
Lực lượng chống khủng bố của Iraq trước Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad (Ảnh: AFP)
Sau vụ không kích của Hoa Kỳ tại Baghdad hạ sát Tướng Iran Soleimani, Đức Thượng Phụ Công giáo Chaldean của Babylon kêu gọi tất cả các bên liên quan tham gia đối thoại.
Đức Thượng Phụ Louis Rafaël Sako, Thượng Phụ của Giáo hội Công giáo Chaldean, đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ hôm thứ Bảy 4/1 sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Hoa Kỳ tại Baghdad vốn đã giết chết Tướng Iran Qasem Soleimani, và các cuộc biểu tình đã diễn ra sau đó.
Một ngày căng thẳng
Lời kêu gọi của Đức Thượng Phụ Sako đã được đưa ra sau một ngày mà trong đó hàng ngàn người đã xuống đường ở thủ đô Iraq, than khóc về cái chết của Tướng Soleimani ở Baghdad và hô to những khẩu hiệu chống Mỹ. CHo đến buổi tối, một tên lửa đã bắn trúng Vùng xanh của Baghdad, một khu vực được củng cố nghiêm ngặt gần Đại sứ quán Hoa Kỳ. Một tên lửa khác đã tấn công vào khu phố Jadriya gần đó, và hai tên lửa khác nhắm vào căn cứ không quân Balad. Theo một tuyên bố của quân đội Iraq, không có vụ thiệt mạng nào được báo cáo do các cuộc tấn công tên lửa này và không ai lên tiếng nhận trách nhiệm.
Trong một dòng Tweet được đăng tải hôm thứ Bảy, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cảnh báo Iran rằng Hoa Kỳ đã chọn 52 địa điểm vốn sẽ bị tấn công “một cách thần tốc và nghiêm khắc nếu như Iran tấn công bất kỳ công dân Hoa Kỳ nào hoặc bất kỳ tài sản nào của Hoa Kỳ”. Con số 52 là biểu tượng của 52 con tin Hoa Kỳ đã bị giam giữ tại Iran trong khoảng thời gian từ năm 1979 đến năm 1981.
Lời kêu gọi đối thoại
Đó là bối cảnh mà Đức Thượng Phụ Công giáo Chaldean đã đưa ra lời kêu gọi của mình:
“Người dân Iraq hiện vẫn còn bàng hoàng bởi những sự việc đã xảy ra vào tuần trước. Thật đáng trách khi đất nước của chúng ta đã bị biến thành một nơi để trừng phạt một người, thay vì là một quốc gia có chủ quyền, có khả năng bảo vệ vùng đất của mình, bảo vệ của cải, bảo vệ chính các công dân của mình. Trước tình hình cực kỳ khó khăn và nguy hiểm này, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện sự tiết chế, thể hiện sự khôn ngoan, hành động một cách hợp lý và ngồi vào bàn đàm phán để đối thoại và tìm kiếm sự thông cảm lẫn nhau để đất nước này có thể tránh được những hậu quả không thể tưởng tượng được”.
“Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Toàn Năng để Ngài ban cho Iraq và khu vực hòa bình, sự ổn định, an toàn, ‘cuộc sống bình thường’ mà chúng ta mong ước”.
Tất cả chúng ta đều khao khát hòa bình
Đức Giám mục phụ tá Tòa Thượng Phụ Babylon, Đức Cha Mar Shlemon Warduni, đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News rằng một cuộc chiến mới tại Iraq sẽ là một điều khủng khiếp đối với dân chúng và cộng đồng Kitô giáo. Chính những người dân yếu đuối nhất là những người phải chịu đựng hậu quả của xung đột vũ trang, Đức Cha Warduni nói.
Hôm Chúa nhật 5/1, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã cầu nguyện và đưa ra lời kêu gọi hòa bình trong một dòng Tweet: “Chúng ta phải tin rằng những người khác cũng cần hòa bình giống như chúng ta. Hòa bình sẽ không có được trừ khi nó được hy vọng. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta món quà hòa bình!”.
Minh Tuệ (theo Vatican News)