Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa đã hoan nghênh việc Hamas trả tự do cho một số con tin và việc Israel thả các tù nhân Palestine tương ứng là bước đầu tiên hướng tới sự kết thúc cuộc chiến ở Thánh địa, đồng thời kêu gọi đối thoại liên tôn và các quan điểm chính trị mới cho Gaza.
Việc trả tự do cho một số con tin là bước đầu tiên hướng tới sự kết thúc của cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas.
Đức Thượng Phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, đã đưa ra phản ứng đó trước diễn biến này, trong cuộc phỏng vấn sau đây với Vatican News.
Đức Hồng Y bình luận thế nào về tin tức trong những giờ vừa qua?
Việc đạt được thỏa thuận về việc trả tự do cho ít nhất một số con tin là điều tích cực, bởi vì cho đến nay kênh liên lạc duy nhất là quân sự.
Thay vào đó, bằng cách này, bước đầu tiên đã được thực hiện nhằm giảm bớt sự căng thẳng cả trong nước lẫn quốc tế. Đó cũng là một cách để bắt đầu thực hiện các giải pháp khác ngoài giải pháp quân sự: ý tôi là các giải pháp nhằm chấm dứt xung đột.
Đã có những phản ứng khác nhau trước tin tức về việc trả tự do cho các con tin, chắc chắn là hài lòng. Nhưng cũng có một số nhà bình luận tin rằng, trên thực tế, bản thân cuộc đàm phán đã thể hiện sự thất bại theo một cách nào đó…
Những người – hãy gọi họ là “những kẻ diều hâu, những người ủng hộ chính sách hiếu chiến” – muốn đồng nhất hòa bình với chiến thắng có thể nghĩ như vậy.
Nhưng hòa bình, giải pháp cho cuộc xung đột, không thể là một chiến thắng tuyệt đối. Nó không tồn tại. Vì vậy, rõ ràng giải pháp không thể chỉ giao cho quân đội.
Rõ ràng là chính trị phải nắm quyền kiểm soát tình hình, trên hết là đưa ra những quan điểm, bởi vì quân đội không có những quan điểm như vậy. Do đó, rõ ràng rằng các cuộc đàm phán và trả tự do cho các con tin là những bước đầu tiên để bắt đầu con đường triển vọng chính trị cho Gaza sau cuộc chiến này. Đây là những gì cần thiết.
Chúng ta đã nghe tin rằng những người phải di tản ở phía bắc Gaza đang cố gắng quay trở lại nơi mà tôi tưởng tượng trong hầu hết các trường hợp là những ngôi nhà đã bị phá hủy. Điều đó có nghĩa là gì?
Theo như tôi có thể hiểu, khả năng này vẫn chưa tồn tại. Một số người muốn quay trở lại vì tình hình, ngay cả ở phía nam Gaza, nơi có hàng triệu người đông đúc, không hề dễ dàng.
Vì thế họ muốn thoát ra khỏi đó; tôi hiểu điều đó rất rõ. Ngay cả những Kitô hữu của chúng ta đang bị tù túng trong khuôn viên nhà thờ nhỏ bé đó cũng khó có thể chịu đựng được nữa.
Nhưng chừng nào vẫn chưa có quan điểm chính trị rõ ràng hay sự rõ ràng về các giai đoạn tiếp theo thì điều này vẫn không thể thực hiện được và còn có thể gây nguy hiểm.
Làm thế nào chủ nghĩa khủng bố có thể bị đánh bại? Làm sao một ý thức hệ như Hamas có thể bị đánh bại?
Điều đó quả không dễ. Cần phải loại bỏ, từng chút một, một cách kiên nhẫn – phải mất một thời gian dài – mọi thứ nuôi dưỡng ý thức hệ đó. Vì vậy, chúng ta phải loại bỏ tận gốc rễ. Việc cắt cành là vô ích vì chúng có thể mọc lại.
Trước hết, chúng ta phải cho người Palestine một góc nhìn. Tôi đã nói điều này và tôi biết rằng nó không làm hài lòng nhiều người: phải trao cho họ một tầm nhìn quốc gia, điều mà họ vẫn chưa có.
Cuộc chiến này là minh chứng rất rõ ràng cho thấy hai dân tộc không thể cùng tồn tại, ít nhất là vào thời điểm này. Họ sẽ phải có những triển vọng rõ ràng, xác định và chính xác, nhiều hơn những gì đã làm được cho đến nay.
Sau đó còn có một khía cạnh khác. Hamas cũng là một ý thức hệ tôn giáo. Vì vậy, đối thoại liên tôn là rất quan trọng, cũng như việc nuôi dưỡng một diễn ngôn tôn giáo không tập trung vào sự hận thù cũng rất quan trọng.
Chúng ta có thể làm gì với tư cách là những Kitô hữu, nhưng nói chung là những người, mặc dù sống xa những nơi đó, nhưng vẫn cảm thấy gần gũi với họ, bởi vì đó là nơi diễn ra cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu? Có thể làm gì ở cấp độ dư luận?
Trước hết, các tín hữu có thể cầu nguyện, đó là điều đầu tiên phải làm. Sau đó, cũng có một nhu cầu hỗ trợ thực sự, thậm chí mang tính nhân đạo.
Một khía cạnh quan trọng khác: Tôi nhận thấy rằng trên thế giới đã có sự chia rẽ mạnh mẽ, người này chống lại người kia. Gần như không thể yêu được cả hai bên.
Tôi tin rằng điều quan trọng là, với tư cách là Kitô hữu, phải rõ ràng trong phát ngôn nhưng không loại trừ.
Tôn trọng sự thật, đồng thời cố gắng giữ mối quan hệ cởi mở với mọi người và nói với mọi người, cả hai bên, rằng chúng ta yêu họ.
Minh Tuệ (theo Vatican News)