Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các thành viên Học viện Almo Capranica: ‘Hãy gần gũi với Thiên Chúa và người nghèo’

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến ​​các thành viên của Học viện "Almo Collegio Capranica” (VATICAN MEDIA Divisione Foto)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến ​​các thành viên của Học viện “Almo Collegio Capranica” (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Ngỏ lời với các chủng sinh đang cư trú tại “Almo Collegio Capranica” ở Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục họ đặt sứ mạng của mình trên mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và Dân Người, lòng bác ái và tinh thần Hiệp hành.

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đón tiếp các Bề trên, sinh viên và cựu sinh viên của Chủng viện Giáo phận Rôma, “Almo Collegio Capranica”, trước dịp Lễ Bổn mạng của họ, Thánh Agnes.

Học viện Capranica là học viện lâu đời nhất tại Rôma, được thành lập vào thế kỷ 15 bởi Đức Hồng y Domenico Capranica, và đào tạo các chủng sinh chủ yếu từ Rôma và các vùng còn lại của Ý, cũng như từ các Giáo phận trên toàn thế giới. Cựu sinh viên của trường bao gồm các giáo sĩ đáng chú ý, bao gồm Đức Giáo hoàng Benedict XV và Đức Giáo hoàng Piô XII.

Tính phổ quát và đa dạng của Giáo hội

Chào đón khoảng 60 chủng sinh, phó tế, Linh mục và sinh viên tại Hội trường Clementine hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng sự đa dạng này thể hiện bản chất phổ quát và đa diện của Dân Thánh của Thiên Chúa.

“Đừng quên Dân thánh trung thành của Thiên Chúa, tức là chúng ta, Giáo hội, và đừng quên điều thần học nói: Dân thánh trung thành của Thiên Chúa ‘bất khả ngộ trong đức tin’ (infallible in credendo)”.

Nhắc lại rằng tên gọi của Học viện “Almo” có nghĩa là “thứ nuôi dưỡng” hoặc “thứ mang lại sự sống” trong tiếng Ý cổ và trích dẫn một đoạn trong ‘Thần khúc’ của Dante Alighieri, Đức Thánh Cha ví chủng viện Rôma như một môi trường nuôi dưỡng và duy trì sự phát triển tâm linh, miễn là sinh viên của trường luôn tập trung và không đi chệch khỏi ơn gọi của mình.

“Trong một bối cảnh như của các huynh đệ, người ta có thể được ‘nuôi dưỡng tốt’ nếu người đó không lạc đường bằng cách ‘lang thang vô định’”, Đức Thánh Cha nói.

Một khoảnh khắc khác trong buổi tiếp kiến các thành viên Học viện "Almo Collegio Capranica"

Một khoảnh khắc khác trong buổi tiếp kiến các thành viên Học viện “Almo Collegio Capranica”

Duy trì mối tương quan với Thiên Chúa

Trọng tâm trong suy tư của Đức Thánh Cha là sự cần thiết của việc các Linh mục và chủng sinh phải duy trì 4 mối tương quan thiết yếu: với Thiên Chúa, với vị Giám mục Địa phận, với dân chúng và giữa họ với nhau. Những mối tương quan này, ngài nhấn mạnh, đảm bảo các mục tử không “lang thang vô định” trong hành trình đức tin của họ.

Đức Thánh Cha cũng thúc giục họ hoàn toàn đón nhận tinh thần Hiệp hành ngay trong quá trình đào tạo của mình, đồng thời lưu ý đến lời kêu gọi của Thượng Hội đồng gần đây về việc đổi mới tinh thần, cải cách cơ cấu và một Giáo hội có tính tham gia và truyền giáo hơn, đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người.

Tính Hiệp hành và lòng bác ái đối với người nghèo

Cảm ơn Học viện vì những đóng góp phụng vụ cho Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả và Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi họ thể hiện “sự gần gũi” tương tự với những người mà họ phục vụ trong phụng vụ.

“Sẽ không có phụng vụ Kitô giáo nếu những cử chỉ chúng ta thực hiện không tương xứng với đời sống đức tin, đức cậy và đức mến”, ngài nói.

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha khen ngợi công tác mục vụ của họ, bao gồm việc hỗ trợ những người gặp khó khăn, vốn là biểu hiện cụ thể của tình yêu Kitô giáo.

Việc phục vụ người nghèo và những người bị gạt ra bên lề này giúp họ tránh đánh mất sứ mạng của họ, Đức Thánh Cha nói, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của mối tương quan cá nhân với người nghèo, nơi có sự hiện diện của Chúa Giêsu.

“Điều quan trọng không phải là việc bố thí, mà là mối tương quan với người nghèo, với người nghèo, Chúa Giêsu hiện diện ở đó. Hãy nhìn vào mắt họ; chạm vào đôi bàn tay của họ”.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu xin sự chuyển cầu của Đức Maria Salus Populi Romani (Đấng bảo vệ dân thành Rôma) và Thánh Agnes, Bổn mạng của họ.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết