Baghdad (AsiaNews) – Trong trường hợp khẩn cấp coronavirus, thậm chí ngay cả ở Iraq “đã có những tình tiết về tinh thần tương trợ và liên đới tuyệt vời giữa các Kitô hữu và những người Hồi giáo”, trạng thái về “sự gần gũi giữa xã hội và nhân văn” đã trở thành hiện thực “theo nhiều cách: trong cùng một khu phố, một người giàu hơn phân phát các túi thực phẩm cho những người nghèo khó túng thiếu”.
Trên đây là những gì Đức Thượng Phụ Chaldean, Đức Hồng y Louis Raphael Sako, phát biểu với AsiaNews, kể lại tình hình tại quốc gia Ả Rập trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cho đến nay đã gây ra gần 1700 ca nhiễm vi rút và 83 nạn nhân chính thức. “Ngay cả Giáo hội Iraq – Đức Hồng y Sako cho biết thêm – đã nỗ lực làm việc bằng cách quyên góp 90 nghìn đô la, phân phát cho các Giáo xứ khác nhau và các anh em Linh mục dùng để giúp đỡ tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo”.
Sự viện trợ và tinh thần liên đới, trong những tuần lễ này, luôn đi đôi với nhau. “Thậm chí ngay cả một số Đền thờ Hồi giáo và các tín đồ Hồi giáo – Đức Hồng y Sako nói – đang giúp đỡ và công việc của họ đã mang lại lợi ích cho nhiều anh chị em Kitô hữu. Trong trường hợp khẩn cấp, khi một người đến yêu cầu sự giúp đỡ, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào”.
Ngài chia sẻ thêm: “Việc viện trợ cũng giúp cho việc quay trở lại với tôn giáo, hay đúng hơn là đức tin … Cần phải có Thiên Chúa, cần phải có sự trợ giúp siêu nhiên, cần có một lý do về ý nghĩa của cuộc sống và thế giới. Điều này cũng thúc đẩy một sự chuyển đổi, quay trở lại với các giá trị tâm linh”.
Mặc dù chính phủ Baghdad đã nới lỏng một số biện pháp phong tỏa, nhưng vẫn còn nỗi sợ hãi lan rộng trong người dân, những người sợ hãi đi ra ngoài. Trên thực tế, Đức Hồng y Sako nói, “nhiều người không tôn trọng luật pháp, nhưng theo bản năng và họ ở nhà, sử dụng internet và điện thoại di động để giữ liên lạc, theo dõi tin tức, theo dõi các buổi cử hành phụng vụ chẳng hạn như các Thánh lễ mà chúng tôi cử hành vào mỗi tối và truyền tải trên trang Facebook của Tòa Thượng Phụ Chaldean”.
Hàng ngàn gia đình kết nối và theo dõi Thánh lễ. “Các gia đình – Đức Hồng y Sako giải thích – đã trở thành các Giáo hội tại gia thực sự, đời sống tâm linh đã được củng cố cũng như mối dây liên kết với những người Chaldean thuộc cộng đồng người di cư”. Vào dịp lễ Phục sinh, các hệ thống và mạng xã hội đã có thể giữ mối quan hệ với các cộng đồng trên khắp đất nước, trong giai đoạn cần phải thực hiện các biện pháp hạn chế và giữ khoảng cách “bởi vì virus không có ranh giới, ngay cả khi khí hậu hoặc các yếu tố khác có thể giúp ích trong việc hạn chế sự lây nhiễm vi rút”.
“Nhân dịp lễ Phục sinh – Đức Hồng y Sako tâm sự – chúng tôi đã nhận được rất nhiều những lá thư và thông điệp về những lời chúc tốt đẹp, bao gồm từ các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính quyền Hồi giáo, bao gồm cả Tổng thống Iraq và tân Thủ tướng. Trong số rất nhiều lời chúc mừng, một điều đã khiến tôi vô cùng ấn tượng theo một cách đặc biệt: một nhà chức trách tôn giáo Hồi giáo đã sử dụng từ ‘Lễ Phục Sinh’ và nói với tôi rằng ‘Chúa Kitô đã sống lại’. Tôi đã rất ấn tượng”.
Trường hợp khẩn cấp coronavirus “sẽ thay đổi thực tế, chúng ta sẽ phải tìm kiếm một trật tự mới, tăng cường tinh thần liên đới và tôn trọng cuộc sống, chăm sóc môi trường và chống lại tình trạng ô nhiễm, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”, Đức Thượng Phụ Chaldean tiếp tục.
“Tôi tin chắc – Đức Hồng y Sako cho biết thêm – rằng trong tương lai sẽ không còn các cuộc chiến giữ các tôn giáo hay các nền văn minh nữa, mà là cuộc xung đột với bản chất kinh tế ngày càng gia tăng”. Đó là lý do tại sao “sự công bằng xã hội lớn hơn, sự bình đẳng giữa các quốc gia sẽ là vô cùng cần thiết, người nghèo không còn có thể bị lãng quên. Trật tự thế giới mà Mỹ mong muốn vào đầu những năm 2000 đã kết thúc”.
Cuối cùng, Đức Hồng y Sako đã phát biểu với những người Hồi giáo nhân dịp khai mạc (hôm 23/4 tại Iraq) tháng Ramadan, tháng linh thiêng của việc ăn chay và cầu nguyện Hồi giáo. “Tôn giáo mang một thông điệp, nó xuất phát từ Thiên Chúa và trọng tâm đó là con người phải sống trong sự tôn trọng và phẩm giá. Đã quá đủ các cuộc đụng độ bạo lực và bè phái, một xã hội xứng đáng với phẩm giá của mọi công dân phải được xây dựng. Đây là thời điểm của tình yêu và lòng thương xót, chứ không phải là bạo lực. Các Kitô hữu, các tín đồ Do Thái và Hồi giáo … thông điệp tôn giáo không chỉ dành cho một nhóm cụ thể mà còn dành cho tất cả mọi người, mỗi con người phải sống đời sống tâm linh của cá nhân mình với Thiên Chúa”.
Minh Tuệ (theo Asia News)