Đức Thánh Cha Phanxicô suy từ về “Kinh Lạy Cha”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị một lời cầu nguyện tuyệt đẹp cho tuần lễ mới này: “Lạy Cha, xin tuôn đổ Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con”.

20160725 Quang truong

Đức Thánh Cha đưa ra đề nghị này trước giờ kinh Truyền Tin trưa cùng với các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, khi Ngài chia sẻ bài Tin Mừng theo Thánh Luca trình thuật về việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha”.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Khi cầu nguyện, các con hãy thưa: Lạy Cha chúng con ở trên trời …”

“Những lời này là bí quyết đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu”, Đức Thánh Cha nói. “Đó là chìa khóa mà chính Chúa Giêsu đã truyền dạy chúng ta để chúng ta cũng có thể bước vào mối tương quan đối thoại với Chúa Cha.”

Hãy để cho Thiên Chúa có chỗ hoạt động nơi mỗi người chúng ta

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Trong lời Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu kết hợp 2 lời cầu nguyện: ‘nguyện xin danh Cha được cả sáng; nước Cha trị đến’. Do đó, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cũng chính là lời cầu nguyện của các Kitô hữu, trước hết là để cho Thiên Chúa có chỗ để hoạt động trong đời chúng ta, đồng thời để cho nước Thiên Chúa ngự trị nơi đời sống mỗi người chúng ta”.

Ba lời cầu xin tiếp theo trong lời Kinh Lạy Cha, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích, “thể hiện những nhu cầu cơ bản của mỗi chúng ta: lương thực hàng ngày, sự tha thứ và sự trợ giúp trong những cơn cám dỗ”.

Thứ lương thực mà Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin chính là thứ lương thực của đoàn người lữ hành, “một thứ lương thực người ta không tích trữ và không được lãng phí, hơn nữa nó không làm cho hành trình của chúng ta trở nên nặng nề”.

Trong khi đó, ơn tha thứ chính là “điều quan trọng hơn cả mà chúng ta đã được nhận lãnh từ Thiên Chúa”. Và chỉ khi nào chúng ta ý thức mình là người tội lỗi được tha thứ nhờ vào Lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, “chúng ta mới có thể thực thi những cử chỉ cụ thể hòa giải với anh em”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nói “lời cầu xin cuối cùng – xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ – biểu lộ ý thức về thân phận mỗi người chúng ta, luôn luôn phải đối diện với những cạm bẫy của sự ác bủa giăng khắp nơi. Tất cả chúng ta đều ý thức được thế nào là những cơn cám dỗ!”.

Thái độ hoàn toàn tin tưởng

Kế đến, Đức Thánh Cha đề cập đến 2 dụ ngôn ở phần cuối  của bài Tin Mừng.

“Cả hai dụ ngôn đều dạy mỗi chúng ta về thái độ hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, là Cha mỗi chúng ta”, Đức Thánh Cha cho biết.

Chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa Cha với một thái độ “táo bạo và khẩn khoản” mặc dù Ngài thông suốt mọi sự trước khi chúng ta xin, “bởi vì đây là một phương thế giúp mỗi chúng ta dự phần vào công trình cứu độ của Ngài”.

“Đời sống cầu nguyện chính là ‘phương thế chiến đấu’ đầu tiên và chính yếu mà chúng ta nắm trong tay. Nài nỉ với Thiên Chúa không phải là để thuyết phục Ngài, nhưng để củng cố đức tin và sự kiên nhẫn của chúng ta, nghĩa là khả năng cùng Thiên Chúa chiến đấu cho những điều thực sự là quan trọng và cần thiết. Qua việc cầu nguyện, chúng ta sẽ có Chúa cùng đồng hành”.

Chúa Thánh Thần

Và một điểm hết sức quan trọng – Đức Thánh Cha nhấn mạnh – “hầu như mỡi người chúng ta bỏ quên khi cầu nguyện”.

Chúa Giêsu nói: “Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người sao?”.

“Chúa Thánh Thần! Chúng ta phải cầu xin Chúa Thánh Thần đến với mỗi người chúng ta”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh. “Lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta sẽ đẹp đẽ biết bao nếu trong tuần này, mỗi người trong chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tuôn đổ Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con”.

“Đức Trinh Nữ Maria đã cho chúng ta thấy rõ điều này qua đời sống hoàn toàn phó thác của Mẹ. Mẹ sẽ giúp chúng ta biết cách cầu nguyện với Chúa Cha và hiệp nhất với Chúa Giêsu, để chúng ta không sống theo trần tục, nhưng phù hợp với Tin Mừng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”.

Minh Tuệ (theo Zenit)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết