Công đồng Vatican II được thế giới Chính thống giáo hết sức quan tâm, Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew Tòa Thượng phụ Constantinople đã viết trong một bài báo được đăng trên tờ báo của Vatican.
Bài báo được xuất bản vào ngày 11 tháng 10 đánh dấu kỷ niệm ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Công đồng Vatican II vào ngày 11 tháng 10 năm 1962, mở đầu cho những cải cách quan trọng đối với Giáo hội, cơ cấu, phụng vụ và mối tương quan của Giáo hội với các Kitô hữu khác và các tôn giáo khác.
Chỉ sau ba tháng với tư cách là Giáo hoàng, Thánh Gioan XXIII đã tuyên bố Ngài sẽ triệu tập Công đồng, nói về sự cần thiết phải cập nhật hóa Giáo hội và đồng thời thúc đẩy tinh thần hiệp nhất Kitô giáo.
Khi Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đưa ra thông báo, Đức Thượng phụ Bartholomew viết, “niềm hy vọng đã nảy sinh trong thế giới Chính thống giáo, đặc biệt là nơi Đức Thượng phụ Athenagoras tiền nhiệm đáng kính của chúng tôi”, rằng sự kiện này có thể tìm ra những cách thức mới hướng tới sự hiệp nhất Kitô giáo.
Tuy nhiên, có “một chút thất vọng nhất định” khi biết rằng cuộc tụ họp chỉ liên quan đến Giáo hội Công giáo La Mã, Đức Thượng phụ Bartholomew viết.
Các Giáo hội Chính thống đã được mời cử quan sát viên đến tham dự Công đồng và không có quyền biểu quyết. Mãi cho đến khi Thánh Phaolô VI gặp gỡ Đức Thượng phụ Athenagoras trong cuộc hành hương đến Giêrusalem vào năm 1964, các quan sát viên đại diện cho Tòa Thượng phụ Đại kết mới được cử tham dự hai phiên họp chung kết của Công đồng.
Nhiều vấn đề mà Công đồng đã đề cập “khơi dậy sự quan tâm sâu sắc” trong Chính thống giáo, Đức Thượng phụ Bartholomew viết. Nhưng điều có vẻ quan trọng nhất là “Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh và lời kêu gọi đối với truyền thống”, không phải như một số di tích từ quá khứ, “mà là một biểu hiện sống động của Giáo hội” và “việc quay trở lại những cội nguồn cổ xưa nhất của các nghi thức Phụng vụ khác nhau của Giáo hội”.
Đức Thượng phụ Bartholomew viết rằng Thánh Gioan XXIII “yêu mến phụng vụ, như là hình thức cầu nguyện cao nhất của Giáo; phụng vụ là dấu chỉ của sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, và giữa nhân loại với Thiên Chúa. Trong mọi nghi thức của phụng vụ, chúng ta nhận thấy đâu là điều hợp nhất trên tất cả mọi thứ và cho mọi thứ”.
“Công đồng Vatican II đã khôi phục tính trung tâm này cho phụng vụ Rôma”, Đức Thượng phụ Bartholomew viết.
Tất cả mọi Kitô hữu ngày nay có “bổn phận nỗ lực làm việc để tìm kiếm sự hiệp nhất của chúng ta trong cùng một tấm bánh và một Chén thánh, đó chính là Đức Kitô…‘Đấng được bẻ ra nhưng không bị chia rẽ; luôn luôn được hưởng dùng, nhưng không bao giờ hư hao, nhưng thánh hóa những người dự phần’”, Đức Thượng phụ Bartholomew viết, trích lời Thánh Gioan Chrysostom.
Minh Tuệ (theo Crux)