Đức Hồng y Bechara Boutros Raï, Thượng phụ Giáo hội Công giáo nghi lễ Maronite tại Liban, đã bày tỏ sự đau buồn trước sự sụt giảm dân số Kitô hữu tại Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Kitô giáo trong khu vực có tác động làm giảm bớt ảnh hưởng của Hồi giáo.
“Nếu Trung Đông này không còn sự hiện diện của các Kitô hữu, thì người Hồi giáo sẽ mất đi sự ôn hòa của họ”, Đức Hồng y Boutros Raï cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức Giáo hoàng mang tên Trợ giúp các Giáo hội đau khổ (ACN).
“Tại Syria, nhiều người buộc phải rời bỏ quê hương, vì không ai có thể sống dưới làn bom đạn, giữa chiến tranh”, ngài chia sẻ từ Toà Giám mục thuộc Tòa Thượng phụ Công giáo nghi lễ Maronite thành Antiôkia ở Liban.
Tại Syria, tình trạng kinh tế, tài chính và an ninh, cộng với chiến tranh, đã dẫn đến làn sóng di cư ồ ạt của các Kitô hữu. “Điều tích cực là họ đã có thể bắt đầu lại cuộc sống mới và đem đức tin của mình đi khắp thế giới. Nhưng mặt tiêu cực là đất nước đang ngày càng vắng bóng các Kitô hữu”, Đức Thượng phụ Raï nhận định, và đồng thời kêu gọi các quốc gia cần thay đổi cách nhìn và thực hiện các biện pháp ngăn chặn thực trạng này.
“Điều quan trọng không nằm ở số lượng Kitô hữu, mà ở giá trị mà sự hiện diện của các Kitô hữu mang lại”, ngài nhấn mạnh.
Tại Liban — quốc gia duy nhất trong khu vực mà cộng đồng Kitô hữu không phải là nhóm thiểu số nhỏ bé — các Kitô hữu đã trở thành ngọn đèn hy vọng cho các tín hữu ở Trung Đông, khác hẳn với tình cảnh tại Iraq, Jordan và Syria, nơi các Kitô hữu thường bị xem là công dân hạng hai.
“Trên khắp thế giới đều có Kitô hữu và người Hồi giáo, nhưng tại Liban, sự hiện diện của họ được bảo đảm bởi Hiến pháp, và nếu một chính phủ hành động đi ngược lại sự chung sống này thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Hiến pháp Liban bảo đảm sự hiện diện của Kitô giáo”, Đức Hồng y Raï giải thích.
Đức Hồng y Raï bày tỏ hy vọng có thể thiết lập được kiểu mẫu chung sống như vậy tại Syria và Iraq, bởi vì “chính đời sống chung này tạo nên sự ôn hòa nơi người Hồi giáo”.
Theo tổ chức ACN, tại Liban, nhiều gia đình Hồi giáo gửi con em mình đến các trường học Công giáo, “bởi vì đó là mô hình của sự chung sống”. Đức Hồng y Raï cho biết tại miền Nam Liban, toàn bộ học sinh trong các trường học Công giáo đều là người Hồi giáo, và đây là cơ hội để “góp phần xây dựng các giá trị việc cùng nhau chung sống, các giá trị của tinh thần ôn hòa”.
“Các trường học ấy đang nỗ lực hết sức để có thể tiếp tục mở cửa, đặc biệt là ở các vùng núi, nhằm phục vụ lợi ích của người dân”, vị Thượng phụ nghi lễ Maronite nói thêm.
Thực trạng khó khăn của các Kitô hữu tại Liban
Tổ chức ACN ghi nhận rằng vào tháng 5 năm 2024, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng tỷ lệ nghèo đói tại Liban đã tăng từ 12% lên 44% vào năm 2022 tại các khu vực được khảo sát. Đức Hồng y Raï cho biết các hệ lụy của thực trạng này ảnh hưởng đến cả các Kitô hữu lẫn người Hồi giáo.
“Người Hồi giáo nhận được sự trợ giúp từ các quốc gia Hồi giáo khác, còn Kitô hữu tại Liban thì chỉ có thể trông cậy vào Giáo hội”, nhưng Giáo hội lại có rất ít nguồn lực, “và đó là lý do tại sao họ lâm vào cảnh khốn cùng”, Đức Hồng y Raï chia sẻ. “Các Kitô hữu đang nghèo khổ, và điều đó ảnh hưởng đến nhiều vấn đề như việc tiếp cận thực phẩm, thuốc men, và chăm sóc y tế”, ngài nói thêm.
Dù gặp nhiều khó khăn, Đức Thượng phụ nghi lễ Maronite vẫn khẳng định rằng “dân tộc của chúng tôi là một dân tộc cầu nguyện, một dân tộc kính sợ Thiên Chúa. Các nhà thờ của chúng tôi đầy ắp người trẻ, đầy những người có tâm tình cầu nguyện, và nhờ lời cầu nguyện đó mà Liban có thể hồi sinh”.
“Các Kitô hữu Trung Đông có một sứ mạng tại chính vùng đất này, đó là làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô giữa lòng Trung Đông, cùng với anh chị em Hồi giáo, cho Trung Đông đang chịu đau khổ này. Chính nơi đây là cội nguồn sứ mạng của chúng tôi, và chúng tôi sẽ tiếp tục ở lại nơi đây”, Đức Thượng phụ Raï khẳng định.
Cuối cùng, ngài nhấn mạnh rằng các Kitô hữu Trung Đông là những người canh giữ “cội nguồn của Kitô giáo tại Thánh địa”, và các cộng đồng đầu tiên đón nhận đức tin Kitô giáo cũng phát sinh từ chính vùng đất này. “Chúng ta phải giúp họ ở lại và không rời bỏ quê hương”, Đức Thượng phụ Raï kêu gọi.
Hoàng Thịnh (theo CNA)