Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn mẫu gương của Thánh Charles de Foucauld để chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư trong loạt bài chia sẻ Giáo lý đang diễn ra về lòng nhiệt thành tông đồ để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung cuộc sống của chúng ta vào Chúa Giêsu.
Khi kết thúc bài phát biểu trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 18 tháng 10, Đức Thánh Cha đã kêu gọi hòa bình tại Trung Đông và đồng thời tuyên bố rằng ngày 27 tháng 10 đã được chỉ định là ngày ăn chay và cầu nguyện.
Trước các tín hữu đang tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha cho biết “bước đầu tiên” cho việc truyền giáo và hoán cải là đặt “Chúa Giêsu nơi trung tâm trái tim của mỗi người”.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng “chúng ta có nguy cơ nói về bản thân, nhóm của chúng ta, một nền đạo đức, hoặc thậm chí tệ hơn, một bộ quy tắc, nhưng không phải về Chúa Giêsu, tình yêu của Ngài, lòng thương xót của Ngài”.
Đức Thánh Cha cho biết thêm, trong những nhận xét không được viết sẵn: “Tôi nhận thấy điều này trong một số phong trào mới đang nổi lên: Họ nói về tầm nhìn của họ về nhân loại, họ nói về linh đạo của họ và họ cảm thấy họ đang đi trên một con đường mới… Nhưng tại sao bạn không nói về Chúa Giêsu? Họ nói về nhiều thứ, về tổ chức, về những đường hướng tâm linh, nhưng họ không biết nói về Chúa Giêsu như thế nào”.
Điển hình cho lòng yêu mến Thánh Thể này là Thánh Charles de Foucauld, người đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh vào năm 2022. Sinh năm 1858, Thánh Charles de Foucauld dành trọn cuộc đời mình cho công việc truyền giáo ở Sahara, sống và làm việc giữa người Tuareg (một nhóm nhỏ của dân tộc Berber).
Sau khi phục vụ trong kỵ binh Pháp, Charles de Foucauld tiếp tục trở thành một tu sĩ Dòng Trappist, phục vụ người nghèo ở Syria, một trải nghiệm đã có tác động sâu sắc và giúp ngài xác định sự cảm thông về sự nghèo đói. Sau đó, tu sĩ Charles de Foucauld đã tách khỏi Dòng Trappist và đến Palestine, nơi ngài đến sống gần với các tu sĩ Dòng Thánh Clare Hèn Mọn.
“Chính tại Nazareth, Thánh Charles de Foucauld nhận ra mình phải được đào tạo trong trường học của Chúa Kitô. Charles de Foucauld đã trải qua một mối tương quan mãnh liệt với Chúa Kitô, dành nhiều giờ để đọc Phúc Âm, và cảm thấy như người em của Ngài. Và khi đã kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, ước muốn làm cho Chúa Giêsu được biết đến nảy sinh trong Ngài”, Đức Thánh Cha nói.
Chính thời gian ở Palestine đã mang lại cho Thánh Charles de Foucauld nguồn cảm hứng để viết những tác phẩm phong phú của mình, bao gồm “Những bức thư từ sa mạc”, “Niềm hy vọng trong các sách Tin Mừng” và “Những suy tư của một ẩn sĩ”.
Những tác phẩm này đã trở thành di sản tinh thần cốt lõi của Thánh Charles de Foucauld, truyền cảm hứng cho việc thành lập nhiều Dòng tu trong tương lai. Thánh Charles de Foucauld đã bị ám sát vào năm 1916 tại nơi ngài sống ẩn dật ở Tamanghasset ở miền nam Algeria sau khi bị bắt cóc bởi một nhóm bộ lạc có vũ trang liên kết với Senussi Bedouins.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khép lại Thông điệp năm 2020 về Tinh thần huynh đệ và hành động xã hội Fratelli Tutti với suy tư về Thánh Charles de Foucauld, ngài viết: “Chân Phước Charles đã hướng lý tưởng hoàn toàn quy phục Thiên Chúa của mình tới việc gắn bó chặt chẽ với người nghèo, bị bỏ rơi trong sâu thẳm sa mạc Châu Phi. Trong bối cảnh đó, Chân Phước Charles bày tỏ mong muốn cảm thấy mình là người anh em của tất cả mọi người, và đề nghị một người bạn ‘cầu nguyện với Thiên Chúa để tôi thực sự trở thành người anh em của tất cả mọi người’. Cuối cùng, Chân Phước Charles muốn trở thành ‘người anh em hoàn vũ’. Tuy nhiên, chỉ bằng cách đồng nhất với những người nhỏ bé nhất, cuối cùng ngài trở thành người anh em của tất cả mọi người. Nguyện xin Thiên Chúa truyền cảm hứng cho ước mơ đó nơi mỗi người chúng ta”.
Trong bài chia sẻ Giáo lý hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý rằng trong khi de Foucauld sống “thời niên thiếu xa cách Thiên Chúa”, ngài đã hoán cải “bằng cách đón nhận ân sủng tha thứ của Thiên Chúa qua việc đến với Bí tích Giải tội”. Chân Phước Charles là người “rút ra từ kinh nghiệm mãnh liệt của mình về Thiên Chúa, thực hiện một cuộc hành trình biến đổi để cảm thấy mình là người anh em của tất cả mọi người”, Đức Thánh Cha nói, trích dẫn Fratelli Tutti.
Ngược lại với cuộc đời của Thánh Charles de Foucauld, Đức Thánh Cha than phiền về việc lòng sùng kính Thánh Thể ngày nay đã không còn. “Tôi tin chắc rằng chúng ta đã đánh mất cảm thức của việc tôn thờ; chúng ta phải khôi phục lòng sùng mộ này, bắt đầu từ chúng ta là những người sống đời thánh hiến, các Giám mục, Linh mục, Nữ tu và tất cả những người sống đời thánh hiến. ‘Đốt thời gian’ trước Nhà tạm, để lấy lại cảm thức của việc tôn thờ”, Đức Thánh Cha nói trong một nhận xét không chuẩn bị sẵn.
Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày cuộc đời của Thánh Charles de Foucauld như một liều thuốc giải độc cho xu hướng này khi nói rằng chúng ta “bằng cách quỳ gối và đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn truyền cảm hứng cho những cách thức mới để tham gia, gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại, luôn trong tinh thần cộng tác và tin tưởng, luôn luôn hiệp thông với Giáo Hội và các vị Mục tử”.
“Mỗi Kitô hữu đều là một tông đồ”, Đức Thánh Cha nói, trích lời của Thánh Charles de Foucauld. Bằng cách này, Đức Thánh Cha tiếp tục, “Thánh Charles de Foucaulds tiên báo về thời điểm của Công đồng Vatican II. Ngài trực cảm được tầm quan trọng của giáo dân và nhận thức rằng việc rao giảng Tin Mừng tùy thuộc vào toàn thể dân Chúa”.
Đức Thánh Cha kết thúc buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư bằng cách nhắc lại lời kêu gọi hòa bình tại Thánh Địa. “Mọi suy nghĩ của tôi hướng về Palestine và Israel. Nạn nhân ngày càng gia tăng và tình hình ở Gaza ngày càng trở nên tuyệt vọng. Xin hãy làm mọi điều có thể để tránh một thảm họa nhân đạo”, Đức Thánh Cha kêu gọi.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm: “Chiến tranh không giải quyết được vấn đề gì…Nó chỉ gieo rắc sự chết chóc và sự hủy diệt, kích động sự hận thù, gia tăng các hành động trả thù. Chiến tranh hủy bỏ tương lai, nó phá hủy tương lai”.
Với việc kêu gọi một ngày cầu nguyện và ăn chay, Đức Thánh Cha đã mời gọi các thành viên thuộc các tôn giáo khác tham gia buổi cầu nguyện liên tôn cho hòa bình vào lúc 6 giờ chiều ngày 27 tháng 10 tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Minh Tuệ (theo CNA)