Tại một cuộc họp báo với tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN), Đức Thượng phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem, Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, nhấn mạnh ấn tượng của ngài rằng “trong những tuần hoặc tháng tới, chúng tôi sẽ đạt được một số sự thỏa hiệp”.
Các cuộc không kích của Israel vẫn tiếp tục tàn phá Dải Gaza. Ít nhất 35 người Palestine đã thiệt mạng, bao gồm 12 xe cứu thương và nhân viên y tế vào ngày 12 tháng 12. Giữa bối cảnh xung đột, Đức Thượng phụ nghi lễ La tinh của Giêrusalem bày tỏ sự tin tưởng rằng bạo lực sắp kết thúc.
Đỉnh điểm của cuộc chiến đã qua rồi
“Tôi nghĩ rằng đỉnh điểm của cuộc chiến ở Gaza đã qua rồi”, Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa phát biểu tại một cuộc họp báo do tổ chức ACN tổ chức. Ngài lập luận rằng lệnh ngừng bắn được thiết lập giữa Hezbollah và Israel có tác động đến Gaza và Hamas. Đức Thượng phụ Pizzaballa giải thích cảm tưởng của ngài là “trong những tuần hoặc tháng tới, chúng ta sẽ đạt được một số thỏa hiệp”.
Vào ngày 27 tháng 11, Israel và Lebanon đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau 14 tháng xung đột. Cả hai bên kể từ đó đều lập luận rằng bên kia đã vi phạm thỏa thuận. Ngay cả khi lệnh ngừng bắn mong manh này kéo dài và mở rộng đến Dải Gaza, Hồng y Pizzaballa giải thích rằng việc chấm dứt các cuộc tấn công quân sự không có nghĩa là chấm dứt xung đột.
Đức Thượng phụ Pizzaballa đặt vấn đề: “Khi chiến dịch quân sự kết thúc, cuộc sống ở Gaza sẽ như thế nào? Ai sẽ ở đó?”. Ngài nhấn mạnh rằng sẽ mất nhiều năm để bắt đầu xây dựng lại cộng đồng và cuộc sống cho người Palestine. “Tôi chắc chắn rằng biên giới với Israel sẽ vẫn đóng, vậy tương lai của những người này sẽ ra sao?”.
Những bận tâm tâm lâu dài
Một trong những mối bận tâm mà Đức Hồng y Pizzaballa đã nêu ra là mức độ cúa sự ngờ vực và thù hận ở Thánh địa—từ phát ngôn thù hận đến việc phủ nhận lẫn nhau. So với các cuộc chiến tranh và xung đột khác, Đức Thượng phụ Pizzaballa lập luận rằng cuộc chiến này khác biệt. Có một thời điểm trước và sau ngày 7 tháng 10 và “hình thức bạo lực đã diễn ra, và tác động về mặt cảm xúc đối với các nhóm dân cư tương ứng là rất lớn”.
Khi xung đột kết thúc, đó sẽ không phải là một giải pháp đơn giản. “Chúng ta có thể xây dựng lại cơ sở hạ tầng”, Đức Thượng phụ Pizzaballa nói, “nhưng làm sao chúng ta có thể xây dựng lại các mối quan hệ?”. Đối với các Kitô hữu, chiếm 1,5% dân số tại Thánh địa, Đức Hồng y Pizzaballa mô tả vị thế của họ là “đặc quyền” vì họ có “quyền tự do kết nối với mọi người”.
Hy vọng khi đối mặt với xung đột
Tuy nhiên, cuộc sống ở Thánh địa trong bối cảnh xung đột không hề dễ dàng đối với các Kitô hữu. Hầu như tất cả các Kitô hữu làm việc tại Israel đều bị thu hồi giấy phép sau ngày 7 tháng 10 năm 2023. Đức Thượng phụ Pizzaballa đã nhấn mạnh sự cần thiết cần phải giữ các Kitô hữu ở lại Thánh địa để “giữ cho ký ức về Chúa Giêsu luôn sống động nơi vùng đất của Chúa Giêsu”.
Tuy nhiên, Đức Hồng y Pizzaballa cảnh báo rằng hy vọng về tương lai không nên gắn liền với giải pháp chính trị vì “không có giải pháp ngắn hạn nào”. Ngài giải thích rằng hy vọng gắn liền với đức tin. Ngài nhấn mạnh rằng đây không chỉ là “những lời nói hay, mà là sự thật. Ở khắp mọi nơi, từ Gaza đến Bờ Tây, Giêrusalem và Israel”. Đức Thượng phụ Pizzaballa mô tả cảnh mọi người “cam kết làm điều gì đó cho người khác”. Mặc dù những hành động nhỏ này có thể không thay đổi được tình hình chính trị, nhưng Đức Hồng y Pizzaballa cho biết “Có hy vọng” vì điều đó có nghĩa là “chúng ta có thể thay đổi điều gì đó ở nơi chúng ta đang sống”.
Thiên Ân (theo Vatican News)