Trong thông điệp gửi tới Tổng thống Brazil – quốc gia chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20 về hợp tác kinh tế quốc tế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi những nỗ lực ngay lập tức và thống nhất để xóa bỏ nạn đói nghèo trên thế giới.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chú ý đối với nạn đói nghèo trên thế giới, đã trở nên tồi tệ hơn do các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới ngày nay và số tiền khổng lồ được chi cho vũ khí và quân sự thay vì giúp nuôi sống 3 tỷ người trên thế giới không có lương thực hoặc dinh dưỡng đầy đủ.
Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra trong một thông điệp do Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican đọc, gửi đến Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva. Brazil đang tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 kéo dài hai ngày, khai mạc vào ngày 18 tháng 11 tại Rio de Janeiro với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo của 19 quốc gia thành viên, cùng với Liên minh châu Phi và Liên minh châu Âu.
Góp phần tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn
Khi chúc mừng Tổng thống Lula da Silva vì đã tạo điều kiện cho cuộc họp với vai trò là Chủ tịch hiện tại của Nhóm 20, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chào và hy vọng tới tất cả các tham dự viên rằng các cuộc thảo luận và kết quả của chúng sẽ thực sự đóng góp vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn và một tương lai thịnh vượng cho các thế hệ mai sau.
Chấm dứt sự bê bối của tình trạng đói nghèo trên thế giới
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết và trước mắt là phải xóa bỏ nạn đói trên thế giới khi hàng triệu người vẫn đang phải chịu đựng đau khổ và chết vì đói, trong khi hàng tấn thực phẩm bị vứt bỏ, trích dẫn từ Thông điệp Fratelli Tutti của ngài rằng “điều này thực sự là một vụ bê bối” và đồng thời nhấn mạnh rằng “nạn đói là tội ác; thực phẩm là quyền bất khả xâm phạm”.
Chấm dứt chiến tranh, xây dựng nền hòa bình lâu dài
Thừa nhận những vấn đề do chiến tranh, xung đột và sự dai dẳng của bất công gây ra, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra những cách thức mới để đạt được “một nền hòa bình ổn định và lâu dài trong mọi lĩnh vực liên quan đến xung đột, với mục tiêu khôi phục phẩm giá cho những người bị ảnh hưởng”. Đức Thánh Cha chỉ ra rằng sự chết chóc và sự tàn phá do những cuộc chiến này gây ra cũng góp phần làm trầm trọng thêm nạn đói và tình trạng nghèo đói, ảnh hưởng đến những nơi thậm chí cách xa các cuộc xung đột thông qua việc gián đoạn chuỗi cung ứng và số tiền khổng lồ được chi cho vũ khí và quân trang.
Giải quyết thảm kịch của nạn đói
Đức Thánh Cha viết rằng điều đáng lo ngại lớn hiện nay là thế giới vẫn chưa tìm ra cách giải quyết thảm kịch của nạn đói, và “sự chấp nhận im lặng” này của xã hội là “một sự bất công đáng xấu hổ và là một tội ác nghiêm trọng”. Điều này đặc biệt đúng khi những kẻ cho vay nặng lãi hoặc tham lam gây ra nạn đói cho anh chị em mình, tức là “phạm tội giết người”. Do đó, ngài nhấn mạnh, “không nên bỏ qua bất kỳ nỗ lực nào để đưa người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói”.
Nghèo đói góp phần gây ra cuộc khủng hoảng đói nghèo
Những bất công về mặt xã hội và kinh tế làm trầm trọng thêm thực trạng đói nghèo, Đức Thánh Cha tiếp tục, và tình trạng nghèo đói này có thể kéo dài “chu kỳ của những sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội đang lan rộng trong xã hội toàn cầu của chúng ta”.
“Như vậy, rõ ràng là cần phải có hành động ngay lập tức và quyết liệt để xóa bỏ nạn đói nghèo. Hành động như vậy phải được thực hiện theo cách phối hợp và cộng tác, với sự tham gia của toàn thể cộng đồng quốc tế”.
Các biện pháp hiệu quả đòi hỏi “cam kết cụ thể từ các chính phủ, tổ chức quốc tế và toàn xã hội”, Đức Thánh Cha viết, và các biện pháp này bao gồm việc tiếp cận các hàng hóa cơ bản, phân phối công bằng các nguồn tài nguyên quan trọng, tôn trọng “phẩm giá con người mà Thiên Chúa ban cho mỗi cá nhân”.
Giải quyết việc lãng phí thực phẩm
Đức Thánh Cha cũng chỉ ra rằng cần có hành động tập thể để giải quyết sự bê bối của việc lãng phí thực phẩm, vì ngay cả ngày nay vẫn có đủ thực phẩm để nuôi sống mọi người, nhưng nó lại không được phân phối đồng đều vì nhiều lý do. Những nỗ lực để giải quyết những thách thức này sẽ đòi hỏi một “tầm nhìn và chiến lược dài hạn… cần thiết để chống lại tình trạng suy dinh dưỡng một cách hiệu quả”, Đức Thánh Cha viết.
Để đạt được mục tiêu này, Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự ủng hộ rằng Liên minh Toàn cầu Chống Đói nghèo có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc giải quyết nạn đói nghèo, đồng thời thực hiện đề xuất lâu dài của Tòa Thánh kêu gọi “chuyển hướng các khoản tiền hiện đang được phân bổ cho vũ khí và các chi tiêu quân sự khác sang một quỹ toàn cầu được thiết kế để giải quyết nạn đói và thúc đẩy sự phát triển ở các quốc gia nghèo nhất”.
Tránh ‘sự thực dân hóa ý thức hệ’
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh sự cần thiết đối với các dự án không phải do áp đặt từ bên ngoài, mà được “lên kế hoạch và thực hiện để đáp ứng nhu cầu của người dân và cộng đồng của họ”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha đảm bảo rằng Tòa Thánh sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy phẩm giá con người và đóng góp thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và sự tham gia của các tổ chức Công giáo trên toàn thế giới, “để không một con người nào trên thế giới, được Thiên Chúa yêu thương, lại bị tước mất lương thực hằng ngày”.
“Nguyện xin Thiên Chúa toàn năng ban muôn ơn lành cho công việc và nỗ lực của tất cả quý vị vì sự tiến bộ thực sự của toàn thể gia đình nhân loại”.
Thiên Ân (theo Vatican News)