![Hội nghị thượng đỉnh Hành động về Trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra tại Grand Palais ở Paris vào ngày 10–11 tháng 2 năm 2025 (Ảnh: LUDOVIC MARIN/AFP qua Getty Images)](https://dcctvn.org/media/uploads/2025/02/aiactionsummit021125.jpg)
Hội nghị thượng đỉnh Hành động về Trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra tại Grand Palais ở Paris từ ngày 10–11 tháng 2 năm 2025 (Ảnh: LUDOVIC MARIN/AFP qua Getty Images)
Trong thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Hành động Trí tuệ nhân tạo tại Paris diễn ra từ ngày 10–11 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lập trường của mình rằng những đổi mới công nghệ cuối cùng phải phục vụ và bảo vệ nhân loại.
Đức Thánh Cha đã trích dẫn lời triết gia người Pháp Jacques Maritain trong thông điệp ngày 11 tháng 2 của mình rằng: “Tình yêu đáng giá hơn trí tuệ”, và đồng thời bày tỏ sự quan ngại rằng việc quá chú trọng vào dữ liệu và thuật toán có thể thao túng sự thật một cách nguy hiểm và làm suy yếu khả năng sáng tạo của con người.
“Trong Thông điệp Dilexit Nos gần đây nhất của tôi, tôi đã phân biệt giữa hoạt động của các thuật toán và sức mạnh của ‘trái tim’”, Đức Thánh Cha chia sẻ.
“Tôi thúc giục tất cả các tham dự viên tham gia Hội nghị thượng đỉnh Paris đừng quên rằng chỉ có ‘trái tim’ con người mới có thể tiết lộ ý nghĩa sự tồn tại của chúng ta”.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đồng tổ chức tại Grand Palais của Pháp, đã quy tụ hàng trăm quan chức chính phủ, giám đốc điều hành doanh nghiệp, các nhà khoa học và nghệ sĩ để thảo luận về tác động của Trí tuệ nhân tạo (AI) đối với lĩnh vực quản trị toàn cầu và nền kinh tế.
Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại Trưởng Vatican, là diễn giả khách mời tại hội thảo thảo luận quốc tế vào ngày 10 tháng 2 về chủ đề “Sử dụng AI cho tương lai của công việc”.
Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha đã thúc giục các tham dự viên tham gia Hội nghị thượng đỉnh hãy có “lòng can đảm và quyết tâm” để bảo vệ nhân loại thông qua công việc của mình.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo toàn cầu không nên sử dụng AI để áp đặt “các mô hình nhân học, kinh tế xã hội và văn hóa thống nhất” giản lược thực tế trở thành “những con số” và “các phạm trù được xác định trước”.
Mô tả AI là “một công cụ mạnh mẽ” có thể tìm ra các giải pháp sáng tạo để thúc đẩy tính bền vững của môi trường, Đức Thánh Cha cũng cảnh báo về khả năng làm suy yếu các mối quan hệ giữa con người và gây thêm bất lợi cho người dân sống ở các quốc gia đang phát triển.
“Về vấn đề này, tôi tin tưởng rằng Hội nghị thượng đỉnh Paris sẽ hướng tới việc tạo ra một nền tảng vì lợi ích công cộng về Trí tuệ nhân tạo”, Đức Thánh Cha cho biết, “để mọi quốc gia có thể tìm thấy nơi trí tuệ nhân tạo một công cụ cho sự phát triển và cuộc chiến chống đói nghèo, cũng như để bảo vệ nền văn hóa và ngôn ngữ địa phương của mình”.
Đức Thánh Cha kết thúc thông điệp bằng cách nhắc lại lời kêu gọi của mình về cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm đối với việc sử dụng AI: “Thách thức cuối cùng của chúng ta sẽ luôn là nhân loại. Cầu mong chúng ta đừng bao giờ quên điều này!”.
Vào ngày 28 tháng 1, Bộ Giáo lý Đức tin và Bộ Văn hóa và Giáo dục của Vatican đã công bố văn kiện “Antiqua et Nova”, một ghi chú nêu rõ lập trường của Giáo hội về mối quan hệ giữa AI và Trí tuệ con người.
Minh Tuệ (theo CNA)