Đức Thượng Phụ Latinh Giêrusalem tái thánh hiến Thánh Địa cho Nữ Vương Palestine

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa cử hành Thánh lễ mừng ngày lễ Đức Mẹ, Nữ Vương Palestine và Thánh địa tại Đền thờ dâng kính Đức Mẹ ở Deir Rafat hôm Chúa nhật, ngày 29 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: Marinella Bandini)

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa cử hành Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ, Nữ Vương Palestine và Thánh địa, tại Đền thờ dâng kính Đức Mẹ ở Deir Rafat hôm Chúa nhật, ngày 29 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: Marinella Bandini)

Lần đầu tiên kể từ khi bùng nổ cuộc chiến giữa Israel và Hamas vào ngày 7 tháng 10, Giáo hội Công giáo tại Thánh Địa đã cùng nhau quy tụ quanh Đức Thượng phụ của mình vào ngày lễ Đức Mẹ, Nữ Vương Palestine và Thánh địa, đồng thời tái thánh hiến Giáo hội địa phương và toàn bộ vùng đất cho Mẹ.

Vào Chúa nhật, ngày 29 tháng 10, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo nghi lễ Latinh của Giêrusalem, đã chủ sự Thánh lễ tại Đền thánh dâng kính Đức Mẹ ở Deir Rafat trước sự hiện diện của hàng trăm tín hữu.

Số người tham dự tương đối nhỏ so với hàng ngàn tín hữu thường tham dự các buổi cử hành phụng vụ từ tất cả các cộng đồng rải rác khắp Israel và lãnh thổ Palestine. Tuy nhiên, hoàn cảnh lúc này đã ngăn cản việc tụ tập đông người.

Thánh lễ cũng diễn ra bên trong nhà thờ thay vì ngoài sân, nơi thường tụ tập đông người. Tâm trạng của những người có mặt là tâm trạng mừng lễ, nhưng không phải không có tâm trạng u ám: Quá nhiều anh chị em mất tích, và nhiều người đang phải chịu tổn thương ở cả hai phía trên mặt trận chiến tranh.

Đền thánh Deir Rafat nằm giữa Tel Aviv và Giêrusalem tại một trong những khu vực đặc trưng nhất của Palestine cổ đại trên biên giới của người Philistine trong Kinh Thánh, nơi diễn ra những chiến công nổi danh của Samson. Cách đó vài km là Beit Shemesh, nơi Hòm Giao Ước được người Philistine trao trả lại cho người Do Thái (1 Sm 6:1-15). Đền thờ được xây dựng bắt đầu vào năm 1925 và được khánh thành vào ngày 21 tháng 3 năm 1928 bởi Thượng phụ Giêrusalem lúc bấy giờ là Đức Thượng phụ Luigi Barlassina (1920–1947). Phía trên Đền thờ có một bức tượng Đức Mẹ lớn bằng đồng với bàn tay phải dang rộng trên Palestine, quê hương của Mẹ, như một dấu chỉ của sự che chở bảo vệ.

Chính Đức Thượng phụ Barlassina, vào ngày long trọng tiến vào Vương Cung Thánh Đường Mộ Thánh vào ngày 15 tháng 7 năm 1920, đã thánh hiến Giáo phận thuộc Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem cho Đức Trinh Nữ Maria vào thời điểm được đánh dấu bằng những căng thẳng mạnh mẽ. Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, Palestine đang bị Đế quốc Ottoman và các cường quốc Ba nước (Anh, Pháp và Nga) tranh chấp.

Cuối cùng, Palestine nằm dưới sự quảnlý của Vương quốc Anh (giai đoạn từ 1920 đến 1948 và được gọi là “Ủy trị Anh”). Nhân dịp đó, lần đầu tiên, Đức Thượng phụ Barlassina đã cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria dưới tước hiệu “Nữ Vương Palestine”. Thánh Bộ về Lễ Nghi  đã phê chuẩn tước hiệu này vào năm 1933. Tước hiệu này ám chỉ toàn bộ Thánh địa, được gọi là “Palestine” dưới sự ủy trị của Anh.

Lễ kính Đức Mẹ, Nữ Vương Palestine và là Đấng bảo trợ của Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem, được cử hành lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 8 năm 1928. Kể từ năm 1971, sau cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, lễ này được dời sang ngày 25 tháng 10, và kể từ đó, lễ này được cử hành vào Chúa Nhật cuối cùng của tháng.

“Hôm nay, chúng ta một lần nữa thánh hiến Giáo hội, Giáo phận, vùng đất của chúng ta cho Đức Mẹ, Nữ Vương Palestine”, Đức Thượng phụ Pizzaballa nói trong bài giảng. “Chúng ta đã làm điều này nhiều lần vào những thời điểm cộng đồng cần và đây là một trong những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử gần đây của chúng ta. Đó là một hành động phó thác và do đó là sự tin tưởng. Vào thời điểm này khi mọi thứ dường như tràn ngập chúng ta, chúng ta cần phó thác và trao phó cho Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ Maria tất cả những gì chúng ta ấp ủ trong lòng”.

Cuối Thánh lễ, nghi thức thánh hiến Thánh Địa cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria đã được đọc.

Đức Thượng phụ Pizzaballa đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các bài đọc trong ngày, đặc biệt là đoạn trong Kinh Magnificat, mà ngài nói, “đảo ngược quan điểm của chúng ta: Kẻ quyền thế bị hạ bệ, và kẻ khiêm nhường được nâng lên. Chúng ta nghĩ thế giới thuộc về những kẻ quyền lực, nhưng trong Kinh Magnificat, chúng ta nghe thấy tiếng nói của những người khiêm nhường. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng người hiền lành sẽ được đất hứa làm gia nghiệp, chứ không phải những kẻ phá hoại. Điều đang chờ đợi chúng ta là một thử thách. Tôi không đề cập đến sự hủy diệt về mặt thể lý mà là xây dựng lại niềm tin. Đó là lý do tại sao chúng ta cần những người nhu mì; thông qua họ, chúng ta có thể xây dựng lại và mang đến cho thế hệ tiếp theo một vùng đất tươi đẹp”.

Ngay sau Thánh lễ, cuộc cung nghinh tượng Đức Mẹ truyền thống quanh Đền thờ đã diễn ra.

Trong đoàn đồng tế còn có Linh mục chính xứ nghi lễ Latinh của Gaza, Cha Gabriel Romanelli. Khi chiến tranh nổ ra, ngài đang ở Bêlem; hiện tại ngài đang có mặt tại Giêrusalem. Tuy nhiên, Cha Romanelli vẫn không thể đoàn tụ với người dân của mình.

“Tại sao Chúa lại muốn và để tôi đi xa kể từ khi bắt đầu cuộc chiến này?”, Cha Romanelli nói với CNA. “Có lẽ vì bề ngoài nên tôi có thể phản ứng khác biệt với nhiều người… nhưng với tôi đó là một nỗi đau tột cùng cùng. Nỗi đau lớn nhất là không được kề cận với những người đang đau khổ”.

Truyền thông đến rồi đi, nhưng Cha Romanelli cố gắng giữ liên lạc gần như hàng ngày với Cha sở của mình, Cha Yusuf và các giáo dân khác. Nước mắt ngài tuôn rơi khi mô tả tình huống này.

Hiện tại, khoảng 700 người – gần như tất cả các Kitô hữu ở Gaza – đã tìm được nơi ẩn náu trong khuôn viên của Giáo xứ nghi lễ Latinh và trường học lân cận, “nhưng mọi thứ xung quanh đều bị phá hủy”, Cha Romanelli nói.

Hơn 8.000 người được cho là đã chết ở Dải Gaza kể từ khi bắt đầu xung đột và khoảng 20.000 người bị thương. Sau những vụ đánh bom gần đây, “nhiều người vẫn đang nằm dưới đống đổ nát”, Cha Romanelli nói. “Đối với hàng trăm người, thậm chí còn không thể nhận dạng được thi thể của họ”.

Mỗi ngày, các Kitô hữu cử hành Thánh lễ và cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ thực phẩm và những nhu yếu phẩm thiết yếu, mặc dù những thứ này đang bắt đầu cạn kiệt.

“Mối nguy hiểm là có thật, nhưng họ tin tưởng rằng Đức Mẹ và Chúa Giêsu sẽ chở che họ khỏi mọi tổn hại”, Cha Romanelli nói. “Họ cầu nguyện cho hòa bình, sự bình an cho tất cả mọi người, và cầu nguyện để các vụ đánh bom mau chấm dứt. Điều đó là khả thi, điều đó có thể được thực hiện!”.

Dưới đây là một số hình ảnh:

our-lady-palestine-03 our-lady-palestine-04 our-lady-palestine-09 our-lady-palestine-12 our-lady-palestine-16 our-lady-palestine-24 our-lady-palestine-26 our-lady-palestine-34 our-lady-palestine-40 our-lady-palestine-45 our-lady-palestine-52 our-lady-palestine-54 our-lady-palestine-60 our-lady-palestine-63 our-lady-palestine-64

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết