
Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm thứ Tư, ngày 22 tháng 11 (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm thứ Tư, ngày 22 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh bản chất phổ quát của sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội, đồng thời cho rằng đó là lời kêu gọi dành cho tất cả mọi người và không ai bị loại trừ.
Bài chia sẻ Giáo lý hôm 22 tháng 11 của Đức Thánh Cha là sự tiếp nối bài chia sẻ tuần trước khi ngài tập trung vào niềm vui trong việc loan báo Tin Mừng, lưu ý rằng không có niềm vui thì không có chứng tá đáng tin cậy cho sứ điệp Tin Mừng.
Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha đã trích dẫn Tông Huấn Evangelii Gaudium (“Niềm vui Tin Mừng”) năm 2013 của ngài, nhấn mạnh rằng các Kitô hữu “có nghĩa vụ loan báo Tin Mừng mà không loại trừ bất cứ ai”.
“Thay vì dường như áp đặt những nghĩa vụ mới, họ nên hành động như những người mong muốn chia sẻ niềm vui của mình, những người hướng tới một chân trời tươi đẹp và mời người khác đến một bữa tiệc thơm ngon”, Đức Thánh Cha nói, trích dẫn Tông Huấn Evangelii Gaudium.
“Không phải nhờ việc chiêu dụ người khác từ bỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo của họ mà Giáo hội phát triển, nhưng là ‘do sự cuốn hút’”, Đức Thánh Cha trích dẫn thêm.
“Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cảm nhận rằng chúng ta đang phục vụ mục đích phổ quát của Tin Mừng; và chúng ta hãy phân biệt khả năng của mình để thoát ra khỏi chính mình, vượt qua mọi giới hạn”, Đức Thánh Cha nói.
“Các Kitô hữu gặp gỡ nhau ở sân nhà thờ nhiều hơn là trong phòng áo, và đi ‘ra các đường phố và ngõ ngách của thành phố’”, Đức Thánh Cha nói. “Họ phải chan hòa và cởi mở, ‘hướng ngoại’, và tính cách này của họ đến từ Chúa Giêsu, Đấng khiến sự hiện diện của Ngài trên thế giới là một hành trình liên tục, nhằm đến với mọi người, thậm chí học hỏi từ một số cuộc gặp gỡ của Ngài”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về vai trò của sự phân định trong tiến trình này, đồng thời lưu ý rằng “Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng khi Thiên Chúa kêu gọi một người và thiết lập một kết ước với một số người trong số họ, thì tiêu chí luôn là thế này: Chọn một ai đó để tiếp cận nhiều người khác”.
Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chống lại sự cám dỗ đồng nhất khái niệm được chọn với cảm giác về sự ưu việt.
“Có lẽ cám dỗ lớn nhất là coi lời mời gọi được đón nhận như một đặc ân. Xin đừng nghĩ như vậy, lời kêu gọi không bao giờ là một đặc ân. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta có đặc quyền so với những người khác, không phải như vậy. Được kêu gọi là để phục vụ. Và Thiên Chúa chọn một người để yêu thương mọi người, để đến với mọi người”, Đức Thánh Cha chỉ dẫn.
Khi nói về tính phổ quát của sứ mạng của Giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục cảnh báo rằng Giáo hội có tính phổ quát cả trong sứ mạng lẫn trong chính cơ cấu của mình. Đức Thánh Cha lập luận rằng chúng ta phải “ngăn chặn sự cám dỗ coi Kitô giáo là một nền văn hóa, một tính cách sắc tộc, một hệ thống”.
“Tuy nhiên, do đó, Giáo hội mất đi bản chất Công giáo thực sự, tức là tính phổ quát đối với tất cả mọi người: đó không phải là một nhóm nhỏ những người được chọn hạng nhất. Chúng ta đừng quên: Thiên Chúa chọn một người để yêu thương mọi người. Tầm nhìn phổ quát này. Tin Mừng không chỉ dành cho tôi, Tin Mừng dành cho tất cả mọi người, chúng ta đừng quên điều đó”.
Vào cuối buổi tiếp kiến chung, trong bài diễn văn riêng với những người hành hương Ý, Đức Thánh Cha lặp lại lời cầu nguyện cho những người đang đau khổ vì các cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và Palestine.
“Chúng ta đừng quên liên lỉ cầu nguyện cho những người đang phải chịu đựng chiến tranh ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là người dân Ukraine thân yêu, người dân Ukraine đang bị đau khổ, Israel và Palestine”.
Đức Thánh Cha cũng thông báo rằng trước buổi tiếp kiến chung vào buổi sáng, ngài đã tiếp đón hai phái đoàn từ Thánh Địa. Một là phái đoàn từ Palestine, bao gồm các thành viên gia đình của các tù nhân người Palestine đang bị giam giữ ở Israel; nhóm còn lại gồm người thân của các con tin Israel bị Hamas bắt giữ khi bắt đầu cuộc chiến Israel-Hamas vào đầu tháng 10.
“Họ phải chịu đựng đau khổ rất nhiều và tôi nghe thấy cả hai đều đau khổ như thế nào: chiến tranh gây ra điều này, nhưng ở đây chúng ta đã vượt ra khỏi chiến tranh, đây không phải là tiến hành chiến tranh, đây là hành vi khủng bố”, Đức Thánh Cha nói.
“Chúng ta hãy hướng đến hòa bình, cầu nguyện cho hòa bình, cầu nguyện thật nhiều cho hòa bình. Nguyện xin Thiên Chúa giơ tay can thiệp, nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta giải quyết các vấn đề và đừng tiến về phía trước với những sự sôi sục mà rồi cuối cùng sẽ giết hại mọi người. Chúng ta cầu nguyện cho người dân Palestine, chúng ta cầu nguyện cho người dân Israel, chúng ta cầu nguyện cho hòa bình mau hiển trị”.
Minh Tuệ (theo CNA)