Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong 21 tân Hồng y đến từ 16 quốc gia trước Thượng Hội đồng về Hiệp hành

Đức Thánh Cha Phanxicô đội chiếc mũ biretta màu đỏ lên đầu tân Hồng y Christophe Pierre, sứ thần tại Hoa Kỳ, trong công nghị tấn phong 21 tân hồng y tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican ngày 30 tháng 9 năm 2023 (Ảnh: CNS photo/Lola) Gomez)

Đức Thánh Cha Phanxicô đội chiếc mũ biretta màu đỏ lên đầu Đức tân Hồng y Christophe Pierre, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, trong Công nghị tấn phong 21 tân Hồng y tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican vào ngày 30 tháng 9 năm 2023 (Ảnh: CNS photo/Lola) Gomez)

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong 21 tân Hồng y tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm thứ Bảy, ngày 30 tháng 9, ngài đã nhắn nhủ Hồng Y Đoàn – hiện có 242 thành viên đến từ 91 quốc gia, trong đó có 137 vị dưới 80 tuổi có quyền bỏ phiếu trong mật nghị tiếp theo – rằng họ được mời gọi để trở nên “giống như một dàn nhạc giao hưởng, đại diện cho sự hòa hợp và tính hiệp hành của Giáo hội”.

Đức Thánh Cha cho biết ngài sử dụng từ “hiệp hành” không chỉ vì phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng về Hiệp hành khai mạc vào ngày 4 tháng 10, mà còn bởi vì ngài cảm thấy “phép ẩn dụ về dàn nhạc giao hưởng có thể làm sáng tỏ đặc tính hiệp hành của Giáo hội”.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục đưa ra một thông điệp mạnh mẽ tới tất cả các Hồng y trước thềm Thượng Hội đồng vốn có thể là sự kiện mang tính biến đổi nhất trong Giáo hội Công giáo kể từ Công đồng Vatican II (1962-1965).

Một bản giao hưởng thành công tốt đẹp nhờ sự kết hợp khéo léo các âm sắc của các nhạc cụ khác nhau: mỗi nhạc cụ góp phần, đôi khi chỉ mình nó, đôi khi hợp nhất với nhạc cụ khác, đôi khi với cả dàn nhạc.

“Sự đa dạng là điều cần thiết, nó không thể thiếu được”, Đức Thánh Cha tiếp tục. “Tuy nhiên, mỗi âm thanh phải góp phần vào thiết kế chung”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe giữa các thành viên trong dàn nhạc. “Mỗi nhạc công phải lắng nghe người khác. Nếu một người chỉ lắng nghe chính mình, thì mặc dù âm thanh của anh ta có thể siêu phàm đến đâu, nó sẽ không có lợi cho bản giao hưởng; và điều tương tự cũng sẽ xảy ra nếu một thành viên của dàn nhạc không lắng nghe những thành viên khác mà chơi như thể nó đơn độc, như thể nó là toàn bộ”.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến vai trò của chính ngài trong bản giao hưởng: “Người chỉ huy dàn nhạc phục vụ hình thức của sự huyền diệu này, đó là mỗi buổi biểu diễn một bản giao hưởng. Người chỉ huy dàn nhạc phải lắng nghe hơn ai hết, đồng thời công việc của người chỉ huy là giúp mỗi người và cả dàn nhạc phát triển sự trung thực sáng tạo lớn nhất: trung thành với tác phẩm đang được trình diễn nhưng cũng phải sáng tạo, có khả năng thổi hồn vào bản nhạc, để tạo nên tiếng vang ở đây và bây giờ theo một cách độc đáo”.

Thật tốt đẹp biết bao đối với tất cả các thành viên của Giáo hội khi “suy ngẫm về chính mình như hình ảnh của một dàn nhạc, để học cách trở thành một Giáo hội như một bản giao hưởng và hiệp hành hơn bao giờ hết”, Đức Thánh Cha nói, nhắn nhủ thông điệp của ngài “đặc biệt tới tất cả các thành viên của Hồng Y Đoàn”. Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc nhở các Hồng y rằng “chúng ta có Chúa Thánh Thần là chủ của chúng ta: chủ nội tâm của mỗi người chúng ta và là chủ của việc cùng nhau bước đi. Ngài tạo ra sự đa dạng và thống nhất; chính Ngài là sự hòa hợp”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ tại Quảng trường Thánh Phêrô vào sáng hôm thứ Bảy trước khoảng 12.000 người thân và bạn bè của các tân Hồng y đến từ bốn châu lục đã cùng nhau tham dự dịp đặc biệt này, một số mang theo lá cờ của đất nước của họ.

Trong Thánh lễ kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao biểu tượng chức vụ cho mỗi tân Hồng y sau khi họ đọc lời tuyên hứa trọn đời trung thành với Chúa Kitô và vâng phục Đức Giáo hoàng. Mỗi vị Hồng y đều được nhận một chiếc mũ đỏ, nhẫn và tước hiệu của một Nhà thờ Hiệu tòa ở thành phố Rôma, do đó họ trở thành thành viên hàng giáo sĩ của Giáo phận Rôma mà Đức Giáo hoàng là Giám mục. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt tay từng tân Hồng y và đưa ra những lời động viên cá nhân.

Chỉ có 20 trong số 21 tân Hồng y hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô trong Thánh lễ hôm thứ Bảy. Cha Luis Pascual Dri, một tu sĩ Dòng Capuchin 96 tuổi đến từ Argentina – người đã được Đức Thánh Cha tấn phong Hồng y vì công việc không mệt mỏi của ngài ở quê nhà với tư cách là một Cha giải tội – đã không thể hiện diện do tuổi cao sức yếu. Đức Hồng y tân cử Luis Pascual Dri sẽ được nhận mũ đỏ ở Buenos Aires.

18 trong số các tân Hồng y dưới 80 tuổi và do đó có thể trở thành đại cử tri trong Mật nghị bầu Giáo hoàng tiếp theo. Điều này nâng tổng số Hồng y cử tri lên 137 vị đến từ 71 quốc gia, trong đó 99 vị do Đức Phanxicô tấn phong, 29 vị do Đức Bênêđíctô XVI tấn phong và 9 vị do Đức Gioan Phaolô II tấn phong. 52 Hồng y cử tri là người châu Âu, 15 vị đến từ Bắc Mỹ (Mỹ và Canada), 24 vị đến từ Mỹ Latinh, 24 vị đến từ châu Á, 19 vị đến từ châu Phi và 3 vị đến từ châu Đại Dương.

Điều đáng chú ý là Hồng Y Đoàn hiện chỉ có một nửa số Hồng y người Ý so với Mật nghị bầu chọn Đức Phanxicô năm 2013. Sau Công nghị hôm 30 tháng 9, chỉ có 14 Hồng y cử tri đến từ Ý. Các quốc gia có trên 3 Hồng y bao gồm Hoa Kỳ, với 11 Hồng y; 8 Hồng y đến từ Tây Ban Nha; Pháp và Brazil mỗi nước có 6 Hồng y; Ấn Độ có 5 Hồng y; Argentina, Canada, Ba Lan và Bồ Đào Nha mỗi nước có 4 Hồng y, và Đức có 3 Hồng y.

2 trong số 18 tân Hồng y đại cử tri là người Argentina: Đức tân Hồng y Victor Manuel Fernandez, Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và là người Argentina đầu tiên được Đức Phanxicô bổ nhiệm vào một vị trí cấp cao trong Giáo triều Rôma kể từ khi được bầu; và Đức tân Hồng y Ángel Sixto Rossi, Tổng Giám mục Địa phận Cordoba, một tu sĩ Dòng Tên, cựu học trò và là người ủng hộ Đức Thánh Cha. Cả hai vị đều rất thân thiết với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Chỉ có một người Mỹ duy nhất trong số các tân Hồng y: Đức Cha Robert Prevost, sinh ra ở Chicago và là nguyên Bề trên Tỉnh Dòng Thánh Augustinô, hiện là Tổng Trưởng Bộ Giám mục. Với tư cách là người đầu tiên được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào danh sách các tân Hồng y, Đức Cha Prevost đã thay mặt cho các tân Hồng y bày tỏ tâm tình tri ân đến Đức Thánh Cha; ngài nhấn mạnh rằng vai trò mới của họ là lời mời gọi trở nên khiêm hạ và giúp phát triển một Giáo hội hiệp hành thực sự.

Sứ thần Tòa Thánh hiện tại tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám mục Christophe Pierre người gốc Pháp và nhà ngoại giao Vatican cũng đã được nhận mũ đỏ hôm 30 tháng 9, cùng với Sứ thần Tòa Thánh người gốc Thụy Sĩ tại Ý, Đức Tổng Giám mục Emil Paul Tscherrig, người trước đây là Sứ thần Tòa Thánh tại Argentina.

Vị tân Hồng y thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông nhất là vị Giám chức người Trung Quốc của Địa phận Hồng Kông, Đức Cha Stêphanô Chu Thủ Nhân SJ (Stephen Chow Sau-yan), một tu sĩ Dòng Tên giống như Đức Thánh Cha và là một trong 2 tu sĩ Dòng Tên trong Công nghị này. Qua việc được nhận mũ đỏ, Hồng Kông hiện có 3 Hồng y, 2 vị còn lại hiện đã trên 80 tuổi: Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun), một tu sĩ Dòng Salêdiêng, và Đức Hồng y Gioan Thang Hán (John Tong Hon).

Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Thượng phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem là một Hồng y: Đức Tổng Giám mục Pierbattista Pizzaballa O.F.M., sinh ra ở Ý.

Đây là Công nghị Hồng y thứ 9 của Đức Thánh Cha Phanxicô kể từ khi ngài được bầu chọn làm Giáo hoàng vào tháng 3 năm 2013. Mặc dù số lượng Hồng y cử tri hiện nay là 137 vị, thì đến cuối năm nay con số đó sẽ giảm xuống còn 132 khi các Hồng y cử tri bước sang tuổi 80. Con số này sẽ còn giảm hơn nữa xuống chỉ còn 119 vị vào cuối năm 2024 vì lý do tuổi tác, mở ra khả năng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tổ chức Công nghị thứ 10 vào lúc đó hoặc ngay sau đó.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết