Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Sự hiệp nhất Kitô giáo là một hành trình của tinh thần Hiệp hành và đời sống chứng tá’

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo thuộc nhiều giáo phái khác nhau đã cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô tham gia buổi cầu nguyện chung vào tối hôm thứ Sáu tại Quảng trường Các Thánh Tử Đạo Tiên Khởi của Vatican cùng với hàng ngàn tín hữu từ khắp nơi trên thế giới, đánh dấu kỷ niệm 62 năm Công đồng Vatican II và sự khởi đầu của một kỷ nguyên đại kết mới.

Ngày 11 tháng 10 không phải là ngày ngẫu nhiên khi nó được đóng khung trong ký ức về Công đồng Vatican II đã được long trọng khai mạc vào cùng ngày này cách đây 62 năm. Theo lời của Tổng thư ký Thượng Hội đồng, Công đồng Vatican II “khai mạc một kỷ nguyên đại kết mới mà Thượng Hội đồng là một biểu hiện và bằng chứng trong mong muốn tích cực trong việc giúp toàn thể Giáo hội tiến bước trên con đường của sự hiệp nhất trọn vẹn”.

Hiệp nhất và Tử đạo

Trong bài giảng được chuẩn bị cho buổi canh thức đại kết đánh dấu dịp kỷ niệm đó và với sự tham gia của các Nghị phụ Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy ngẫm về sự hiệp nhất và tử đạo của các Kitô hữu, tập trung suy tư của mình vào lời của Chúa Giêsu: “Vinh quang mà Cha đã ban cho Con, Con đã ban cho họ” (Ga 17:22).

Đức Thánh Cha giải thích rằng những lời này đặc biệt áp dụng cho các vị tử đạo, những người đã làm chứng cho Chúa Kitô và làm vinh danh Thiên Chúa.

Trong buổi canh thức tại Quảng trường Các Thánh Tử Đạo Tiên Khởi nằm cạnh Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, nơi theo truyền thống, Thánh Phêrô đã chịu phúc tử đạo, và cử hành phụng vụ trong đó nhiều văn bản và lời cầu nguyện được trích từ một số văn kiện và Giáo huấn quan trọng của Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Giáo hội được xây dựng trên máu của họ”, điều mà ngài nói thêm rằng tiếp tục là một minh chứng cho lời kêu gọi bền bỉ về sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu.

“Máu của các vị tử đạo tiên khởi là minh chứng cho lời kêu gọi bền bỉ về sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu”.

Buoir cầu nguyện chung tại Vatican (Ảnh: Vatican News)

Buổi cầu nguyện đại kết tại Vatican (Ảnh: Vatican News)

Sắc lệnh của Công đồng Vatican II về Đại kết

Đức Thánh Cha đã nhắc lại Giáo huấn trong Sắc lệnh về Đại kết của Công đồng Vatican II, Unitatis Redintegratio, nhắc nhở chúng ta rằng “các Kitô hữu càng gần Chúa Kitô bao nhiêu, thì họ càng gần gũi nhau bấy nhiêu”.

Mối liên hệ sâu sắc này, Đức Thánh Cha nói, được duy trì nhờ lời cầu nguyện của các thánh và các vị tử đạo, những người vẫn tiếp tục đồng hành cùng Giáo hội trên cuộc hành trình đại kết.

Phát biểu trước các đại biểu huynh đệ và các nhà lãnh đạo của các Giáo hội Kitô giáo khác tụ họp nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời của Thánh Gioan XXIII, người mà khi khai mạc Công đồng Vatican II, đã bày tỏ lòng mong muốn “làm việc và chịu đau khổ cho đến bình minh của ngày mà lời cầu nguyện của Chúa Giêsu Kitô trong Bữa Tiệc Ly sẽ được ứng nghiệm cho tất cả mọi người”.

Hiệp nhất và Hiệp hành: Một con đường chung

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng sự hiệp nhất và Hiệp hành Kitô giáo có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và đồng thời mô tả rằng Hiệp hành là con đường mà Thiên Chúa mong đợi ở Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba.

Nhấn mạnh chiều kích đại kết của cách tiếp cận theo tinh thần Hiệ phành, ngài cho biết đây là con đường mà tất cả các Kitô hữu phải đi: “Hành trình của tinh thần Hiệp hành… là và phải mang tính đại kết”.

Cuộc hành trình này, Đức Thánh Cha khẳng định, không phải là để tạo ra điều gì đó mới mẻ mà là để chào đón món quà hiệp nhất mà Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta.

“Sự hiệp nhất là một ân sủng”, Đức Thánh Cha nói, giải thích rằng Thượng Hội đồng là một tiến trình khám phá và “chúng ta không biết trước kết quả của Thượng Hội đồng sẽ như thế nào”, cũng như chúng ta không thể dự đoán sự hiệp nhất mà chúng ta được mời gọi sẽ biểu hiện trọn vẹn như thế nào.

Buổi cầu nguyện đại kết tại Vatican (Ảnh: Vatican News)

Buổi cầu nguyện đại kết tại Vatican (Ảnh: Vatican News)

Một hành trình hướng tới sự hòa hợp, không phải sự đồng nhất

Suy ngẫm về những bài học rút ra từ tiến trình Hiệp hành, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng sự hiệp nhất Kitô giáo không phải là sự đồng nhất, mà là sự hòa hợp.

Đức Thánh Cha nói rằng “sự hiệp nhất là sự hòa hợp giữa các đặc sủng đa dạng”, mang đến sự sống bởi Chúa Thánh Thần vì lợi ích của tất cả mọi Kitô hữu. Sự hòa hợp này không đến từ nỗ lực của con người mà từ Thánh Thần, Đấng mà Thánh Basil mô tả là “chính sự hòa hợp”.

Khuyến khích các Kitô hữu tiến bước trong tình yêu thương và phục vụ, tin tưởng rằng những khó khăn sẽ không ngăn cản hành trình hướng đến sự hiệp nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi: “Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa Thánh Thần, Đấng đưa chúng ta đến sự hiệp nhất trong sự hòa hợp của sự đa dạng về nhiều phương diện”.

Hiệp nhất vì sứ vụ

Chuyển sự chú ý của mình sang chứng tá Kitô giáo, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự hiệp nhất Kitô giáo là điều cần thiết cho sứ vụ.

Trích dẫn Tin Mừng Thánh Gioan, Đức Thánh Cha nói: “Để tất cả nên một… để thế gian tin” (Ga 17:21), nhấn mạnh xác tín của các Nghị phụ Công đồng rằng sự chia rẽ giữa các Kitô hữu “là một điều tai tiếng đối với thế giới” và làm tổn hại đến sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo hội.

Đức Thánh Cha đề cập đến “phong trào đại kết bằng giá máu”, được thể hiện qua các vị tử đạo tiên khởi của Rôma và các Kitô hữu thuộc nhiều truyền thống khác nhau, những người ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới, cùng nhau hy sinh mạng sống vì đức tin của mình.

“Chứng tá của họ có sức mạnh hơn bất kỳ lời nói nào”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời nhắc nhở các tín hữu rằng sự hiệp nhất nảy sinh từ Thập giá Chúa Kitô.

Buổi cầu nguyện đại kết tại Vatican (Ảnh: Vatican News)

Buổi cầu nguyện đại kết tại Vatican (Ảnh: Vatican News)

Lời mời gọi vượt qua sự chia rẽ

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng Thượng Hội đồng đang diễn ra sẽ mang đến cơ hội để các Kitô hữu vượt qua những chia rẽ đang tiếp tục cản trở chứng tá chung của họ.

“Thế giới cần chứng tá chung của chúng ta”, Đức Thánh Cha nói, “và chúng ta được mời gọi trung thành với sứ mạng chung của mình với tư cách là những môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô”.

Suy tư về mẫu gương của Thánh Phanxicô Assisi, người đã đón nhận sứ mạng của mình trước hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện để Thập giá Chúa Kitô sẽ hướng dẫn các Kitô hữu trong hành trình hằng ngày của họ hướng tới sự hiệp nhất và hòa hợp trọn vẹn với nhau và với toàn thể công trình sáng tạo.

“Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình” (Cl 1:19-20).

Thiên Ân (theo Vatican News)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết