Đức Thánh Cha Phanxicô tại sự kiện đại kết ở Malmö: “Hiệp nhất Kitô giáo là một ưu tiên”

AFP5937273_Articolo

Khẳng định sự hiệp nhất Kitô giáo chính là một ưu tiên – Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết như vậy hôm thứ Hai 31/10 về những thành quả của cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Liên đoàn Lutheran thế giới và Giáo hội Công giáo. Đồng thời, Ngài cho biết việc đối thoại hỗ tương này đã “khẳng định mong muốn của chúng ta nhằm hướng đến sự hiệp nhất trọn vẹn”. Phát biểu tại một sự kiện đại kết diễn ra tại thành phố Malmö của Thụy Điển, Đức Thánh Cha cũng chia sẻ về sự hợp tác thiết thực giữa Giáo Hội Công Giáo và Liên đoàn Lutheran Thế giới được cụ thể hóa qua việc ký kết tuyên bố chung giữa Tổ chức Caritas Quốc tế và Liên đoàn Lutheran Thế giới nhằm đề cao nhân phẩm cũng như công bằng xã hội trên toàn thế giới.

Dưới đây là bản dịch bài phát biểu được chuẩn bị trước của Đức Thánh Cha Phanxicô tại sự kiện đại kết diễn ra tại Malmö:

Tạ ơn Chúa vì biến cố kỷ niệm chung này nhắc nhớ 500 năm cuộc Cải Cách. Chúng ta nhớ đến sự kiện này với một tinh thần đổi mới và trong việc công nhận rằng sự hiệp nhất Kitô giáo chính là một ưu tiên, bởi vì chúng ta có thể nhận thấy rằng có nhiều điểm nối kết chúng ta thay vì gây ra sự chia rẽ. Cuộc hành trình chúng ta đã thực hiện để có thể đạt được sự hiệp nhất đó chính là một món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta. Với sự trợ giúp của Ngài, hôm nay chúng ta cùng hiện diện nơi đây – các tín hữu Lutheran và Công giáo, trong tinh thần huynh đệ – để cùng nhau ngước nhìn lên một Thiên Chúa – đó là Đức Giêsu Kitô.

Việc đối thoại đã giúp chúng ta nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau; nó giúp nuôi dưỡng sự tin tưởng lẫn nhau đồng thời khẳng định mong muốn hướng đến sự hiệp nhất cách trọn vẹn. Một trong những thành quả của cuộc đối thoại này chính là sự hợp tác giữa các tổ chức khác nhau của Liên đoàn Lutheran thế giới và Giáo Hội Công Giáo. Nhờ bầu khí mới của sự hiểu biết này, Tổ chức Caritas Quốc tế và Lutheran Liên đoàn Thế giới hôm nay sẽ ký kết một tuyên bố thỏa thuận chung nhằm hướng đến việc phát triển và củng cố tinh thần hợp tác để có thể đề cao nhân phẩm và công bằng xã hội. Tôi nhiệt liệt chào đón các thành viên đến từ các tổ chức; giữa một thế giới đang bị tàn phá bởi cảnh chiến tranh và các cuộc xung đột, họ đã là, và tiếp tục sẽ là mẫu gương sáng ngời về việc cam kết dấn thân phục vụ tha nhân. Tôi tha thiết mời gọi quý vị hãy cùng chung tay tiến bước trên con đường của sự hợp tác.

Tôi đã bám sát những người đã chứng kiến các cuộc đàm phán, trong bối cảnh có rất nhiều thách đố, thế nhưng họ vẫn hàng ngày dành cuộc sống của mình để chung tay xây dựng một thế giới ngày càng đáp ứng với kế hoạch của Thiên Chúa. Pranita đã nói về công trình sáng tạo. Rõ ràng, công trình sáng tạo tự nó chính là dấu chỉ về tình yêu vô biên mà Thiên Chúa đã tặng ban cho loài người chúng ta. Do đó, chính những quà tặng từ thiên nhiên có thể giúp chúng ta chiêm ngắm Thiên Chúa. Tôi muốn chia sẻ mối bận tâm sâu sắc của quý vị về những sự lạm dụng đã làm tổn hại đến hành tinh của chúng ta, cụ thể là ngôi nhà chung của chúng ta, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu. Như quý vị đã đề cập một cách rất đúng đắn, đối tượng chịu tác động lớn nhất của những hệ lụy này đó là những người dễ bị tổn thương nhất và thiếu thốn nhất; họ buộc phải di cư để thoát khỏi những ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu. Tất cả chúng ta – và những người Kitô hữu chúng ta nói riêng – đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ công trình sáng tạo. Lối sống cũng như những hành động của chúng ta phải luôn luôn phù hợp với đức tin của người Kitô hữu. Chúng ta được mời gọi không những để nuôi dưỡng sự hòa hợp nội tại cũng như với người khác, mà còn với Thiên Chúa và với công trình sáng tạo của Ngài. Pranita, tôi khuyến khích anh hãy kiên trì trong cam kết để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.

Đức Cha Héctor Fabio đã chia sẻ với chúng ta về những nỗ lực chung đã được thực hiện bởi những người Công giáo cũng như Lutheran tại Colombia. Quả thực tốt đẹp biết bao khi biết rằng các Kitô hữu đang cùng cộng tác với nhau để bắt đầu cho chủ nghĩa cộng đồng và các tiến trình xã hội về những mối bận tâm chung. Tôi mời gọi quý vị hãy cầu nguyện cách đặc biệt cho quốc gia tuyệt vời đó, để rồi thông qua sự hợp tác của tất cả mọi thành phần, hòa bình cuối cùng cũng có thể đạt được. Xin cho lời cầu nguyện này sẽ giúp cho các quốc gia đang tiếp tục xảy ra các cuộc xung đột nghiêm trọng sẽ tìm được những giải pháp thiết thực.

Marguerite đã giúp chúng ta nhận thức về những nỗ lực trong việc giúp đỡ cho các trẻ em là nạn nhân của những tội ác man rợ và không ngừng dấn thân cho hòa bình. Những điều chị lưu tâm chính là một sứ mạng được xem như một hạt giống đã trổ sinh nhiều hoa trái và hôm nay, nhờ vào hạt giống ấy, hàng ngàn trẻ em có thể được đi học, được phát triển và có được sức khoẻ tốt. Tôi biết ơn vì cho đến bây giờ, chị vẫn sẽ tiếp tục lan truyền thông điệp về hòa bình. Chị cho biết những người quen biết chị hẳn sẽ nghĩ rằng những điều chị đang làm là điên rồ. Tất nhiên, đó chính là sự điên rồ trong lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Ngày nay, chúng ta rất cần thêm những sự điên rồ này, đó là những sự điên rồ được chiếu sáng bởi đức tin và sự xác tín vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Hãy tiếp tục dấn thân, và xin cho tiếng nói của hy vọng mà quý vị đã nghe từ lúc khởi đầu của cuộc phiêu lưu của quý vị sẽ tiếp tục đánh động tâm hồn của quý vị cũng như của nhiều bạn trẻ.

Rose – thành viên trẻ tuổi nhất – đã cho chúng ta một lời chứng thực sự cảm động. Chị đã có thể làm lợi từ chính tài năng mà Thiên Chúa đã cho chị thông qua thể thao. Thay vì tiêu hao năng lượng của mình vào những tình huống bất lợi, chị tìm thấy sự hoàn bị nơi một cuộc sống hết sức tốt đẹp. Trong khi tôi nghe câu chuyện của chị, tôi chợt nghĩ đến cuộc sống của rất nhiều bạn trẻ – những người rất cần nghe những câu chuyện như của chị. Tôi muốn mọi người biết rằng họ có thể khám phá một điều tuyệt vời biết bao, đó là được làm con cái Thiên Chúa khi được Ngài yêu thương và chở che. Rose, tôi muốn chân thành cảm ơn chị vì những nỗ lực cũng như những cam kết trong việc khuyến khích các bạn nữ trẻ tuổi khác để họ trở lại trường lớp. Hơn nữa, chị cũng đã cầu nguyện hàng ngày cho hòa bình mau đến đối với một quốc gia còn non trẻ như Nam Sudan, vốn đang rất khao khát hòa bình.

Sau khi nghe những lời chứng vô cùng mạnh mẽ này – khiến chúng ta nghĩ về cuộc sống cá nhân của mỗi người chúng ta và làm thế nào để chúng ta đáp lại trước những tình huống của những người còn thiếu thốn xung quanh chúng ta – tôi muốn gởi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các chính phủ đã giúp đỡ những người tị nạn, những người bị buộc phải di tản cũng như những người đang xin quyền tị nạn. Đối với mọi nỗ lực được thực hiện nhằm giúp cho những người đang cần được bảo vệ là một nghĩa cử cao đẹp về sự liên đới cũng như nhìn nhận phẩm giá của họ. Đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta, đó chính là một ưu tiên để bước ra bên ngoài và gặp gỡ những người bị ruồng bỏ cũng như những người bị người ta loại ra bên lề xã hội, để rồi làm cho họ có thể cảm nghiệm được tình thương xót của Thiên Chúa – Đấng không bao giờ từ chối một ai nhưng đón nhận tất cả mọi người.

Không lâu nữa tới đây, chúng ta sẽ được nghe những lời chứng sống động của Đức Cha Antoine – người đang sống tại Aleppo, một thành phố đang chịu cảnh tàn phá dữ dội bởi chiến tranh, một nơi mà ngay cả những quyền cơ bản nhất của con người cũng bị hành xử với sự khinh miệt. Hơn nữa, những quyền ấy còn bị người ta giơ chân chà đạp một cách tàn nhẫn. Hàng ngày, chúng ta đều được nghe những tin tức về sự đau khổ không thể kể xiết gây ra bởi các cuộc xung đột tại Syria vốn đã kéo dài hơn năm năm. Trong bối cảnh của sự tàn phá dữ dội như vậy, đây chính là những anh hùng thực sự đã dám liều mình ở lại nơi đây để đem đến sự hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất cho những người đang cần được giúp đỡ. Thật đáng khâm phục những anh chị em đã tiếp tục làm việc trong bối cảnh nguy hiểm như vậy để nói với chúng ta về tình trạng bi thảm của những người dân tại Syria. Mỗi một người trong số họ đều đang rất cần đến những lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta hãy cùng nguyện xin ơn hoán cải chân thành đối với những người chịu trách nhiệm về số phận của những người dân tại những khu vực này.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng bao giờ nản lòng khi phải đối diện với nghịch cảnh. Xin cho những câu chuyện mà chúng ta đã được nghe thôi thúc mỗi người chúng ta và đem đến cho chúng ta những động lực mới để có thể cộng tác chặt chẽ hơn với nhau. Khi chúng ta trở về nhà, xin cho mỗi người chúng ta sẽ mang theo bên mình cam kết để biến những cử chỉ hàng ngày thành những cử chỉ của hòa bình và hòa giải, để có thể trở thành những chứng nhân dũng cảm và trung thành của niềm hy vọng Kitô giáo.

Minh Tuệ chuyển ngữ 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết