Hòa cùng lời kêu gọi hòa bình của Đức Thánh cha Lêô xIV, Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem, mời gọi cộng đoàn Kitô hữu “nỗ lực làm mọi điều có thể để đem lại sự trợ giúp” cho những người đang đau khổ tại Dải Gaza.

Đức Thượng phụ Pizzaballa tham gia cuộc rước vào Chúa Nhật Lễ Lá trên con đường nhìn ra Núi Ô-liu ở Giêrusalem (Ảnh: AFP)
Hòa bình một lần nữa là từ khóa của ngày Chúa nhật, 18 tháng 5. Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem, đã cất lên tiếng nói hòa nhịp với Đức Thánh Cha Lêô XIV, người trong bài giảng và lời chào trong giờ KInh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng đã tha thiết kêu gọi chấm dứt bạo lực nơi những vùng đất đang bị chiến tranh tàn phá.
Câu trả lời là: ‘Hòa bình đến từ Đức Kitô’
“Câu trả lời là hòa bình”, Đức Thượng phụ Pizzaballa nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin SIR. Nhưng ngài cũng lưu ý rằng hòa bình mà thế giới cần không phải là “một nền hòa bình mang tính chính trị hay đơn thuần chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh”. Thay vào đó, nền hòa bình duy nhất có thể cứu giúp thế giới đang bị giày xéo bởi xung đột, chia rẽ và thù hận, chính là hòa bình “đến từ Đức Kitô”.
Đức Thượng phụ nghi lễ latinh tại Giêrusalem đã suy tư về bài giảng của Đức Thánh Cha Lêô trong Thánh lễ Khai mạc Sứ vụ Phêrô, khi ngài nhắc lại lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?”. Đức Thượng phụ cho rằng câu hỏi ấy trở thành “khuôn mẫu của đời sống Kitô hữu, mà hoa trái của nó chính là hòa bình”.

Đức Thượng phụ nghi lễ La tinh tại Giêrusalem phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở Tòa Thượng phụ ở thành phố cổ Giêrusalem (Ảnh: Vatican News)
Ngài giải thích rằng nếu một người yêu mến Thiên Chúa và người lân cận, thì hòa bình sẽ đến cách tự nhiên. Và thứ hòa bình này, theo Đức Thượng phụ Pizzaballa, chính là “điều mà tất cả chúng ta đang mong ước, ở khắp nơi trên thế giới, nhưng cách riêng là tại Thánh Địa”.
Một khái niệm trừu tượng?
Đức Thượng phụ Pizzaballa chỉ ra rằng gần đây, từ “hòa bình” đã được lặp lại rất nhiều lần. Đối với nhiều người, nhất là những ai đang sống giữa các vùng đất bị xung đột tàn phá, khái niệm “tình bác ái huynh đệ” là điều khó có thể chấp nhận. Đức Thượng phụ Pizzaballa nói rằng điều đó “có vẻ như trừu tượng, xa rời thực tế”.
Tuy vậy, ngài nhận định sứ điệp của Đức Thánh Cha là “lời mời gọi gửi đến toàn thể cộng đoàn Kitô hữu—và tôi đặc biệt nghĩ đến chính cộng đoàn của chúng tôi”—hãy luôn duy trì sự hiệp nhất. Ngài kêu gọi tình liên đới này phải xuất phát từ lòng mến Đức Kitô, “chứ không phải từ sự sợ hãi người khác”. Chính tình yêu ấy có thể khơi lên một phản ứng dây chuyền, ngay cả trong đời sống công cộng.
Hướng về Gaza
Trong lời huấn từ trong giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã nói đến “những trẻ em, gia đình và người cao tuổi sống sót” đang chết đói vì không có cứu trợ nhân đạo được đưa vào vùng đất bị phong tỏa. Trước thực trạng ấy, Đức Thượng phụ Pizzaballa nhấn mạnh rằng “chúng ta không có quyền buông xuôi hay đứng yên bất động”.
Ngài quả quyết rằng tất cả chúng ta đều có bổn phận trợ giúp các Kitô hữu địa phương, và đưa ra một chỉ dẫn rõ ràng: “Chúng ta phải nỗ lực làm mọi điều có thể để mang lại sự trợ giúp”.
Thiên Ân (theo Vatican News)