Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2025, khuyến khích tất cả mọi tín hữu Công giáo hãy trở thành “những Thừa sai của Hy vọng”, những người tích cực tham gia vào sứ mạng truyền giáo của Giáo hội thông qua “sự hiệp thông trong cầu nguyện và hành động”.
“Tôi kêu gọi tất cả mọi người, trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn và người cao tuổi, hãy tích cực tham gia vào sứ mạng truyền giáo chung của Giáo hội bằng chứng tá cuộc sống và lời cầu nguyện, bằng những hy sinh và lòng quảng đại của mình”, Đức Thánh Cha chia sẻ trong Sứ điệp của mình.
Đức Thánh Cha cho biết ngài đã chọn “Những Thừa sai của niềm Hy vọng giữa Muôn dân” là khẩu hiệu cho Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2025, sẽ được cử hành vào ngày 19 tháng 10 năm nay.
Để tiếp tục “sứ mạng hy vọng cho nhân loại” của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha cho biết mỗi tín hữu Công giáo trước tiên phải phát triển “một đức tin trưởng thành vào Chúa Kitô” được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện.
“Những Thừa sai của niềm Hy vọng là những người nam và nữ có tinh thần cầu nguyện, vì ‘người có niềm hy vọng là người cầu nguyện’”, Đức Thánh Cha nói, trích lời của Đức Hồng y Đấng Đáng Kính Phanxicô-Xaviê Nguyễn Văn Thuận. “Chúng ta đừng quên rằng cầu nguyện là hoạt động truyền giáo chính yếu”.
Đức Thánh Cha giải thích rằng Bí tích Thánh Thể và các Bí tích khác vô cùng cần thiết để người Công giáo “kín múc nguồn sức mạnh của Chúa Thánh Thần” để làm việc với sự quyết tâm và kiên nhẫn trong “cánh đồng rộng lớn của công cuộc truyền giáo toàn cầu”.
“Khi bước theo Chúa Kitô, các Kitô hữu được kêu gọi truyền bá Tin Mừng bằng cách chia sẻ những hoàn cảnh sống cụ thể của những người họ gặp gỡ và do đó trở thành những người mang hy vọng và xây dựng hy vọng”, Đức Thánh Cha nói.
“Thật vậy, ‘Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ’ (Gaudium et Spes, số 1)”, Đức Thánh Cha tiếp tục.
“Những Thừa sai của niềm Hy vọng giữa Muôn dân”
Để trở thành những người xây dựng hy vọng ở cả các quốc gia phát triển lẫn đang phát triển, vị Giáo hoàng 88 tuổi cho biết rằng Giáo hội phải nhìn nhận rằng Chúa Giêsu Kitô, “Nhà Thừa sai thiêng liêng của hy vọng”, muốn ngỏ lời với trái tim của tất cả mọi người nam và nữ và mang đến cho họ ơn cứu độ thông qua những môn đệ của Người.
“Các cộng đồng Kitô giáo có thể là những người tiên báo về một nhân loại mới trong một thế giới mà ở những khu vực ‘phát triển’ nhất, cho thấy những triệu chứng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng con người”, Đức Thánh Cha nói. “Ở những quốc gia tiên tiến nhất về mặt công nghệ, ‘sự gần gũi’ đang biến mất: Tất cả chúng ta đều có mối liên hệ với nhau nhưng không liên hệ với nhau”.
Trong Sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha lên án sự ám ảnh về hiệu quả, chủ nghĩa vật chất, tham vọng và tính ích kỷ đã tạo nên một nền văn hóa của sự cô độc và thờ ơ ở các quốc gia giàu có.
Bày tỏ tình yêu thương đặc biệt dành cho người nghèo, Đức Thánh Cha cho biết các nhà Thừa sai của Giáo hội phải đặc biệt quan tâm đến những thành viên yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
“Thông thường, chính họ là những người dạy chúng ta cách sống trong hy vọng”, Đức Thánh Cha nói. “Thông qua sự tiếp xúc cá nhân, chúng ta cũng sẽ truyền đạt tình yêu của trái tim từ bi nhân hậu của Thiên Chúa”.
Nhắc đến Sắc chỉ về Năm Thánh Hy vọng 2025, Spes Non Confundit, Đức Thánh Cha cho biết rằng các Kitô hữu có thể trở thành “nhữngdấu chỉ của hy vọng” thông qua những hành động thương xót như thăm viếng người nghèo, người già, người bệnh và người di cư.
‘Các nhà Thừa sai Ad gentes’
Đức Thánh Cha cũng chia sẻ lòng biết ơn đặc biệt của mình đối với công việc của các Hội Truyền giáo Giáo hoàng “đã đi đến các quốc gia khác để truyền bá tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Kitô” và xây dựng các nhà thờ mới.
“Tôi vô cùng cảm ơn anh chị em! Cuộc sống của anh chị em là lời đáp trả rõ ràng đối với lệnh truyền của Chúa Kitô phục sinh, Đấng đã sai các môn đệ của Người đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc (x. Mt 28:18-20)”, Đức Thánh Cha nói.
“Bằng cách này, anh chị em là dấu chỉ của ơn gọi phổ quát của những người đã chịu phép rửa tội, để trở thành, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần và nỗ lực hằng ngày, những nhà truyền giáo giữa mọi dân tộc và những chứng nhân cho niềm hy vọng lớn lao mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta”, Đức Thánh Cha nói thêm.
Minh Tuệ (theo CNA)