Đức Thánh Cha sẽ vẫn lội ngược dòng nếu cần thiết

Chủ nghĩa dân túy và những chống đối bên trong Giáo hội đối với cuộc cải tổ Giáo triều chắc chắn đang là những thách thức lớn đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Ngài sẽ chùn bước trong cuộc dấn thân cho những ưu tiên xã hội đặc biệt của mình.

20170115 ĐTCChủ nghĩa dân túy như ngọn thủy triều càn quét nền dân chủ phương Tây, bao gồm cả cuộc thắng cử của Donald Trump ở Mỹ và cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh, đang đe dọa các ưu tiên xã hội của Đức Thánh Cha, chẳng hạn như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và sự tiếp đón tốt hơn dành cho những người di cư.

Edward Pentin, phóng viên tại Vatican của tuần báo National Catholic Register, cho biết: “Tâm trạng chung ở phương tây có vẻ là đang tìm cách né tránh các vấn đề chính trị mà Đức Giáo Hoàng ưu tư, và chắc chắn ngài sẽ lưu tâm đến điều đó”.

Một trong những bận tâm lớn nhất của Đức Giáo Hoàng có lẽ là vấn đề di cư. Kể từ khi được bầu vào vị trí lãnh đạo của Giáo hội Công giáo gần bốn năm trước đây, Đức Thánh Cha đã nổi tiếng là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất trên thế giới cho người di cư được chào đón vào xã hội phương Tây. Ngài đã thực hiện các chuyến thăm cấp cao tới các hòn đảo Địa Trung Hải của Lampedusa và Lesbos, cũng như biên giới Mexico với Mỹ, và thậm chí đã sắp xếp cho một số người tị nạn được cư ngụ trong các bức tường của Thành Vatican.

Nhưng cả Brexit lẫn chiến thắng của Trump – trong đó người Công giáo Mỹ có vẻ ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa, theo các cuộc thăm dò – cho thấy những khó khăn Đức Thánh Cha đang phải đối mặt trong việc ảnh hưởng trên dư luận, và thậm chí ngay trong đoàn chiên của Ngài.

Các quan chức Tòa thánh Vatican nói rằng mặc dù vậy, Đức Giáo hoàng sẽ vẫn tiếp tục nhấn mạnh vấn đề đón tiếp người di cư và tị nạn. “Tất nhiên có những dấu hiệu đáng lo ngại, nhưng tôi sẽ không vội vã kết luận” – Cha Michael Czerny, một linh mục Dòng Tên người Canada đã được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm phụ trách chính sách di trú của Vatican, cho biết.

Cha Czerny cho biết không có bằng chứng các giáo sĩ cao cấp đi ngược lập trường của Đức Giáo hoàng về di cư. “Ít nhất là ở Mỹ, các giám mục rất quyết tâm tiếp đón những người đang đến và những người mới đến”.

Một vấn đề toàn cầu khác được Đức Giáo hoàng quan tâm đặc biệt, là vấn đề biến đổi khí hậu. Tháng 6 năm 2015, Đức Giáo hoàng người Argentina đã công bố một thông điệp, hình thức cao nhất của giáo huấn giáo hoàng, kêu gọi bảo vệ môi trường. Văn kiện đã được ban hành đúng lúc, giúp các nước ký Hiệp định Paris giảm lượng khí thải carbon. Nhưng nếu chính quyền Trump quyết định từ bỏ một số các cam kết của Mỹ, thì đó sẽ là một trở ngại rất lớn đối với việc thực hiện giáo huấn của Đức Giáo hoàng trong thông điệp Laudato Si’.

Đức Giáo hoàng có vẻ rất được dân Mỹ ủng hộ. Theo một cuộc thăm dò trong tuần trước do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, tỷ lệ ủng hộ ngài vẫn rất cao, ở mức 70% tổng số dân Mỹ và 87% người Công giáo Mỹ.

Các nhà quan sát gần gũi Vatican nói rằng Đức Giáo hoàng sẽ không mất cảnh giác đối với sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy. Từ khi đảm nhận sứ mạng Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thường xuyên cảnh báo về sự thiếu kết nối ngày càng tăng giữa cử tri nghèo và tầng lớp trung lưu với các đại diện dân cử của họ, và nói về sự nguy hiểm của toàn cầu hóa và thị trường tự do. Ngoài ra, ngài đã cảnh báo các nhà lãnh đạo EU rằng họ đang phải vất vả thực hiện tầm nhìn của những người sáng lập của khối này. “Ngài thấy Trump và Brexit như là một phần của thảm kịch đương đại mà từ lâu ngài đã nhận biết và hiểu rõ về nó” – Austen Ivereigh, người viết tiểu sử của Đức Giáo hoàng Phanxicô nói.

Một số quan sát viên Vatican nói rằng Đức Giáo hoàng đã thay đổi phản ứng trong vấn đề di cư, trong đó một đàng ngài vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải đón tiếp những người tị nạn, nhưng dàng khác, ngài nhấn mạnh những thách thức của việc hội nhập vào các đất nước và xã hội mới.

Tuy nhiên, một cuộc rút lui khỏi chương trình nghị sự toàn cầu của ngài là không thể xảy ra. “Đức Phanxicô luôn là một tiếng nói ngôn sứ, kể cả khi các sự kiện trên thế giới có vẻ diễn tiến chống lại ngài” – Christopher Lamb, phóng viên Vatican của The Tablet, một tuần báo Công giáo Anh, nói. “Tôi nghĩ rằng thế giới vẫn lắng nghe các lập trường của ngài. Ngài có một uy tín rất lớn với tuyệt đại đa số người Công giáo và ngài là một vĩ nhân thực sự”.

Thanh Tâm tổng hợp

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết