Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên phong hiển thánh cho 14 vị Thánh mới, bao gồm các Linh mục Tử đạo ở Syria

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Thánh lễ tuyên phong hiển thánh cho 14 vị thánh mới tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024 (Ảnh: Daniel Ibáñez/CAN)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Thánh lễ tuyên phong hiển thánh cho 14 vị thánh mới tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024 (Ảnh: Daniel Ibáñez/CNA)

Hôm Chúa nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên phong hiển thánh cho 14 vị Thánh mới bao gồm một người cha có 8 người con và các Tu sĩ dòng Phanxicô bị giết hại ở Syria vì từ chối từ bỏ đức tin và cải sang đạo Hồi.

Trong Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 20 tháng 10, Đức Thánh Cha đã tuyên bố 3 vị sáng lập các Dòng tu vào thế kỷ XIX và “11 Vị Tử đạo của Damascus” là những vị Thánh được Giáo hội Công giáo toàn cầu tôn kính, khen ngợi đời sống hy sinh, lòng nhiệt thành truyền giáo và sự phục vụ của họ cho Giáo hội.

“Những vị Thánh mới này đã sống theo cách của Chúa Giêsu: phục vụ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Họ đã tự biến mình thành người phục vụ anh chị em mình, sáng tạo trong việc làm điều thiện, kiên định trong gian nan thử thách và quảng đại cho đến cùng”.

Các vị mới được tuyên thánh bao gồm Thánh Giuseppe Allamano, một Linh mục Giáo phận người Ý, người sáng lập Dòng Truyền giáo Consolata, và Thánh Marie-Léonie Paradis, một Nữ tu người Canada đến từ Montreal, nổi tiếng với việc thành lập một Dòng tu dành riêng cho việc phục vụ các Linh mục.

Trong số các vị thánh còn có Thánh Elena Guerra, được ca ngợi là “Tông đồ của Chúa Thánh Thần”, và Thánh Manuel Ruiz López cùng 7 người bạn đồng hành Dòng Phanxicô, tất cả đều chịu phúc tử đạo tại Damascus vào năm 1860 vì từ chối từ bỏ đức tin Kitô giáo của mình.

3 vị được tuyên thánh sau cùng là anh em ruột, Thánh Phanxicô, Thánh Mooti và Thánh Raphael Massabki, những giáo dân Công giáo Maronite đã chịu phúc tử đạo tại Syria cùng với các Tu sĩ Dòng Phanxicô.

Hàng ngàn tín hữu hành hương đã cùng nhau đọc Kinh Cầu Các Thánh tại Quảng trường Thánh Phêrô trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố 14 vị được ghi danh vào Sổ bộ các thánh “để tôn vinh Chúa Ba Ngôi, tôn vinh đức tin Công giáo và gia tăng đời sống Kitô hữu, theo năng quyền của Chúa Giêsu Kitô và các Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ”.

“Chúng ta tin tưởng cầu xin sự chuyển cầu của các ngài để chúng ta cũng có thể noi gương Chúa Kitô, noi gương Người trong việc phục vụ và trở thành chứng nhân hy vọng cho thế giới”, Đức Thánh Cha nói.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh việc phục vụ thể hiện cuộc sống của mỗi vị Thánh mới. “Khi chúng ta học cách phục vụ”, ngài nói, “mọi cử chỉ của sự quan tâm và chăm sóc, mọi biểu hiện của sự dịu dàng, mọi hành động của lòng thương xót của chúng ta đều trở thành sự phản ánh tình yêu của Thiên Chúa. Và vì vậy, chúng ta tiếp tục công việc của Chúa Giêsu trên thế giới”.

Bài Tin Mừng trong Thánh lễ được đọc bằng tiếng Hy Lạp bên cạnh tiếng La-tinh để tôn vinh 11 vị tử đạo của Damascus.

Cha Marwan Dadas, một Tu sĩ Dòng Phanxicô đến từ Giêrusalem, là một trong những người tham dự Thánh lễ phong thánh. Ngài cho biết lời chứng của các vị tử đạo từ Dòng Phanxicô Quản Thủ Thánh Địa đặc biệt có ý nghĩa đối với những người đang phải chịu đau khổ do chiến tranh và bạo lực đang diễn ra trong khu vực ngày nay.

“Đây là một thông điệp hữu hiệu để nói rằng mặc dù chúng ta có những thách thức — và dường như chúng ta liên tục phải đối mặt với cái chết — nhưng chúng ta vẫn có ánh sáng của Thiên Chúa đang nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta vượt qua những giai đoạn khó khăn thử thách này”, Cha Dadas nói với CNA.

“Đây là một thông điệp quan trọng đối với tôi, và tôi hy vọng nó sẽ là thông điệp dành cho tất cả mọi người ở Thánh địa, không chỉ Thánh địa, mà còn dành cho tất cả mọi người. Đó là thông điệp từ Thiên Chúa rằng Ngài luôn ở bên chúng ta”.

Thánh Giuseppe Allamano: Một quả tim truyền giáo
Một trong những nhân vật được tôn vinh nhất trong số các vị Thánh mới là Thánh Giuseppe Allamano (1851–1926), một Linh mục Giáo phận người Ý đã sáng lập Dòng Truyền giáo Consolata và Dòng Nữ tu Truyền giáo Consolata. Cha Allamano, mặc dù đã dành toàn bộ cuộc đời mình ở Ý, đã để lại di sản toàn cầu bằng cách đào tạo các nhà Thừa sai mang Tin Mừng đến những vùng xa xôi của Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ.

Cha Allamano đã nhắn nhủ các nhà Thừa sai trong Dòng mà Ngài thành lập ở miền bắc nước Ý vào năm 1901 rằng họ cần phải “trước tiên phải nên Thánh, sau đó mới trở thành các nhà truyền giáo”.

Phép lạ y khoa dẫn đến việc tuyên phong hiển thánh cho Cha Allamano liên quan đến việc chữa lành cho một người đàn ông bị báo đốm tấn công ở rừng nhiệt đới Amazon. Năm 1996, một người đàn ông tên là Sorino Yanomami, một thành viên của bộ tộc Yanomami bản địa ở Amazon, đã bị một con báo đốm tấn công và bị thương đến mức đe dọa tính mạng.

Trong khi các bác sĩ điều trị các vết nứt sọ của người đàn ông, các nhà truyền giáo Consolata đã cầu nguyện trong bệnh viện với Thánh tích của Cha Allamano, cầu xin sự chuyển cầu của Ngài. Thật kỳ diệu, Yanomami đã hồi phục mà không có bất kỳ tổn thương lâu dài nào, theo Bộ Phong Thánh của Vatican.

Cha Allamano, người mà vị Linh hướng của Ngài là Thánh Gioan Bosco, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thánh thiện trong đời sống Linh mục, Ngài nói với các Linh mục của mình rằng: “Các con không chỉ phải nên thánh, mà còn phải sống thánh thiện một cách phi thường”. Ảnh hưởng của Cha Allamano đã tồn tại qua các Dòng tu mà Ngài sáng lập, hiện có mặt tại 30 quốc gia trên toàn cầu.

Thánh Marie-Léonie Paradis: “Khiêm nhường giữa những người khiêm nhường”

Thánh Marie-Léonie Paradis (1840–1912), một Nữ tu người Canada, cũng đã có một vị thế quan trọng trong số các vị Thánh mới. Nữ tu Paradis đã thành lập Dòng Tiểu muội Thánh gia, một Dòng tu có linh đạo và đặc sủng là hỗ trợ các Linh mục thông qua cả lời cầu nguyện lẫn chăm lo việc nấu nướng, dọn dẹp và giặt giũ trong các Giáo xứ trong “sự phục vụ khiêm nhường và vui tươi” theo gương “Chúa Kitô, một người tôi trung”.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi đức tin của Nữ tu Paradis và nhấn mạnh rằng “những ai theo Chúa Kitô, nếu muốn trở nên vĩ đại, phải phục vụ bằng cách học hỏi từ Người”, Đấng đã tự biến mình thành “người phục vụ để tiếp cận mọi người bằng tình yêu của Người”.

Sinh ra tại vùng Acadia của Quebec, Nữ tu Paradis cũng đã dành 8 năm ở New York để phục vụ tại Cô nhi viện Thánh Vinh Sơn Phaolô vào những năm 1860 và dạy tiếng Pháp tại Học viện St. Mary ở Indiana, trước khi thành lập Dòng tu của mình tại New Brunswick, Canada.

Việc tuyên phong hiển thánh cho Nữ tu Paradis được hỗ trợ bởi việc chữa lành kỳ diệu cho một trẻ sơ sinh ở Canada, được cho là nhờ sự chuyển cầu của Ngài.

Thánh Elena Guerra: “Vị Tông đồ của Chúa Thánh Thần”

Trong số những người được tuyên phong hiển thánh đó là Thánh Elena Guerra (1835–1914), nổi tiếng với lòng sùng kính nồng nhiệt của vị Nữ tu đối với Chúa Thánh Thần. Nữ tu Guerra, người sáng lập Dòng Hiến sĩ Chúa Thánh Thần, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Tuần Cửu Nhật đầu tiên cầu nguyện với Chúa Thánh Thần dưới thời Đức Giáo hoàng Lêô XIII vào năm 1895. Các tác phẩm và sự lãnh đạo tinh thần của bà đã truyền cảm hứng cho nhiều người, bao gồm Thánh Gemma Galgani, một nhà thần bí và thánh thiện, người là học trò của Thánh nhân.

Trong phần lớn thời gian khi 20 tuổi, Guerra đã phải nằm liệt giường vì một căn bệnh nghiêm trọng, một thử thách đã trở thành sự thay đổi đối với Guerra khi người thiếu nữ dành trọn tâm trí để suy ngẫm về Kinh Thánh và các tác phẩm của các Giáo phụ. Guerra cảm thấy lời kêu gọi hiến dâng mình cho Chúa trong chuyến hành hương đến Rôma cùng với cha mình sau khi hồi phục và tiếp tục thành lập cộng đoàn Dòng tu dành riêng cho việc giáo dục.

Trong thời gian trao đổi thư từ với Đức Giáo hoàng Lêô XIII, Nữ tu Guerra đã sáng tác những lời cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, bao gồm Chuỗi Kinh Kính Chúa Thánh Thần, cầu xin Thiên Chúa “sai Thánh Thần của Người đến và canh tân thế giới.

“Lễ Ngũ Tuần chưa kết thúc”, Nữ tu Guerra viết. “Thực tế, Lễ Ngũ Tuần vẫn liên tục diễn ra ở mọi thời đại và mọi nơi, vì Chúa Thánh Thần muốn thông ban chính mình cho tất cả mọi người và tất cả những ai khao khát Ngài luôn có thể đón nhận Ngài, vì vậy chúng ta không cần phải ghen tị với các Tông đồ và các tín hữu đầu tiên; chúng ta chỉ cần chuẩn bị tâm hồn giống như họ để đón nhận Ngài một cách tốt đẹp, và Ngài sẽ đến với chúng ta như Ngài đã đến với họ”.

Các vị tử đạo ở Damascus: Những chứng nhân can trường của đức tin

Sự trang nghiêm của buổi lễ được nâng cao khi Đức Thánh Cha tuyên phong hiển thánh cho các vị tử đạo của Damascus, một nhóm gồm 11 người bị giết hại vào năm 1860 vì từ chối từ bỏ đức tin Kitô giáo và cải sang đạo Hồi. Các vị tử đạo, bao gồm 8 Tu sĩ Dòng Phanxicô và 3 giáo dân, đã bị tấn công trong một nhà thờ ở khu phố Kitô giáo của Damascus trong một làn sóng bạo lực tôn giáo.

Các Tu sĩ Dòng Phanxicô được tuyên thánh bao gồm 6 Linh mục và 2 Tu sĩ đã tuyên khấn — tất cả đều là những nhà truyền giáo đến từ Tây Ban Nha ngoại trừ Cha Engelbert Kolland, đến từ Salzburg, Áo.

Cha Manuel Ruiz, Cha Carmelo Bolta, Cha Nicanor Ascanio, Cha Nicolás M. Alberca y Torres, Cha Pedro Soler, Kolland, Thầy Francisco Pinazo Peñalver, và Thầy Juan S. Fernández đều được tuyên thánh.

3 giáo dân là anh em — Francis, Abdel Mooti và Raphael Massabki — nổi tiếng với lòng đạo đức sâu sắc và sự nhiệt thành với đức tin Kitô giáo. Francis Massabki, người anh cả, là cha của 8 người con. Mooti là cha của 5 người con, người đến Nhà thờ Thánh Phaolô hàng ngày để cầu nguyện và dạy Giáo lý. Người em út, Raphael, còn độc thân và được biết đến là dành nhiều thời gian cầu nguyện trong nhà thờ và giúp đỡ các tu sĩ.

Theo lời kể của các nhân chứng, hai anh em được trao cơ hội sống nếu họ từ bỏ đức tin của mình, nhưng họ đã từ chối. “Chúng tôi là những người Kitô hữu, và chúng tôi muốn sống và chết như những người Kitô hữu”, Francis Massabki được cho là đã nói như vậy. Cả 11 người đều bị giết hại một cách dã man vào đêm hôm đó, một số bị chặt đầu, những người khác bị đâm chết.

“Họ vẫn là những người tôi tớ trung thành”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Họ đã phục vụ trong sự tử đạo và trong niềm vui”.

Một sự kiện có sự tham dự toàn cầu

Thánh lễ phong thánh có sự tham dự của những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm những người Công giáo đến từ Kenya, Canada, Uganda, Tây Ban Nha, Ý và Trung Đông. Hơn 1.000 thành viên của Dòng Truyền giáo Consolata đã đến Rôma để chứng kiến lễ tuyên thánh cho các vị sáng lập của họ.

“Tôi cám ơn tất cả những ai đã đến để tôn vinh các vị thánh mới”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Tôi chào mừng các Hồng y, các Giám mục, những người nam nữ sống tận hiến, đặc biệt là các Tu sĩ Dòng Phanxicô và các tín hữu nghi lễ Maronite, các nhà truyền giáo Consolata, các Nữ tu Dòng Thánh Gia và các tu sĩ Dòng Chúa Thánh Thần, cũng như các nhóm hành hương khác đến từ nhiều nơi khác nhau”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dẫn đầu đám đông trong giờ Kinh Truyền Tin vào cuối Thánh lễ và yêu cầu mọi người cầu nguyện đặc biệt để có được món quà hòa bình cho “những người dân đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh – Palestine, Israel, Lebanon, Ukraine, Sudan, Myanmar và nhiều nơi khác”.

Đức Thánh Cha cũng chào đón một nhóm tín hữu hành hương Uganda đi từ Rôma đến để kỷ niệm 60 năm ngày tuyên phong hiển thánh cho các Thánh tử đạo Uganda và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho các nhà truyền giáo nhân Chúa Nhật Thế giới Truyền giáo.

“Chúng ta hãy hỗ trợ, bằng lời cầu nguyện và sự giúp đỡ của mình, tất cả các nhà truyền giáo, những người thường phải hy sinh rất nhiều, để mang lời loan báo Tin Mừng rạng ngời đến mọi nơi trên thế giới”, Đức Thánh Cha nói.

“Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở nên giống như Mẹ và các Thánh, những chứng nhân can trường và vui tươi của Tin Mừng”.

FD01CCD1-D5FF-4A44-944E-A57AE3093D12 BA96D42A-7FAB-4EF2-A8C5-A87A920FA6D0 50A18DE8-7B44-47DA-8F4E-43B7F79AE1D8

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Thánh lễ tuyên phong hiển thánh cho 14 vị thánh mới tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024 (Ảnh: Daniel Ibáñez/CAN)


Minh Tuệ
(theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết