ĐTC Phanxicô đã thúc giục các Kitô hữu hãy sống một cách chân thật, đồng thời cảnh báo họ chống lại những cám dỗ của thói đạo đức giả cũng như thói xu nịnh. Đó là những chia sẻ của Ngài trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ Ba, ngày 6 tháng 6 tại nhà nguyện Casa Santa Marta.
Thói đạo đức giả – ĐTC Phanxicô nói – không phải là ngôn ngữ của Chúa Giêsu, cũng không phải là ngôn ngữ của người Kitô hữu, thực tế, “những kẻ giả hình có thể phá hủy cả một cộng đồng”.
ĐTC Phanxicô giải thích rằng Chúa Giêsu thường sử dụng tính từ “giả hình” để mô tả các luật sĩ, bởi vì, như nguyên nghĩa của từ này cho thấy, những kẻ giả hình thường yêu cầu phải có những tiêu chuẩn cao hơn hoặc phải có sự tin tưởng ưu tú hơn, họ thường đưa ra những ý kiến và hay xét đoán người khác, nhưng trên thực tế họ lại ngụy tạo.
Và khi suy tư về việc đọc Tin Mừng trong ngày, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng “những kẻ đạo đức giả luôn luôn dùng lời nói của mình để khiến cho họ thỏa mãn thói hư danh” cũng giống như những người Pharisêu và một số người thuộc phe Hêrôđê đã cố gắng lập mưu để gài bẫy, bắt bẻ Chúa Giêsu khi Ngài rao giảng trong hội đường.
“Những kẻ giả hình – ĐTC Phanxicô nói – luôn luôn bắt đầu bằng những lời nịnh hót bợ đỡ, phóng đại sự thật, làm thỏa mãn tính kiêu căng tự phụ của một người nào đó”. ĐTC Phanxicô cũng nhắc lại trường hợp của một linh mục mà Ngài đã từng gặp cách đây khá lâu – ĐTC Phanxicô nói – “ông ấy quả là một người lúc nào môi miệng cũng nịnh hót người khác, và đó cũng chính là điểm yếu của vị linh mục này”.
Chúa Giêsu đã khiến chúng ta nhận thấy thực tế vốn trái ngược với thói đạo đức giả và ý thức hệ
Thói nịnh hót – ĐTC Phanxicô nói – phát xuất bởi “những ý định xấu” như trường hợp vụ việc các luật sĩ trong bài đọc Phụng vụ hôm nay. Họ đã đặt Chúa Giêsu vào một thử thách, trước hết họ tâng bốc Ngài rồi sau đó đặt cho Ngài một câu hỏi với ý định lập mưu bắt lỗi Ngài trong lời nói: “Vậy chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsarê không?”
“Những kẻ giả hình – ĐTC Phanxicô nói – có hai bộ mặt, ‘nhưng Chúa Giêsu biết họ giả hình, nên bảo họ rằng: ‘Sao các ông lại thử tôi? Hãy đưa tôi xem một đồng tiền’. Chúa Giêsu luôn luôn đáp lại những kẻ giả hình và các nhà lý luận với một thực tế: ‘đây là thực tế; mọi thứ khác hoặc đều là đạo đức giả hoặc là ý thức hệ’. Trong trường hợp này, Chúa Giêsu nói: ‘Hãy đưa tôi xem một đồng tiền’, Chúa Giêsu đã đáp trả họ với sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Vậy thì của Cêsarê, hãy trả cho Cêsarê – thực tế là đồng xu đó mang hình ảnh của Cêsarê – và của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa”.
Khía cạnh thứ ba đó là – ĐTC Phanxicô tiếp tục – “thứ ngôn ngữ của thói đạo đức giả chính là thứ ngôn ngữ của sự lừa dối, và đó cũng chính là thứ ngôn ngữ mà con rắn đã dùng để nói với bà Êva”.
Thói giả hình bắt đầu bằng việc nịnh hót – ĐTC Phanxicô tiếp tục – và kết thúc bằng việc phá hoại người khác: “nó phá hủy tính cách và tâm hồn của một người. Nó còn phá hủy cả một cộng đồng”.
Thói giả hình phá hủy các cộng đồng và làm tổn thương Giáo hội
“Thói giả hình quả là hết sức tồi tệ đối với Giáo hội”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh với một lời cảnh báo đối với tất cả những Kitô hữu đã rơi vào thái độ ngờ vực và đầy tội lỗi này.
“Những kẻ đạo đức giả có thể huỷ hoại cả một cộng đồng. Mặc dù hắn ta nói có vẻ như nhẹ nhàng, thế nhưng hắn ta đã xét đoán một người cách tàn nhẫn. Và hẳn, y chính là một kẻ giết người”, ĐTC Phanxicô nói.
ĐTC Phanxicô kết luận bằng cách khuyến khích các tín hữu nhớ rằng cách duy nhất để đáp trả lại thói nịnh hót chính là chân lý, cách duy nhất để đáp trả lại ý thức hệ đó chính là thực tế.
“Chúng ta hãy nguyện xin Thiên Chúa bảo vệ chúng ta khỏi thói xấu này, giúp chúng ta biết sống chân thật, và nếu như không thể giữ im lặng thì đừng bao giờ trở thành những kẻ giả hình”, ĐTC Phanxicô kết luận.
Minh Tuệ chuyển ngữ