Đức Thánh Cha Phanxicô tại đảo Síp: ‘Chúng ta gặp gỡ chính Chúa Giêsu khi đối mặt với những người di cư’

Đức Thánh Cha Phanxicô tham gia một buổi cầu nguyện đại kết với những người di cư tại Nhà thờ Giáo xứ của Holy Cross ở Nicosia, Cyprus, ngày 3 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự buổi cầu nguyện đại kết cùng với những người di cư tại Nhà thờ Giáo xứ Thánh Giá  ở Nicosia, Cyprus, ngày 3 tháng 12 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành thời gian cầu nguyện với những người di cư trên đảo Síp, nơi hiện tiếp nhận nhiều người xin tị nạn tính theo đầu người hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong Liên minh châu Âu.

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ những người di cư, vào ngày 3 tháng 12, Vatican đã thông báo rằng họ đã giúp thu xếp việc chuyển 12 người tị nạn từ Síp đến Ý thông qua một thỏa thuận giữa Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh với chính quyền Síp và Ý.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Đức Tổng giám mục Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, chào đón tại Nhà thờ Thánh giá ở thủ đô Nicosia bị chia cắt.

“Síp, quốc gia đầu tiên trong số các hòn đảo ở Địa Trung Hải, trải qua thảm kịch của hàng nghìn người di cư, chạy trốn chiến tranh và đau khổ và những người dừng chân ở đây, không có lối thoát, không có triển vọng rõ ràng cho tương lai của họ”, Đức Tổng giám mục Pizzaballa nói.

“Thật đúng đắn và thích hợp, trước khi kết thúc cuộc hành trình của anh chị em, khi hướng ánh nhìn của anh chị em về thực tế đau thương và khó khăn vốn đang tồn tại trên hòn đảo này, trong đó những bi kịch mà Địa Trung Hải trải qua hàng ngày được trình bày một cách tượng trưng”, Đức Tổng giám mục Pizzaballa cho biết thêm.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

Bốn người di cư, đến từ Iraq, Cameroon, Sri Lanka và Cộng hòa Dân chủ Congo, đã chia sẻ lời chứng của họ với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong lời chứng của mình, Rozh Najeeb đến từ Iraq chia sẻ: “Tôi là người đang trong một cuộc hành trình. Tôi đã phải chạy trốn bạo lực, bom đạn, các cuộc chiến ác liệt, sự đói khát và đau đớn. Tôi đã bị buộc phải đi dọc theo những con đường đầy bụi, bị đẩy lên xe tải, giấu trong thùng xe, ném vào những chiếc thuyền bị rò rỉ – bị lừa dối, bị lợi dụng, bị lãng quên, bị từ chối. Tôi đã bị sử dụng vũ lực trong cuộc hành trình của mình”.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

“Tuy nhiên, cuộc hành trình của tôi cũng hướng tới một điều gì đó. Tôi phải thực hiện cuộc hành trình mỗi ngày, lo lắng để đạt được một điểm đến mới. Một nơi an toàn và lành mạnh, một nơi cho phép sự tự do và lựa chọn, một nơi mà tôi có thể cho đi và đón nhận tình yêu thương, một nơi mà tôi có thể thực hành đức tin và phong tục của mình một cách tự hào, chia sẻ chúng với những người khác, một nơi mà tôi có thể dám hy vọng”, Rozh Najeeb nói.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

Thamara da Silva đến từ Sri Lanka cho biết mỗi lần phải điền các thủ tục giấy tờ di cư, chị đã phải thay đổi danh tính của mình thành “dấu tích bên cạnh ô trên biểu mẫu”.

“Tôi phải dùng một hoặc hai từ để giải thích bản thân với một trong số ít người có thể chọn hỏi hoặc thừa nhận rằng tôi thậm chí còn ở đây. Tôi nói gì ư? Thông thường, tôi phải chọn ‘xenos’, người nước ngoài, nạn nhân, người xin tị nạn, người tị nạn, người di cư, người khác, nhưng những gì tôi muốn hét lên là ‘con người’, chị em, bạn bè, tín hữu, người lân cận”, chị da Silva nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn những người trẻ tuổi đã chia sẻ những lời chứng của họ, điều mà ngài nói là “như một tấm gương soi cho chúng ta, cho các cộng đồng Kitô giáo của chúng ta”.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

“Chính Ngài, Chúa Giêsu, Đấng mà chúng ta gặp gỡ khi đối mặt với những anh chị em bị gạt ra bên lề xã hội của mình trước tình trạng những người di cư bị coi thường, bị từ chối, bị giam giữ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Nhưng đồng thời – như anh chị em đã nói – bộ mặt của cuộc hành trình di cư hướng đến một mục tiêu, một hy vọng, đến tình bằng hữu lớn hơn của con người”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài cảm thấy mình có trách nhiệm phải giúp mọi người mở rộng đôi mắt của họ trước những đau khổ của những người di cư bị giam giữ trong các trại tập trung.

“Nhìn vào anh chị em, tôi nghĩ đến rất nhiều người đã phải quay trở lại vì họ bị từ chối và kết thúc với việc bị giam giữ trong các trại tập trung, những trại tập trung đúng với tên gọi thực sự, nơi phụ nữ bị buôn bán, đàn ông bị tra tấn, bị bắt làm nô lệ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

 “Chúng ta than phiền khi đọc những câu chuyện về các trại tập trung của thế kỷ trước, của Đức Quốc xã, của Stalin. Chúng ta phàn nàn khi chứng kiến điều này và nói, ‘nhưng điều này đã xảy ra như thế nào?’. Anh chị em thân mến, nó đang xảy ra ngày hôm nay, trên những bờ biển gần đó. … Tôi đã xem một số đoạn phim được quay về điều này: những nơi tra tấn và buôn bán người”.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

Buổi cầu nguyện đại kết được phát trực tiếp với những người di cư là sự kiện công khai cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Síp trước khi ngài đến Hy Lạp vào sáng thứ Bảy.

Vào cuối tuần, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ Đức Tổng giám mục Chính thống giáo Hy Lạp Ieronymos II tại Athens và thăm những người tị nạn trên đảo Lesbos của Hy Lạp.

Cuối bài phát biểu, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng ngài đã ghi khắc sâu trong tim hình ảnh hàng rào thép gai sau khi chứng kiến việc nó chia cắt Nicosia giữa “cuộc chiến hận thù mà đất nước này phải trải qua”.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

“Những dây thép gai ở những khu vực khác được đặt ra để không cho những người tị nạn vào. Những người đến để xin tự do, để xin cơm ăn, xin sự giúp đỡ, tình huynh đệ, niềm vui, những người đang chạy trốn khỏi sự hận thù, nhìn thấy ngay trước mặt mình một mối hận thù được gọi là dây thép gai”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Nguyện xin Thiên Chúa thức tỉnh lương tâm của tất cả chúng ta trước những điều này. Và tôi xin lỗi vì đã đề cập những điều… nhưng quả thực chúng ta không thể giữ im lặng”.

 Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube