Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng Thượng Hội đồng sắp tới có thể “ít được công chúng quan tâm” nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng Thượng Hội đồng “thực sự quan trọng” đối với Giáo hội Công giáo.
“Tôi nhận thức rõ rằng việc nói về ‘Thượng Hội đồng về Hiệp hành’ có thể có vẻ là một điều gì đó khó hiểu, tự quy chiếu, quá mang tính kỹ thuật và ít được công chúng quan tâm”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói hôm 26 tháng 8.
“Nhưng những gì đã xảy ra trong năm qua, sẽ tiếp tục diễn ra tại hội nghị vào tháng 10 tới và sau đó là giai đoạn thứ hai của Thượng Hội đồng 2024, là một điều thực sự quan trọng đối với Giáo hội”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tầm quan trọng của Thượng Hội Đồng gần một tháng trước hội nghị đầu tiên của Thượng Hội đồng về Hiệp hành diễn ra tại Vatican từ ngày 4 đến ngày 28 tháng 10.
Đây là hội nghị đầu tiên trong hai hội nghị lên đến đỉnh cao của tiến trình kéo dài nhiều năm trên toàn thế giới của Giáo hội, trong đó các tín hữu Công giáo được yêu cầu gửi phản hồi ở cấp Giáo phận, quốc gia và lục địa.
“Chúng tôi đã mở cửa, chúng tôi mang đến cho mọi người cơ hội tham gia, chúng tôi đã tính đến nhu cầu và đề xuất của mọi người. Chúng ta muốn cùng nhau đóng góp để xây dựng Giáo hội nơi mọi người cảm thấy thoải mái tự nhiên, nơi không ai bị loại trừ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Những lời đó của Tin Mừng rất quan trọng: Mọi người, tất cả mọi người: Không có người Công giáo hạng nhất, hạng hai hay hạng ba, không có chuyện như vậy. Tất cả cùng với nhau. Tất cả mọi người. Đó là lời mời gọi của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo hội cần phải “làm quen với việc lắng nghe lẫn nhau, trò chuyện với nhau, lắng nghe và thảo luận theo cách thức trưởng thành”.
“Đây là một ân sủng mà tất cả chúng ta cần để tiến về phía trước. Và đó là điều mà Giáo hội ngày nay cống hiến cho thế giới, một thế giới thường không có khả năng đưa ra quyết định, ngay cả khi sự sống còn của chúng ta đang bị đe dọa”, Đức Thánh Cha nói.
“Chúng ta đang cố gắng học một cách sống mới trong các mối tương quan, lắng nghe nhau để nghe và làm theo tiếng nói của Thánh Thần”.
Để giải thích ý nghĩa của Thượng Hội đồng về Hiệp hành, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả Thượng Hội đồng là “một cuộc hành trình mà Thánh Phaolô VI đã khởi sự vào cuối Công đồng Vatican II khi ngài thành lập Văn phòng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục vì ngài đã nhận ra rằng trong Giáo hội Tây phương tính hiệp hành đã biến mất, trong khi ở Giáo hội Đông phương họ có chiều hướng này”.
“Và cuộc hành trình kéo dài nhiều năm này – 60 năm – đang mang lại kết quả tuyệt vời”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Thượng Hội Đồng sắp tới khi nhận giải thưởng từ các nhà báo Ý tại Điện Tông Tòa Vatican, đồng thời lưu ý rằng ngài thường từ chối các giải thưởng và danh hiệu.
“Quý vị phải biết rằng, ngay cả trước khi trở thành Giám mục Rôma, tôi đã từng từ chối đề nghị trao giải thưởng. Tôi chưa bao giờ nhận bất kỳ thứ gì, tôi không muốn. Và tôi đã tiếp tục làm như vậy ngay cả khi là Giáo hoàng. Tuy nhiên, có một lý do thôi thúc tôi chấp nhận giải thưởng của quý vị, đó là tính cấp thiết của việc giao tiếp mang tính xây dựng, vốn thúc đẩy văn hóa gặp gỡ chứ không phải đối đầu; văn hóa hòa bình chứ không phải chiến tranh; văn hóa cởi mở với người khác chứ không thành kiến”, Đức Thánh Cha nói.
“Thông tin sai lệch là một trong những tội lỗi của nghành báo chí”, Đức Thánh Cha cho biết thêm trong khi liệt kê những “tội lỗi trong nghành báo chí” khác, bao gồm vu khống, phỉ báng và “thích những vụ tai tiếng”.
“Chúng ta cần truyền bá một nền văn hóa gặp gỡ, một nền văn hóa đối thoại, một nền văn hóa lắng nghe người khác và những lý do của họ”, Đức Thánh Cha nói. “Văn hóa kỹ thuật số đã mang đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội trao đổi mới, nhưng nó cũng có nguy cơ biến truyền thông thành những khẩu hiệu”.
Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gặp gỡ một phái đoàn gồm các nhà lập pháp Công giáo tham gia hội nghị về chủ đề “Cuộc tranh đấu giữa các cường quốc, Kiểm soát doanh nghiệp và Chế độ kỹ trị: Câu trả lời của Kitô giáo cho các xu hướng phi nhân tính”.
Mạng lưới các nhà lập pháp Công giáo quốc tế là một nhóm các nghị sĩ Công giáo đến từ khắp nơi trên thế giới tổ chức cuộc họp riêng hàng năm tại Rôma.
Nhóm được thành lập vào năm 2010 bởi Đức Hồng Y Christoph Schönborn người Áo và David Alton, thành viên của Hạ viện Anh, chuyên về tự do tôn giáo, quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước, bảo vệ sự sống và truyền đạt tư tưởng Công giáo trong lĩnh vực chính trị thế tục.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trò chuyện với các nhà lập pháp về việc “mô hình kỹ trị thống trị ngày nay đặt ra những vấn đề sâu sắc về vị thế của con người và hành động của con người trên thế giới như thế nào”.
“Chắc chắn một trong những khía cạnh đáng lo ngại nhất của mô hình này, với tác động tiêu cực của nó đối với cả hệ sinh thái con người lẫn tự nhiên, là sự quyến rũ tinh vi của nó đối với tinh thần con người, ru ngủ con người – và đặc biệt là giới trẻ – lạm dụng quyền tự do của họ”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các nhà lập pháp tiếp tục thúc đẩy Giáo huấn xã hội Công giáo, “đặc biệt là tính trung tâm của giá trị và phẩm giá do Thiên Chúa ban cho mỗi con người”.
“Tôi cầu nguyện để Chúa Thánh Thần sẽ truyền cảm hứng và hướng dẫn những nỗ lực của anh chị em nhằm hình thành một thế hệ mới gồm các nhà lãnh đạo Công giáo được đào tạo tốt và trung thành, cam kết thúc đẩy Giáo huấn xã hội và luân lý của Giáo hội trong phạm vi công cộng. Bằng cách này, anh chị em chắc chắn sẽ góp phần xây dựng Vương quốc của Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Minh Tuệ (theo CNA)