Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem lên án hành động quân sự của Israel

Đức Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem Pierbattista Pizzaballa

Đức Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem Pierbattista Pizzaballa.

Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem đã lên án chính phủ Israel và đồng thời kêu gọi hòa bình và đối thoại giữa hai bên sau khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiến hành các cuộc tấn công trên không và trên bộ vào trại tị nạn Jenin ở Bờ Tây của Palestine.

Các binh sĩ IDF đã tiến hành một chiến dịch quân sự kéo dài 48 giờ bắt đầu từ thứ Hai, ngày 3 tháng 7, nhằm phá hủy “cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa khủng bố”, theo một tuyên bố của IDF.

Các cuộc tấn công đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ vị thành niên. Hơn 100 người khác phải nhập viện và ít nhất 20 người đang trong tình trạng nguy kịch. Cuộc tấn công quân sự cũng phá hủy nhà cửa, các tòa nhà và đường xá trong trại tập trung, đồng thời lấy đi nguồn cung cấp nước và lưới điện ở hầu hết trại tị nạn. Hàng ngàn người Palestine đã chạy trốn khỏi cuộc tấn công.

Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa, người có thẩm quyền đối với các tín hữu Công giáo theo nghi lễ Rôma ở Israel, Palestine và Jordan, đã lên án chiến dịch quân sự và đồng thời than phiền về những thiệt hại đối với Giáo xứ Công giáo La Mã ở Jenin.

“Trong hai ngày qua, thành phố Jenin đã phải hứng chịu sự gây hấn chưa từng có của Israel, điều này cũng gây ra nhiều thiệt hại cho Giáo xứ Công giáo nghi lễ Latinh của chúng tôi ở Jenin”, Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa cho biết trong một tuyên bố trên Twitter. “Chúng tôi lên án hành vi bạo lực này, yêu cầu ngừng bắn và hy vọng theo đuổi hòa bình và đối thoại nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công phi lý khác trong tương lai nhằm vào người dân”.

Các Bác sĩ Không Biên giới’, tổ chức đang hỗ trợ y tế cho những người bị thương, báo cáo rằng nhiều vết thương bao gồm những vết thương do đạn và mảnh đạn. Tổ chức này cũng cho biết việc phá hủy các con đường đang gây khó khăn cho việc chăm sóc và cáo buộc IDF vì đã bắn hơi cay vào một bệnh viện khiến bệnh viện này không thể hoạt động vào tối ngày 4 tháng 7.

“Phòng Cấp cứu hiện không thể sử dụng được, nó hoàn toàn chìm ngập trong khói, cũng như phần còn lại của bệnh viện”, tuyên bố cho biết. “Những người cần điều trị không thể được điều trị trong phòng cấp cứu và chúng tôi phải điều trị cho những người bị thương trong sảnh chính trên tầng”.

Cuộc tấn công vào ngày 3 và 4 tháng 7 vào trại tị nạn Jenin, nơi sinh sống của khoảng 11.000 người Palestine, là cuộc tấn công lớn nhất của Israel vào Bờ Tây kể từ đầu những năm 2000.

Theo IDF, trại tị nạn bị bao vây bởi các thiết bị nổ tự chế (IED), “nhắm vào các phương tiện của IDF và những người ngoài cuộc vô tội”. IDF đã sử dụng máy ủi được thiết kế đặc biệt để phá hủy IED. IDF cũng cho biết họ đã tịch thu các vũ khí khác mà họ nói sẽ được sử dụng để tấn công dân thường Israel.

IDF cũng tuyên bố rằng họ đang chiến đấu với “các nhóm khủng bố được trang bị vũ khí hạng nặng” và không có người không tham chiến nào thiệt mạng trong cuộc đột kích.

“Khi chúng tôi nói rằng chúng tôi nỗ lực hết sức để bảo vệ dân thường và chỉ nhắm mục tiêu vào những kẻ khủng bố – chúng tôi có ý như vậy”, theo một tuyên bố của IDF sau các cuộc tấn công.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Türk cho biết trong một tuyên bố rằng “việc sử dụng các cuộc không kích lặp đi lặp lại, cùng với việc phá hủy tài sản, làm nảy sinh một loạt những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến các chuẩn mực và quy tắc nhân quyền quốc tế, bao gồm cả việc bảo vệ và tôn trọng quyền được sống”. Ông Volker Türk cũng cho biết thêm rằng việc sử dụng các cuộc không kích là không phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan đến các hoạt động thực thi pháp luật.

“Trong bối cảnh bị chiếm đóng, những cái chết do các cuộc không kích như vậy cũng có thể dẫn đến những vụ giết người có chủ ý”, ông Türk nói. “Các hoạt động của lực lượng Israel ở Bờ Tây bị chiếm đóng cần tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế về việc sử dụng vũ lực; các tiêu chuẩn này không thay đổi chỉ vì mục tiêu của hoạt động được nêu là ‘chống khủng bố’”.

Trại tị nạn này được thành lập vào năm 1953 để làm nơi trú ẩn cho những người Palestine phải di tản sau cuộc chiến tranh Palestine vào năm 1948 dẫn đến việc thành lập Nhà nước Israel và buộc hầu hết người Palestine phải di tản sang Bờ Tây và Dải Gaza. Cuộc chiến đã khiến hàng trăm ngàn người Palestine phải rời bỏ nhà cửa. Cả hai khu vực hiện đang bị chiếm đóng bởi Israel, vốn không công nhận tư cách nhà nước độc lập của họ.

Đức Thượng phụ Pizzaballa cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News rằng ngài lo sợ sẽ có thêm nhiều cuộc tấn công trong khu vực và lập luận rằng hành vi bạo lực từ IDF và các chiến binh Palestine có thể sẽ tiếp tục chừng nào đất đai của Palestine còn nằm dưới sự chiếm đóng của Israel.

“Chúng tôi biết rằng những cuộc tấn công này là giải pháp tạm thời”, Đức Thượng phụ Pizzabala nói. “Các tổ chức kháng chiến vũ trang của người Palestine sẽ tiếp tục trỗi dậy và cho đến khi các vấn đề về cấu trúc được giải quyết, đặc biệt là vấn đề liên quan đến phẩm giá, tự do và quyền tự quyết của người dân Palestine với Nhà nước của chính họ, những tình huống đau đớn tạm thời này, với nhiều nạn nhân, sẽ tiếp tục ở cả hai bên”.

Trong một số dịp trong những năm gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thúc giục cả hai bên đạt được thỏa thuận về giải pháp hai nhà nước. Vatican đã ký một hiệp ước với Palestine vào năm 2015, đây là lần đầu tiên Vatican công nhận Palestine là một quốc gia độc lập.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết