Đức Thánh Cha nhắn nhủ với các Giám mục Ba Lan rằng hiện đang có những tổ chức mạnh mẽ tài trợ cho việc phổ biến ‘Lý thuyết về Giống’ trong các trường học.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh việc Ngài gọi ‘Lý thuyết về Giống’ – “qua đó cho biết tất cả mọi người có quyền chọn giới tính riêng cho mình” – là một hành động “hoàn toàn đi ngược lại” với công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Trong một cuộc họp với các Giám mục Ba Lan nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, mà bản dịch đã được Tòa Thánh công bố hôm qua 3/8, Đức Thánh Cha nhắn nhủ với các Giám mục Ba Lan rằng hiện đang có những tổ chức mạnh mẽ tài trợ cho việc phổ biến ‘Lý thuyết về Giống’ trong các trường học.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Ngài cũng đã từng thảo luận về vấn đề này với Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI. Đức Nguyên Giáo Hoàng cũng có lần nói với người kế nhiệm mình rằng: “Thưa Đức Thánh Cha, chúng ta đang sống giữa thời đại đầy rẫy những tội lỗi chống lại Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa”.
Đức Thánh Cha Phanxicô lên án tội ác này thường được chống lưng và hỗ trợ tài chính bởi “các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn mạnh”: đây là một hình thức “thực dân hóa bằng ý thức hệ” – Đức Thánh Cha cho biết – và đây quả là điều “vô cùng khủng khiếp”.
Đức Thánh Cha đơn cử một ví dụ điển hình – “Tôi muốn khẳng định đó chính là vấn đề giới tính”.
Đức Thánh Cha nhắn nhủ với các Giám mục Ba Lan: “Ngày nay, trẻ em trong các trường học được giáo dục rằng: mọi người có quyền chọn lựa giới tính cho riêng mình. Và lý do tại sao các trường học lại giáo dục trẻ em như vậy? Bởi vì các giáo trình đều xuất phát từ những cá nhân cũng như những tổ chức hỗ trợ tài chính cho họ”, Ngài khắng định.
“Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ; ngay từ thưở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ như vậy, và nhân loại chúng ta ngày nay đang làm những điều ngược lại”.
Đức Thánh Cha đã kết nối ‘Lý thuyết về Giống’ với việc bóc lột con người cũng như các tài nguyên thiên nhiên trên toàn thế giới. Ngài khuyến cáo rằng cả hai vấn nạn này đều xuất phát từ một sự thiếu tôn trọng phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại. “Đây quả là một vấn đề toàn cầu: việc bóc lột công trình sáng tạo của Thiên Chúa và bóc lột con người. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà con người chính là hình ảnh của Thiên Chúa đang dần bị tiêu diệt”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.
Đồng thời, Đức Thánh Cha cho biết chính những hành động bóc lột này sẽ dẫn đến cảnh chiến tranh và nghèo đói, lần lượt sau đó sẽ là các cuộc khủng hoảng của những người tị nạn.
Trong thông điệp ‘Laudato Si’, Đức Thánh Cha cũng đã kết nối việc bóc lột kinh tế với ‘Lý thuyết về Giống’. Ngài đã chỉ trích mong muốn: hủy bỏ sự khác biệt về giới tính”, Ngài cho biết: “lối suy nghĩ rằng con người chúng ta có quyền tuyệt đối trên cơ thể chính mình đã biến đổi một cách tinh vi thành lối suy nghĩ rằng con người chúng ta cũng có quyền tuyệt đối trên công trình sáng tạo của Thiên Chúa”.
Những nhận định trên của Đức Thánh Cha về sự bóc lột được đưa ra sau một câu hỏi từ Đức Cha Krzysztof Zadarko – Giám Mục Phụ tá Địa phận Koszalin-Kolobrzeg. Ngài đã đặt vấn đề rằng làm thế nào để giúp đỡ cho những người di cư đến Châu Âu và để giải quyết “nỗi sợ hãi về sự xâm phạm hoặc công kích có khả năng xảy ra vốn đã làm tê liệt xã hội”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết phản ứng của mỗi chính phủ sẽ phải phụ thuộc “vào tình hình của mỗi quốc gia và nền văn hóa khác nhau”. Nhưng Ngài nói tất cả mọi người phải “có tâm hồn rộng mở để sẵn sàng đón nhận … Tuyệt đối phải như vậy!”.
Tại Đại hội Giới trẻ Thế Giới diễn ra trong tuần qua, Đức Thánh Cha đã kêu gọi Ba Lan “hãy chào đón những người dân đáng thương đã phải chạy trốn khỏi chiến tranh và nạn đói kém”, Ngài xem đây như một thách đố lớn đối với một quốc gia mà nơi đây đang có một sự phản đối mạnh mẽ công khai trước tình trạng di cư hàng loạt.
Trong cuộc họp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời nhiều vấn đề được đặt ra từ bốn vị Giám mục. Đức Cha Marek Jędraszewski – Tổng Giám mục Địa phận Lodz đã hỏi Đức Thánh Cha về phản ứng của Giáo Hội đối với “nền văn hóa đương đại tự do và vô thần”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo về “chủ nghĩa duy linh chủ quan không có Chúa Kitô”, đồng thời Ngài nói rằng, để đem Chúa Kitô đến với mọi người, các Giám mục cũng như các Linh mục phải trở nên gần gũi hơn với các tín hữu.
Đức Thánh Cha đã nhắc đến mẫu gương của Thánh Gioan Phaolô II, “Ngài là một Linh mục Ba Lan hết sức gần gũi với các sinh viên đại học. Ngài đã cùng đồng hành với họ, đưa họ đến những ngọn núi và cùng chơi thể thao với các sinh viên này. Ngài luôn lắng nghe và là người đồng hành với các bạn trẻ”, Đức Thánh Cha cho biết.
Minh Tuệ