Đức Thánh Cha Phanxicô suy niệm về dụ ngôn người Samari nhân hậu

Trong giờ kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 10/7, Đức Thánh Cha đã suy tư về dụ ngôn người Samari nhân hậu.

20160711 ĐTC

Dụ ngôn này – Đức Thánh Cha nói – được thuật lại một cách giản dị nhưng đầy thú vị, “cho thấy một lối sống mà trong đó trọng tâm không phải là chính mình nhưng chính là tha nhân”. Cũng như các luật sĩ trong bài Tin Mừng, ngày nay mỗi chúng ta cũng phải chất vấn bản thân mình: “Ai là người thân cận của tôi? Liệu đó có phải là bạn bè của tôi, cha mẹ tôi, những người đồng hương hay những người cùng tôn giáo với tôi không? “.

Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi đó một cách trực tiếp, thay vào đó, Ngài tường thuật dụ ngôn về người Samari nhân hậu – vốn bị coi là dân ngoại – thế nhưng anh lại có một tâm hồn rộng mở để giúp đỡ cho người đàn ông đáng thương kia vốn là nạn nhân của bọn cướp – trái ngược với các thầy thượng tế và Lêvi đã tránh sang một bên mà đi và bỏ mặc cho người đàn ông nằm chơ vơ bên vệ đường.

Dụ ngôn này – Đức Thánh Cha cho biết – hoàn toàn trái ngược với quan điểm thông thường của chúng ta. Đó không phải là để chúng ta xét xem liệu ai là người thân cận của mình. Thay vào đó, để quyết định ai đó có phải là người thân cận của chúng ta hay không tất cả đều phụ thuộc vào mỗi cá nhân. “Việc đó phụ thuộc vào tôi” – Đức Thánh Cha nhấn mạnh – “để trở nên người thân cận hoặc không là người thân cận với những người mà tôi gặp gỡ và cần đến sự giúp đỡ của tôi, thậm chí đó là những người không quen biết, hay có khi đó là kẻ thù địch với tôi – tất cả đều phụ thuộc vào tôi”.

Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi các thượng tế và luật sĩ – kể cả mỗi người trong chúng ta nữa – hãy có Lòng thương xót như người Samari nhân hậu. Chúng ta phải có thái độ của người Samari nhân hậu để minh chứng cho đức tin của chúng ta. Đức Thánh Cha đã trích dẫn trong thư Thánh Giacôbê Tông Đồ, nhắc nhở chúng ta rằng “Đức tin không có việc làm là Đức tin chết”. Chúng ta nên tự chất vấn bản thân mình rằng liệu Đức tin của chúng ta có sinh hoa kết trái qua những cử chỉ bác ai hay những việc thiện không, hay trái lại, Đức tin ấy đã trở nên cằn cỗi, “và nó đã lụi tàn hơn là đang tồn tại”.

Chúng ta phải thường xuyên chất vấn bản thân mỗi người chúng ta như vậy – Đức Thánh Cha tiếp tục – bởi vì chính Thiên Chúa cũng sẽ chất vấn chúng ta như vậy trong ngày phán xét. Thiên Chúa sẽ chất vấn chúng ta, “Con có nhớ lúc con đi từ thành Giêrusalem đến Giêrikhô con đã gặp ai không? Người đàn ông bị bọn cướp đánh nhừ tử, bán sống bán chết nằm bên vệ đường lúc ấy chính là Ta. Con nhớ chứ? Những đứa trẻ đói khát. Con nhớ chứ? Những người di dân bị người ta xa lánh chính là Ta đây. Những người đau yếu, già nua bị bỏ rơi nơi những viện dưỡng lão chính là Ta đây. Những người bệnh tật nơi các bệnh viện không có ai đến thăm nom cũng chính là Ta đây”.

Với những đòi hỏi của Tin Mừng như vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn xin Đức Trinh Nữ Maria “giúp mỗi người chúng ta biết bước đi trên con đường của tình yêu quảng đại đối với tha nhân, con đường của người Samari nhân hậu”.

Minh Tuệ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết