thức của tôn giáo thì dường như lại miễn nhiễm với Thiên Chúa. Điều này rõ ràng làm hài lòng con người hiện đại. Tuy nhiên, điều tôi cho là quan trọng, đó là con người với lương tâm ngay lành của họ thì mong đợi rằng Người Sa-ma-ri-ta-nô sẽ xuất hiện để giúp họ; rằng ông sẽ cúi xuống trên họ, đổ dầu trên các vết thương của họ, chăm sóc họ và đưa họ đến nơi an toàn. Xét cho cùng, họ cần lòng thương xót của Thiên Chúa và sự dịu dàng của Ngài. Trong sự thô cứng của thế giới bị công nghệ hoá mà trong đó những tâm tư cảm nhận không còn ý nghĩa gì, thì sự mong đợi về một tình yêu cứu độ được ban nhưng không lại gia tăng. Theo suy nghĩ của tôi, chủ đề về lòng thương xót Chúa là cách diễn tả mới mẻ về ơn công chính hóa bởi đức tin. Ngày nay, khởi đi từ lòng thương xót của Thiên Chúa mà mọi người tìm kiếm, ta có thể tìm ra cách giải thích mới mẻ về trọng tâm nền tảng của giáo huấn về ơn công chính hóa và cách giải thích dựa theo lòng thương xót Chúa như thế một lần nữa xem ra lại rất phù hợp.

Servais: Thánh An-sen-mô nói rằng Đức Kitô đã chết trên thập giá để đền thay cho sự xúc phạm vô cùng lớn lao của con người đối với Thiên Chúa, và bằng cách đó Ngài khôi phục lại trật tự đã bị phá đổ. Kiểu nói này của thánh nhân làm cho con người thời hiện đại khó chấp nhận (x. GS 215 ss iv). Dựa theo cách diễn tả này, với những cảm giác bạo lực và gây hấn mà chúng ta có thể kinh nghiệm nơi chính bản thân chúng ta, người ta rất có thể có nguy phóng chiếu Thiên Chúa theo hình ảnh của một thiên chúa ắp đầy cơn thịnh nộ,chỉ chăm chăm chú chú đến tội lỗi của con người. Làm cách nào để ta có thể vừa nói được về công lý của Thiên Chúa mà trong thâm sâu của các tín hữu đều nhận biết được điều đó, đồng thời lại vẫn có thể nói được rằng Thiên Chúa của các Kitô hữu là một Thiên Chúa “giàu lòng thương xót” (Ep 2:4)?

Đức Bênêđíctô XVI: Quan niệm của Thánh An-sen-mô làm cho chúng ta ngày nay không thể hiểu nổi. Nhiệm vụ của chúng ta là nỗ lực tìm hiểu sự thật phía sau lối diễn tả này. Về phần mình, tôi xin đưa ra ba quan điểm về điều này:

  1. Quan niệm về sự tương phản giữa Chúa Cha, Đấng kiên định một cách tuyệt đối về công lý, và Chúa Con, Đấng vâng phục Chúa Cha và, vâng phục, chấp nhận những đòi hỏi khắt khe của công lý, là quan niệm không những không thể hiểu nổi đối với con người ngày nay, mà dưới nhãn giới thần học Ba Ngôi, quan niệm này sai chệch hoàn toàn tự bản chất. Chúa Cha và Chúa Con là một và do đó ý uốn của các ngài trong thâm sâu nội tại là một. Khi Chúa Con ở trong Vườn Cây Dầu tranh đấu với ý muốn của Chúa Cha, thì không phải là vấn đề chấp nhận cho chính bản thân Ngài sự dàn xếp khắt khe của Thiên Chúa, mà thay vào đó là cuốn hút nhân loại đi vào trong ý muốn rất quan trọng của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ phải trở lại một lần nữa, sau này, mối tương quan giữa hai ý muốn của Chúa Cha và Chúa Con.
  2. Vậy tại sao lại có thập giá và chuộc tội? Một cách nào đó ngày nay, do những méo mó của tư tưởng hiện đại mà chúng ta đã đề cập ở trên, thì câu trả lời cho những vấn đề này có thể được đặt ra theo một cách thức mới mẻ. Chúng ta hãy đặt mình trước bối cảnh của thế giới đang bị tiêm nhiễm và phá hủy bởi đầy rẫy những bạo lực, giả dối, hận thù, tàn bạo và kiêu ngạo không thể tưởng tượng nổi. Sự dữlan tràn này không thể đơn giản được tuyên bố là không tồn tại, thậm chí tuyên bố là không cần Thiên Chúa can thiệp. Tình trạng này cần phải được làm trong sạch, cần phải được tái tạo và vượt thắng. DânÍt-ra-en xưa đã tin rằng sự hy sinh hãm mình hằng ngày đối với tội lỗi và trên hết đại nghi lễ phụng tự Ngày Xá Tội (Yom-Kippur) là cần thiết để làm cho thế giới được quân bình và chấp nhận được. Một khi các hy lễ trong đền thờ biến mất, thì cần phải hỏi xem điều gì có thể chống lại được những thế lực sự dữ lớn lao, làm thế nào để tìm thấy một thế quân bình tương ứng. Các Kitô hữu hiểu rằng đền thờ bị phá huỷ đã được thay thế bởi thân xác phục sinh của Chúa chịu nạn và trong tình yêu khôn dò và khôn sánh, đã có một thế quân bình trước sự tồn tại ghê gớm của sự dữ. Thực ra, họ biết rằng những lễ vật được tiến dâng, đến khi đó có thể chỉ được diễn tả như một nghĩa cử của lòng khao khát một thế quân bình đúng đắn. Họ cũng biết rằng trước sức mạnh ghê gớm của sự dữ thì chỉ có tình yêu vô biên mới đủ kháng cự được, chỉ có một sự chuộc tội vô biên mới cần đến. Họ biết rằng Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh là sức mạnh có thể chống lại sức mạnh của sự dữ và cứu chuộc thế giới. Và trên nền tảng niềm xác tín này, họ thậm chí có thể hiểu được ý nghĩa những đau khổ của họ khi được tháp nhập vào trong tình yêu đau khổ của Đức Kitô và bao gồm như một phần của năng quyền cứu chuộc của tình yêu như thế. Ở trên tôi có nhắc đến một nhà thần học mà đối với vị này Thiên Chúa phải chịu đau khổ vì tội lỗi của Ngài khi nhìn vào thế giới. Giờ đây, theo cách nhìn đảo ngược lại, những sự thật phía sau xuất hiện: Thiên Chúa không thể bỏ mặc thế giới trong tình trạng ngập ngụa sự dữ vốn nảy sinh từ sự lạm dụng tự do mà chính Ngài đã ban tặng cho con người. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng đến để thông phần đau khổ của thế giới, mới có thể cứu chuộc thế giới.
  3. Trên nền tảng niềm xác tín nói trên, mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con trở nên dễ hiểu hơn. Tôi sẽ nhắc lại ở đây về chủ đề này một đoạn từ cuốn sách được viết bởi Henri de Lubac về Origen mà tôi cảm thấy rất rõ ràng: “Đấng Cứu Chuộc đã đến thế gian vì tình thương dành cho nhân loại. Ngài đã mang lấy nơi chính bản thân Ngài những nỗi thống khổ của chúng ta trước khi chịu đóng đinh, thậm chí trước khi đi xuống để mặc lấy xác phàm của chúng ta: nếu như Ngài đã không kinh nghiệm những nỗi thống khổ này trước, thì có lẽ Ngài đã không đến để đảm nhận thân phận nhân loại chúng ta. Nhưng nỗi thống khổ mà Ngài đã chịu trước vì chúng ta là gì? Đó là nỗi đau khổ của tình yêu. Nhưng chính Chúa Cha, Chúa Tể Trời Đất, Đấng trào tràn nỗi cảm thương, nhẫn nại, thương xót và từ bi nhân hậu, lẽ nào Ngài cũng không chịu đau khổ theo một nghĩa nhất định nào đó? ‘Thiên Chúa của anh (em), mang anh (em) như một người mang con mình, suốt con đường anh em đã đi cho tới khi anh em đến nơi này’ (Đnl 1:31). Thiên Chúa đã mang lấy trên chính Ngài những tập quán của chúng ta khi Con Thiên Chúa mang lấy nơi chính Ngài những nỗi thống khổ của chúng ta. Chính Chúa Cha không phải là không có nỗi thống khổ! Nếu Ngài được khẩn cầu, thì Ngài nhớ đến lòng từ bi, thương xót. Ngài đón nhận nỗi thống khổ của tình yêu (Bài giảng về Ê-dê-ki-en 6:6)”.

Một số nơi ở Đức, người ta có một lòng sùng kính sâu xa chiêm ngắm sự nghèo khó của Thiên Chúa (“Not Gottes”). Về phần mình, điều ấy diễn ra trước mắt tôi như một hình ảnh ấn tượng biểu trưng cho nỗi thống khổ của Chúa Cha, Đấng, trong tư cách là Cha, cùng thông phần nội tại nỗi thống khổ của Chúa Con. Và cũng hình ảnh về “vương quyền ân sủng” là một phần của lòng sùng kính này: Chúa Cha trợ đỡ thập giá và Đấng chịu đóng đinh, cúi xuống cách âu yếm trên Ngài và cả hai như thể là cùng ở trên một thập giá. Vì thế mộtcách long trọng và chân thành, người ta nhận thấy ở đó lòng thương xót của Thiên Chúa có nghĩa là gì, việc dự phần của Thiên Chúa vào trong nỗi thống khổ của con người có nghĩa là gì. Đó không phải là vấn đề công lý khắt khe, không phải là vấn đề về lòng cuồng nộ của Chúa Cha, mà là vấn đề về chân lý và thực tại của việc tạo dựng: sự vượt thắng đích thực và dứt khoát trên sự dữ cuối cùng chỉ được thực hiện nhờ sự đau khổ của tình yêu.

Servais: Trong cuốn sách Linh Thao, Thánh I-nhã Loyola không sử dụng những hình ảnh của Cựu Ước về sự báo thù, như trái ngược với Phaolô (x. 2 Tx 1:5-9); tuy nhiên ngài mời gọi chúng ta chiêm nghiệm tại sao con người, trước khi Con Thiên Chúa nhập thể làm người, “đã xuống âm ty” (Bài Linh Thao, số 102; x. ds iv, 376) và gương của “vô số người khác đã mang lấy kết cục ở đó vì số tội ít hơn cả số tội tôi đã phạm” (Bài Tập Linh Thao, số 52). Chính trong tinh thần này mà Thánh Phanxicô Xaviê đã thực thi công cuộc tông đồ của mình với xác tin rằng ngài phải nỗ lực để cứu khỏi số phận chịu kết án đời đời càng nhiều “những người ngoại đạo” càng tốt. Giáo huấn này đã được xác định bởi Công Đồng Tren-tô, trong đoạn nói về ngày phán xét người lành kẻ dữ, và về sau bị những người theo chủ thuyết Jansenist lợi dụng triệt để, rồi tiếp đến được chọn lựa theo một cách lối giới hạn hơn nhiều trong Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (x. 5 633, 1037). Về điều này, liệu có thể nói rằng trong những thập kỷ gần đây, có một sự tiến triển về mặt  “tín lý” mà Giáo Lý nhất thiết phải chú trọng đến không?

Đức Bênêđíctô XVI: Về điểm này, rõ ràng không còn phải nghi nghờ gì cả: chúng ta thấy có một sự tiến hoá sâu sắc của giáo lý. Trong khi các giáo phụ và các thần học gia Trung Cổ quan niệm rằng toàn thể nhân loại đã trở thành Công Giáo và ngoại giáo giờ đây chỉ tồn tại ở bên lề (dù sao đây cũng là một quan niệm), nhưng việc khám phá ra Tân Thế Giới vào khởi đầu thời hiện đại đã làm thay đổi cách triệt cách nhìn nhận này. Ở hậu bán thế kỷ vừa qua người ta đã xác tín với sự nhận thức rằng Thiên Chúa không thể để cho tất cả mọi người chưa chịu phép rửa đi vào chốn trầm luân và rằng ngay cả niềm hạnh phúc theo lẽ tự nhiên cũng không phản ánh hết vấn đề hiện hữu của con người. Nếu đúng thật là những nhà truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 16 vẫn tin rằng những người chưa được rửa tội sẽ bị hư mất đời đời – và điều này giải thích cho sự dấn thân truyền giáo của họ, thì Giáo Hội Công Giáo hậu Công Đồng Vatican II cuối cùng đã loại bỏ niềm xác tín đó.

Từ điều này xuất hiện một cuộc khủng hoảng kép. Một mặt, điều này dường như loại bỏ bất kỳ một động lực nào cho một sự dấn thân truyền giáo tương lai. Tại sao người ta lại phải nỗ lực để thuyết phục mọi người chấp nhận đức tin Kitô Giáo trong khi họ có thể được cứu ngay cả khi không có đức tin ấy? Nhưng cũng đối với người Kitô hữu lại có một vấn đề nảy sinh: tính chất bắt buộc của đức tin và đời sống đức tin ấy bắt đầu dường như không còn đứng vững và có vấn đề. Nếu có những người có thể tự cứu lấy mình bằng cách này hay cách khác, thì rõ ràng tại sao người Kitô hữu lại phải tự trói buộc mình bởi những đòi hỏi của niềm tin Kitô Giáo và những giá trị luân lý của nó. Nếu đức tin và ơn cứu độ không còn ràng buộc với nhau nữa, thì tự nó đức tin mất động lực.

Sau này, có một vài nỗ lực đã được thực hiện để dung hoà sự cần thiết mang tính phổ quát của đưc tin Kitô Giáo với cơ hội tự cứu lấy mình mà không cần đến đức tin. Tôi sẽ đề cập ở đây hai nỗ lực. Trước hết, luận án nổi tiếng về những Kitô hữu vô danh của Karl Rahner. Ngài cho rằng hành động căn bản và thiết yếu ở nền tảng của sự tồn tại Kitô Giáo, mang tính quyết định cho ơn cứu độ, trong cấu trúc siêu việt của ý thức của chúng ta, hệ tại ở việc mở ra hoàn toàn cho Đấng Khác, hướng đến sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Niềm tin Kitô Giáo trong quan điểm này lại tạo nên việc nâng ý thức lên điều mang tính cấu trúc ở nơi con người như thế. Vì thế khi một người chấp nhận chính bản thân mình trong sự hiện hữu thiết yếu của mình, thì người ấy hoàn tất yếu tính của mình là một Kitô hữu mà không cần biết đến nó là gì theo một nghĩa khái niệm. Do đó, Kitô Giáo phù hợp với con người và, theo nghĩa này, mọi người chấp nhận chính bản thân mình là một Kitô hữu ngay cả khi người ta không biết về Kitô Giáo. Đúng thật là lý thuyết này hấp dẫn, nhưng nó giới hạn Kitô Giáo thành một sự trình bày thuần ý thức về điều mà một con người là gì ở nơi chính bản thân mình và do đó coi thường cuộc thay đổi và canh tân vốn là trọng tâm đối với Kitô Giáo. Thậm chí giải pháp này cũng ít được những người theo thuyết đa nguyên về tôn giáo chấp nhận, vì đối với họ, tất cả mọi tôn giáo, mỗi tôn giáo theo cách riêng của mình, có thể là con đường của ơn cứu độ và theo nghĩa này, hiệu năng của mỗi tôn giáo phải được coi là tương đương.Việc phê bình, phân định tôn giáo chúng ta thấy có ở trong Cựu Ước, trong Tân Ước và trong thời Giáo Hội sơ khai và cách đánh giá ấy về các tôn giáo còn thực tế hơn, cụ thể hơn và chân thật hơn giải pháp đã được đề nghị. Một sự tiếp nhận các tôn giáo đơn giản như thế là không tương xứng với tính chất hệ trọng của vấn đề.

Sau cùng, chúng ta hãy nhắc đến trên hết là Henri de Lubac và cùng với ngài còn có một số các thần học gia khác đã suy tư về khái niệm sự thay thế mang tính hoán chuyển. Theo các thần học gia này thì “sự hiện hữu vì” (“being for”) của Đức Kitô có thể là một sự diễn tả tính cách nền tảng của đời sống Kitô Giáo và của Giáo Hội một trật. Thật có thể giải thích “sự hiện hữu vì” này theo một cách nào đó trừu tượng hơn. Nhất thiết nhân loại đón nhận sự thật ấy, tin và thực hành chân lý đó. Có người chịu đau khổ vì sự hiện hữu của người khác! Có người đã sống chết vì yêu! Những hiện thực này đi vào trong thế gian, rọi ánh sáng vào thế gian và trợ đỡ thế gian. Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh thế giới ngày nay thì điều đó trở nên thậm chí còn làm nổi bật cho chúng ta hơn nữa điều mà Thiên Chúa nói với ông Abraham, đó là, việc 10 người công chính đã đủ để cứu một thành phố, nhưng nó sẽ tự phá huỷ nó nếu một con số nhỏ bé như thế mà lại không thể đạt được. Rõ ràng chúng ta cần suy tư hơn nữa về toàn bộ vấn đề này.

Servais: Trong mắt của nhiều nhà nhân bản thế tục mang dấu ấn của chủ nghĩa vô thần của những thế kỷ 19 và 20, như Ngài đã nhấn mạnh, thì chính là Thiên Chúa – nếu Ngài tồn tại – chứ không phải con người sẽ phải chịu trách nhiệm về sự bất công, nỗi thống khổ của người vô tội, sự trần trụi của quyền lực mà chúng ta đang chứng kiến, đang bất lực, trong thế giới và trong lịch sử thế giới (x. Spe Salvi, số 42)… Trong cuốn sách Đức Giêsu Thành Nadarét của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha có lặp lại điều mà đối với họ – và với chúng ta – là một điều rắc rối: “Hiện thực về sự bất công, về sự dữ, không thể đơn thuần bị phớt lờ, đơn thuần để sang một bên. Điều nó phải hoàn toàn được vượt thắng và chiến thắng. Chỉ bằng cách này thì mới thực sự có lòng thương xót” (Jesus Nazareth, ii 153, trích 2 Cr 2:13). Có phải bí tích hoà giải, một trong những nơi chốn mà ở đó sự dữ có thể được “thay thế, sửa đổi?” Nếu thế, thì bằng cách nào?

Đức Bênêđíctô XVI: Tôi đã nỗ lực để đưa ra một cách tổng thể những điểm chính có liên hệ đến vấn đề này trong câu trả lời của tôi với câu hỏi thứ ba của cha. Sức mạnh đối trọng trước sự thống trị của sự dữ trước hết chỉ có thể có được ở nơi tình yêu của Đức Giêsu Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, tình yêu ấy vốn luôn luôn lớn hơn bất kỳ một thế lực nào có thể của sự dữ. Nhưng chúng ta cần phải đặt chính bản thân chúng ta vào trong câu trả lời này mà Thiên Chúa ban cho chúng ta ngang qua Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả khi một cá nhân chịu trách nhiệm về sự phân mảnh của sự dữ, và do đó là một sự đồng loã trước thế lực của sự dữ, thì cùng với Đức Kitô người ấy vẫn có thể “hoàn tất điều còn thiếu trong những nỗi đau khổ của Người” (x. Cl 1, 24). Bí tích hoà giải chắc chắn có một vai trò quan trọng trong lãnh vực này. Điều đó có nghĩa là chúng ta luôn luôn để cho bản thân chúng ta được uốn nắn và biến đổi bởi Đức Kitô và chúng ta liên lục đi từ phía kẻ huỷ diệt đến phía của Ngài là Đấng Cứu Độ.

H.B. dịch

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết