Hôm thứ Tư, ngày 7 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục loạt bài chia sẻ Giáo lý cho buổi tiếp kiến chung về những thói xấu và nhân đức bằng cách tập trung vào sự buồn phiền, nhận xét rằng nó có thể “được hiểu là sự chán nản của tâm hồn, một nỗi ưu phiền thường xuyên ngăn cản con người cảm thấy vui mừng trước sự tồn tại của chính mình”.
Trong buổi tiếp kiến ngày 7 tháng 2, Đức Thánh Cha nhận xét rằng nỗi buồn có thể mang một hình thức nham hiểm và mang tính hủy hoại và có thể được hiểu như một “căn bệnh của tâm hồn” vốn “xâm nhập vào tâm hồn và khiến nó kiệt quệ trong trạng thái chán nản” và “phải kiên quyết chiến đấu chống lại nó”.
Sự buồn phiền có thể đặc biệt khó giải quyết đối với con người vì nó “có liên quan đến trải nghiệm của sự mất mát” và do đó “nổi lên trong tâm hồn con người khi một ước muốn hay hy vọng tan biến”, Đức Thánh Cha nói với các tín hữu hiện diện trong buổi tiếp kiến tại Đại thính đường Phaolô VI.
“Trong trái tim con người nảy sinh những hy vọng nhưng đôi khi lại bị tiêu tan. Đó có thể là ước muốn sở hữu một điều gì đó mà thay vào đó chúng ta không thể có được, nhưng nó cũng có thể là một điều gì đó quan trọng, chẳng hạn như sự mất mát về mặt cảm xúc”, Đức Thánh Cha nói. “Khi điều này xảy ra, dường như trái tim con người rơi từ vách núi xuống vực thẳm, và những cảm xúc mà anh ta cảm thấy là chán nản, yếu đuối về tinh thần, tuyệt vọng và thống khổ”.
Suy ngẫm về tính phổ quát của hình thức buồn phiền thứ hai này như một trải nghiệm vốn có trong thân phận con người, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “tất cả chúng ta đều trải qua những thử thách tạo ra sự buồn phiền trong mình, bởi vì cuộc sống khiến chúng ta hình thành những giấc mơ rồi sau đó tan vỡ”.
Đức Thánh Cha đối chiếu những cách thức khác nhau mà chúng ta có thể phản ứng trước những tình huống hỗn loạn và choáng váng này bằng cách nói rằng một số người “cậy dựa vào niềm hy vọng” trong khi “những người khác đắm mình trong nỗi u sầu, để cho nó mưng mủ trong tâm hồn họ”.
“Nỗi buồn phiền là điều thú vị của những sự không vui”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.
Đức Thánh Cha cảnh báo các tín hữu hãy cảnh giác, nhấn mạnh những trạng thái tàn phá và cô lập thường xảy ra khi bị vướng vào “những nỗi đau buồn kéo dài nào đó”, vì chính trong trạng thái này “một người tiếp tục mở rộng khoảng trống của một người không còn ở đó nữa”.
“Một số sự cay đắng phẫn uất nhất định, khi một người luôn có một sự khẳng định trong đầu khiến họ đội lốt nạn nhân, không tạo ra một cuộc sống lành mạnh trong chúng ta, chứ đừng nói đến một cuộc sống Kitô hữu”, Đức Thánh Cha nói. “Có điều gì đó trong quá khứ của mỗi người cần được chữa lành. Sự buồn phiền, từ một cảm xúc tự nhiên, có thể biến thành một trạng thái tâm trí đen tối. Đó là một con quỷ quỷ quyệt, một con quỷ của sự buồn phiền đau khổ”.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã đặt cạnh hình thức đau buồn này – vốn dẫn đến thói quen tự hủy hoại bản thân và xa cách Thiên Chúa – một hình thức đau buồn “thích hợp” hoặc, như Đức Thánh Cha đã gọi, là “nỗi buồn thân thiện” vốn có thể hỗ trợ các Kitô hữu trong đời sống và sự phát triển tâm linh của họ.
Nhắc lại rằng sự phân biệt này đã được các Giáo phụ rút ra, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng hình thức đau buồn này có thể “với ân sủng của Thiên Chúa có thể biến thành niềm vui” và khuyến khích các tín hữu hãy nhớ rằng nó “không thể bị bác bỏ” vì đây là “một phần thiết yếu của con đường hoán cải”.
Để đưa ra một ví dụ về sự buồn phiền “thân thiện” có tính biến đổi này, Đức Thánh Cha đã nhắc đến dụ ngôn người con hoang đàng trong Tin Mừng Luca. Trong câu chuyện Kinh Thánh này, một người con trai xin cha mình chia cho tài sản thừa kế nhưng ngay sau đó đã phung phí hết số tiền của mình và rơi vào tình trạng túng quẫn và tuyệt vọng.
Tự nhận thấy mình bị cô lập và sau khi phải lao động trong những điều kiện khủng khiếp, người con thứ trở về với cha mình với tấm lòng ăn năn thống hối để tìm kiếm sự tha thứ – và anh đã được vui mừng chào đón trở lại.
Trong bối cảnh của câu chuyện này, Đức Thánh Cha nói: “Thật là một ân sủng khi than khóc về tội lỗi của mình, nhớ lại tình trạng ân sủng mà chúng ta đã sa ngã, khóc lóc vì chúng ta đã đánh mất sự thanh khiết mà Thiên Chúa đã mơ ước về chúng ta”.
Vào cuối buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự gần gũi với “những người trẻ, các bệnh nhân, những người già và các cặp vợ chồng mới cưới”, đồng thời khẩn cầu “sự dịu dàng mẫu tử” của Đức Mẹ Lộ Đức, mà Giáo hội Công giáo cử hành vào Chúa Nhật , ngày 11 tháng 2.
Minh Tuệ (theo CNA)