Để đánh dấu dịp kỷ niệm 150 năm bức ảnh Đức Mẹ Mân Côi được đưa đến Pompeii vào ngày 13 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích các tín hữu Công giáo chiêm ngưỡng cuộc đời của Chúa Kitô “qua cái nhìn của Đức Mẹ” trong Năm Thánh Hy vọng 2025.
“Thật tuyệt vời biết bao khi dịp kỷ niệm bức ảnh Đức Mẹ Pompeii trùng với Năm Thánh Hy vọng sắp tới, tập trung vào Chúa Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta”, Đức Thánh Cha nói trong thông điệp gửi đến Đức Tổng Giám mục Tommaso Caputo Địa phận Pompeii.
“Chúng ta biết rằng cần phải tái khám phá vẻ đẹp của Kinh Mân Côi trong các gia đình và trong các ngôi nhà. Lời cầu nguyện này giúp xây dựng hòa bình, và điều quan trọng là đề xuất điều này với những người trẻ để họ không nghe lời kinh này như một sự lặp đi lặp lại và đơn điệu nhưng như một hành động của lòng yêu mến không bao giờ vơi”.
Ngoài kỷ niệm 150 năm ngày bức ảnh Đức Mẹ Mân Côi được đưa đến và được tôn kính tại Pompeii, năm nay còn đánh dấu kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nicea.
“Với dịp kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicaea (năm 325), đặc biệt nhấn mạnh mầu nhiệm Thiên tính – Nhân tính của Chúa Kitô dưới ánh sáng của Chúa Ba Ngôi, thật tốt đẹp biết bao khi tái khám phá Kinh Mân Côi, theo chiều kích này, để chiêm ngắm các mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế”, Đức Thánh Cha chia sẻ với Đức Tổng Giám mục Caputo.
Trong một cuộc phỏng vấn với EWTN Vaticano, Đức Tổng Giám mục Caputo, cũng là Đại biểu của Đức Thánh Cha tại Đền Đức Mẹ Mân Côi ở Pompeii, đã nhấn mạnh rằng Kinh Mân Côi là “một lời cầu nguyện bắt nguồn từ Phúc Âm và Lời Chúa”.
Khoảng 3 triệu tín hữu hành hương đến viếng Đền Đức Mẹ Mân Côi mỗi năm để tôn kính bức ảnh Đức Mẹ Pompeii, mô tả Đức Maria và Chúa Giêsu Hài Đồng đang trao tràng hạt cho Thánh Đaminh và Thánh Catarina thành Siena.
Gọi người sáng lập Đền thờ, Chân Phước Bartolo Longo, là “một Tông đồ của Kinh Mân Côi”, người mà đức tin được củng cố nhờ khẩu hiệu “Nếu bạn muốn được cứu rỗi, hãy truyền bá Kinh Mân Côi”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài hy vọng các tín hữu Công giáo sẽ tiếp tục “di sản thiêng liêng đẹp đẽ nhất” của Ngài trên khắp thế giới.
Theo Đức Tổng Giám mục Caputo, sứ mạng của Chân Phước Bartolo Longo là truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ và phổ biến Kinh Mân Côi trên toàn thế giới, “vì có nhiều Đền thờ dâng kính Đức Mẹ Pompeii trên khắp Châu Mỹ, Châu Á, Châu Âu và thậm chí cả Châu Phi và Trung Đông”.
Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết để mọi người “tìm thấy sự an ủi và hy vọng nơi khuôn mặt dịu dàng của Mẹ Thiên Quốc”.
“Nguyện xin Chúa tiếp tục ngỏ lời, ngày hôm nay, với nhân loại đang cần tái khám phá con đường của sự hòa hợp và tình huynh đệ, qua sứ điệp của Đức Mẹ Pompeii”, Đức Thánh Cha chia sẻ.
“Tôi hy vọng rằng đông đảo các tín hữu sùng kính Đức Mẹ Pompeii rải rác khắp thế giới sẽ ngày càng trung thành với Thiên Chúa hơn, làm chứng cho anh chị em của mình, đặc biệt là những người cần được giúp đỡ nhất”.
Minh Tuệ (theo CNA)