Thượng Phụ Constantinople, Đức Thượng Phụ Bartholomew I, đã đưa ra bài phát biểu hôm thứ Bảy vừa qua trước hội nghị Centesimus Annus nhấn mạnh rằng chỉ các nguyên tắc Kitô giáo mới có thể chữa lành những căn bệnh về sinh thái, công nghệ và chính trị.
Đức Thượng Phụ Bartholomew I bắt đầu bằng cách bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với ‘Centesimus Annus Pro Pontifice Foundation’ vì đã mời ngài phát biểu. Đức Thượng Phụ đã sử dụng chủ đề của hội nghị, “Các chính sách mới và Phong cách sống trong thời đại kỹ thuật số”, như một khuôn mẫu cho bài thuyết trình của mình.
Cuộc Khủng hoảng về sự liên đới
Đức Thượng Phụ Bartholomew I trước hết thừa nhận rằng “chúng ta hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cùng với những kết quả xã hội của nó trên quy mô toàn cầu”. Ngài đã xác định rằng cuộc khủng hoảng này là một trong những “cuộc khủng hoảng về sự liên đới”. Bằng cách tạo ra những nhu cầu tham lam vô độ hơn bao giờ hết, dường như di sản tinh thần của nhân loại đang bị xóa bỏ, Đức Thượng Phụ Bartholomew nói. Công nghệ đã tự chứng minh không có khả năng giải quyết những vấn đề chẳng hạn như “bất công xã hội, ly hôn, bạo lực, tội ác, sự cô đơn, cuồng tín và xung đột đối với nền văn minh”, Đức Thượng Phụ Bartholomew tiếp tục. Vì những vấn đề này không “thuộc bản chất công nghệ” nên chúng không thể được giải quyết thông qua việc tích luỹ thêm thông tin”. Trích dẫn một Thông điệp của ĐTC Phanxicô và Đại Hội đồng của Giáo Hội Chính Thống được triệu tập tại Crete vào tháng Sáu năm 2016, Đức Thượng Phụ Bartholomew cho biết rằng “những kiến thức về khoa học không thúc đẩy ý chí đạo đức của con người”. Cuối cùng, Đức Thượng Phụ Bartholomew đã chú ý đến sự căng thẳng liên quan đến vấn đề nhân quyền vốn đã dẫn đến chủ nghĩa cá nhân cực đoan ở phương Tây cũng như sự từ chối của họ trong “nền văn minh phi phương Tây” như là một phản ứng chống lại phương Tây.
Một Cơ hội cho sự liên đới
Đó chính là đức tin của chúng ta, vốn “củng cố cam kết của chúng ta đối với hành động của nhân loại, và nó mở rộng việc làm chứng của chúng ta cho tự do, công bằng và hòa bình”, Đức Thượng Phụ Bartholomew tiếp tục. Tầm nhìn của Truyền thống Chính thống miêu tả con người như là “một tạo vật được tôn sùng, vốn cung cấp cho con người một phẩm giá tối thượng”. Tầm nhìn này trở thành nguồn cảm hứng cho việc xem “cuộc khủng hoảng đa diện” này như là một “cơ hội cho việc thực hành tinh thần liên đới”, Đức Thượng Phụ Bartholomew nói. “Giáo hội của chúng ta được mời gọi để thực hiện chức năng như là một thách thức tích cực đối với các cá nhân và dân tộc, đồng thời cung cấp một mô hình thay thế đối với sự sống trong nền văn hóa đương đại vốn đã ban tặng nhân loại những món quà quý giá, nhưng đồng thời dường như thúc đẩy con người sống cho chính họ, bỏ quên những người khác vốn đang cùng chia sẻ chung một thế giới với họ”.
Minh Tuệ chuyển ngữ