Đánh dấu Ngày Nhân quyền, ngày 10 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các chính phủ lắng nghe tiếng kêu cầu hòa bình của hàng triệu người dân bị tước đoạt những quyền cơ bản nhất do chiến tranh.
Khi Liên Hợp Quốc kỷ niệm Ngày Nhân quyền vào thứ Ba, ngày 10 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo thế giới rằng “quyền sống và quyền hòa bình của con người là điều kiện thiết yếu để thực hiện mọi quyền khác”.
Hàng triệu người bị tước đoạt các quyền cơ bản vì chiến tranh
Ngày Quốc tế này được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 12, kỷ niệm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 và được Liên Hợp Quốc thành lập nhằm nâng cao nhận thức về các quyền và tự do cơ bản của tất cả con người bất kể giới tính, quốc tịch, sắc tộc, chủng tộc hay tôn giáo.
Lễ kỷ niệm này tạo cơ hội để ghi nhận những công việc đã được thực hiện và những gì cần phải làm để bảo vệ các quyền mà mỗi người được hưởng theo Văn kiện quan trọng đó và là lời kêu gọi hành động để đảm bảo rằng các quyền đó được tôn trọng trên toàn thế giới.
Trong một dòng tweet đăng trên X (trước đây là Twitter) nhân Ngày Quốc tế này, Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa kêu gọi các chính phủ “lắng nghe tiếng kêu cầu hòa bình của hàng triệu người dân bị tước đoạt những quyền cơ bản nhất do chiến tranh”, mà theo ngài, “là ngọn nguồn của mọi hình thức đói nghèo”.
Các Giáo hội châu Âu lo ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng gia tăng
Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại lời của các Giáo hội châu Âu, kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc duy trì và bảo vệ phẩm giá của mọi con người theo luật pháp quốc tế.
Các nhà lãnh đạo của Hội nghị các Giáo hội Châu Âu (CEC) bày tỏ lòng biết ơn về những tiến bộ đạt được trong việc bảo vệ nhân quyền trong những thập kỷ gần đây, “nhưng đồng thời cũng quan ngại sâu sắc về tình trạng vi phạm và phớt lờ các quyền cơ bản của con người ngày càng gia tăng trên thế giới ngày nay”.
“Những hành vi phạm tội tàn bạo, bất công có hệ thống và sự xói mòn của pháp quyền và dân chủ không chỉ đe dọa cá nhân mà còn làm suy yếu nền tảng của xã hội được xây dựng trên công lý, liên đới và hòa bình”.
Những vi phạm hiện tại nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của những thành tựu trong quá khứ
Tin Mừng, Đức Tổng Giám mục Nikitas nói thêm, thúc đẩy các Giáo hội “bảo vệ những người bị áp bức, lên tiếng cho những người không có tiếng nói và dấn thân không mệt mỏi vì công lý”.
Trích dẫn các cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và Thánh địa, cùng với cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn ở Trung Đông, tình hình ở Bắc Karabakh và nhiều cuộc khủng hoảng khác, vị Giám chức cho biết các Giáo hội Châu Âu “quan sát với sự đau buồn khi thấy nhân quyền và phẩm giá con người của tất cả mọi người đang bị đe dọa”.
“Những vi phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, sự bất bình đẳng gia tăng, phân biệt đối xử và vi phạm quyền của người tị nạn, người di cư, người xin tị nạn, người di tản và Rôma nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của những thành tựu này”, Đức Tổng Giám mục Nikitas cho biết.
Cam kết của các Giáo hội trong việc duy trì quan điểm phổ quát về quyền con người
Do đó, Tổng thư ký CEC, Đức Giám mục Frank-Dieter Fischbach đã kêu gọi các chính phủ, các tổ chức châu Âu và tất cả các bên liên quan trên khắp châu Âu tái cam kết thực hiện Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và thực hiện các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế.
Vị Giám mục Lutheran tái khẳng định cam kết của CEC trong việc duy trì quan điểm phổ quát về nhân quyền như là nền tảng của sự chung sống hòa bình: “Với tư cách là các Giáo hội châu Âu, chúng tôi cam kết sát cánh cùng với những người đau khổ, đấu tranh cho công lý và mở rộng lời kêu gọi bảo vệ phẩm giá con người của mọi con người cần được duy trì và bảo vệ”, ngài nói. “Mong rằng điều này sẽ truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta hành động với lòng dũng cảm, lòng trắc ẩn và xác quyết trong việc bảo vệ nhân quyền cho tất cả mọi người”, Đức Giám mục Frank-Dieter Fischbach kết luận.
Chủ đề năm nay
Với chủ đề “Quyền của chúng ta, tương lai của chúng ta, ngay bây giờ”, Ngày Nhân quyền năm nay tập trung vào cách thức nhân quyền là con đường dẫn đến các giải pháp, đóng vai trò quan trọng như một lực lượng phòng ngừa, bảo vệ và chuyển đổi theo hướng tốt đẹp.
Thiên Ân (theo Vatican News)