Khi cuộc chiến hiện tại ở Gaza sắp kéo dài một năm và có rất ít triển vọng đáng tin cậy về hòa bình trong thời gian ngắn, vị Thượng Phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem đã kêu gọi các Kitô hữu tiếp tục ở lại và đồng thời kêu gọi cầu nguyện trong bối cảnh mà ngài gọi là một tình huống “không thể chấp nhận được một cách khách quan”.
Phát biểu trong một thông điệp video gửi tới các Giáo xứ Công giáo ở Thánh Địa được công bố vào ngày 22 tháng 7, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng Phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem, người Ý, thừa nhận rằng “cuộc sống ở đây cực kỳ khó khăn” và “Thánh Địa không phải lúc nào cũng là một nơi dễ sống”.
“Đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh này, tình hình trở nên kịch tính hơn, khó khăn hơn đối với tất cả mọi người và có rất nhiều thách thức”, Đức Hồng Y Pizzaballa nói, đồng thời lưu ý rằng tình hình đang đặc biệt khó khăn đối với các gia đình, những người có con cái và những người muốn phát triển gia đình của họ.
Trong tình hình hiện tại, một sự cám dỗ phổ biến là rời đi và tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở nơi khác, Đức Hồng Y Pizzaballa nói, “vâng, có lẽ sẽ ít phức tạp hơn nếu rời đi, sống cuộc sống của chúng ta ở một nơi khác, nhưng chúng ta nhận được một lời mời gọi với tư cách là Kitô hữu sống ở vùng đất này, để đóng góp, xây dựng tương lai của chúng ta ở vùng đất này”.
“Chúng ta không thể bỏ cuộc, luôn có hy vọng, và hy vọng không đến từ bên ngoài”, Đức Hồng Y Pizzaballa nói, đồng thời cho biết hy vọng là thứ xuất phát “từ trái tim chúng ta, và tôi chắc chắn rằng nếu chúng ta cùng nhau đoàn kết, thì chúng ta có thể vẫn cho con cái chúng ta lý do để hy vọng vào tương lai”.
Chiến tranh Gaza bùng nổ cách đây gần một năm trước, khi lực lượng Israel trả đũa cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7 tháng 10 của Hamas khiến khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường, thiệt mạng và khoảng 250 người khác bị bắt giữu làm con tin. Vào thời điểm đó, Israel cam kết lật đổ Hamas khỏi quyền lực và cuộc tấn công quân sự của họ sẽ không kết thúc cho đến khi đạt được mục tiêu đó.
Cho đến nay, ước tính có khoảng 40.000 người đã thiệt mạng trong chiến tranh, hầu hết là dân thường, cũng như các nhà báo và nhân viên cứu trợ.
Giáo xứ và trường học Công giáo Thánh Gia tại Gaza đã trở thành ngôi nhà của gần 600 người đã trú ẩn ở đó trong nhiều tháng, vì bom đã phá hủy nhà ở và cơ sở hạ tầng xung quanh.
Người dân Gaza nhìn chung đang bị suy dinh dưỡng do thiếu lương thực, nước uống và khó tiếp cận viện trợ nhân đạo, khiến nhiều người trong cộng đồng quốc tế cảnh báo họ có thể sớm đứng trước bờ vực của nạn đói.
Đức Hồng Y Pizzaballa gần đây đã kết thúc chuyến viếng thăm Ireland từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 7, nơi ngài đã được Cha Bill Kemmy thay mặt Hội đồng Giám mục Công giáo Ireland tại Ireland phỏng vấn về tình trạng hiện tại của Gaza và Giáo xứ Công giáo ở đây, chuyến viếng thăm của ngài tới Gaza vào tháng 5, và tầm quan trọng của việc duy trì hy vọng.
Trong cuộc phỏng vấn phát sóng vào ngày 21 tháng 7, Đức Hồng Y Pizzaballa đã được hỏi về mô tả gần đây về tình hình ở Gaza là “không thể chấp nhận được một cách khách quan”.
“Thực tế rất rõ ràng về những gì đang diễn ra”, Đức Hồng Y Pizzaballa nói, đồng thời cho biết những gì đã xảy ra với Israel vào tháng 10 năm ngoái “về mặt khách quan là không thể chấp nhận được, cũng như những gì đang diễn ra ở Gaza”.
Theo Đức Hồng Y Pizzaballa, ngoài khoảng 40.000 người thương vong, khoảng 80% ngôi nhà ở Gaza đã bị phá hủy và nhiều người đang trên bờ vực chết đói.
“Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta xảy ra chiến tranh, nhưng chúng ta chưa bao giờ thấy người dân chết đói như chúng ta đang thấy (bây giờ). Tỷ lệ bạo lực mà chúng ta đang chứng kiến là điều vượt xa mọi sự hiểu biết”, Đức Hồng Y Pizzaballa nói.
Nhắc lại chuyến viếng thăm Gaza vào tháng 5, Đức Hồng Y Pizzaballa cho biết ngài đã xem những bức ảnh trước khi đi, “nhưng khi bạn bước vào bên trong, ấn tượng hoàn toàn khác, bởi vì cảnh tượng hoàn toàn khác”.
“Chẳng còn đường sá, chúng tôi phải đi qua những núi rác hoặc những đống đổ nát, và bạn thấy người dân sống trong những đống đổ nát này”, Đức Hồng Y Pizzaballa nói, và đồng thời cho biết rằng cảnh tượng trẻ em sống trong điều kiện này “tác động cực kỳ mạnh mẽ đến bạn”.
Về những nhu cầu cơ bản, Đức Hồng Y Pizzaballa cho biết “không có gì hoạt động” và không có điện, ga, nước, nước thải hay phương tiện liên lạc, “vì vậy bạn sống trong điều kiện cực kỳ tồi tệ”.
Những Kitô hữu sống trong khuôn viên nhà thờ, Đức Hồng Y Pizzaballa nói, “đã mất tất cả” và đang phải ngủ trong các lớp học với tấm chăn ngăn cách gia đình này với gia đình khác. Họ chỉ nấu ăn một hoặc hai lần một tuần, với lượng thực phẩm cần thiết để dùng cho cả tuần lễ.
Cũng đã nhiều tháng rồi người ta không ăn trái cây hoặc rau quả tươi, Đức Hồng Y Pizzaballa nói, “vì vậy chúng tôi thiếu vitamin một cách rõ ràng” thể hiện rõ trên khuôn mặt của mọi người.
Đức Hồng Y Pizzaballa cũng than phiền về việc thiếu thuốc men để điều trị các bệnh cơ bản như tiểu đường, và tình trạng thiếu vệ sinh tràn lan mà theo ngài đang ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến trẻ em và người già, và “Không có cách nào để hỗ trợ và giúp đỡ họ”.
Với khoảng 600.000 người ở phía bắc thành phố Gaza và không có bệnh viện nào hoạt động trong khu vực, Đức Hồng Y Pizzaballa cho biết, tình hình cực kỳ nghiêm trọng.
Đức Hồng Y Pizzaballa cũng nói về tình trạng của Giáo xứ Gaza và sự hiện diện của các Kitô hữu trong thành phố, đồng thời lưu ý rằng có khoảng 1.000 Kitô hữu, Công giáo và Chính thống, sống ở Gaza trước chiến tranh, nhưng giờ đây con số đó đã giảm xuống chỉ còn 621 Kitô hữu.
“Một số người trong số họ đã bị giết bởi bom đạn vào đầu cuộc chiến vào tháng 10, những người khác chết, bị giết hại bởi một số tay súng bắn tỉa vào tháng 12, những người khác chết vì thiếu hỗ trợ y tế, và những người khác đã cố gắng di cư khi có thể, họ đã có được visa nước ngoài để có thể rời khỏi tình huống khủng khiếp này”, Đức Hồng Y Pizzaballa nói.
Đối với những người ở lại, họ đang sống trong khuôn viên nhà thờ “trong điều kiện rất tồi tàn”, sử dụng gỗ từ đồ nội thất lấy từ đống đổ nát của những ngôi nhà gần đó để sưởi ấm và nấu ăn.
Các nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái sống trong tu viện liền kề với nhà thờ cũng hỗ trợ 60 trẻ em khuyết tật nặng, Đức Hồng Y Pizzaballa cho biết, và đồng thời lưu ý rằng một phần của tu viện đã bị xe tăng phá hủy, vì vậy một phần của Giáo xứ đã được rào lại để làm nơi trú ẩn cho các em.
“Chúng tôi đã cố gắng làm những gì có thể để giúp đỡ và hỗ trợ họ”, Đức Hồng Y Pizzaballa nói.
Khi được hỏi liệu người dân có thể duy trì hy vọng trong hoàn cảnh thảm khốc như vậy hay không và bằng cách nào, Đức Hồng Y Pizzaballa cảnh báo không nên nhầm lẫn giữa hy vọng với sự lạc quan: “Tôi không lạc quan lắm về tương lai, nhưng hy vọng là một cách sống trong cuộc sống, nơi bạn giữ Đức tin”.
“Nếu bạn có đức tin, đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa hoặc niềm tin vào điều gì khác nếu bạn không phải là tín hữu, thì điều này cũng mang đến cho bạn một công cụ để sống trong hoàn cảnh hiện tại theo một cách khác, có mục đích”, Đức Hồng Y Pizzaballa nói.
Đức tin, Đức Hồng Y Pizzaballa nói, cũng có thể mang đến cho các tín hữu sức mạnh để làm mọi thứ trong khả năng của mình nhằm thay đổi những gì họ có thể trong cuộc sống.
“Chúng ta không thể thay đổi cấp độ chính trị vĩ mô, v.v., nhưng ít nhất trong cộng đồng của chúng ta, trong mối tương quan của chúng ta với những người chúng ta gặp gỡ, phải có một thái độ khác khi bạn coi những con người khác, không hạ thấp phẩm giá của người khác”, Đức Hồng Y Pizzaballa nói.
Đức Hồng Y Pizzaballa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chú ý đến cách một người trò chuyện và nói về người khác cũng như thái độ của họ đối với người khác, nói rằng đây là chìa khóa để thúc đẩy các mối quan hệ tốt đẹp và có thể làm điều gì đó mang tính xây dựng để thay đổi.
Đức Hồng Y Pizzaballa kêu gọi các tín hữu Công giáo tiếp tục cầu nguyện cho các Kitô hữu ở Thánh Địa, đồng thời tổ chức các cuộc họp và hội nghị để thảo luận về tình hình và thông báo cho mọi người về những gì đang xảy ra “một cách quân bình”.
Nói sự thật là điều rất quan trọng …nhưng cũng không trở thành một phần của cuộc đối đầu. Chúng ta luôn phải trở nên một sự hiện diện mang tính xây dựng và thể hiện sự đồng cảm nhiều nhất có thể. Bạn không thể thay đổi hoàn cảnh, nhưng bạn có thể nói một lời đồng cảm và gần gũi với tất cả chúng tôi”, Đức Hồng Y Pizzaballa nói.
Minh Tuệ (theo Crux)