Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ lời với các bậc phụ huynh có con bị phá thai: ‘Cái ác không có lời nói sau cùng’

Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với các thành viên của “Dự án Hy vọng”, một chương trình đồng hành chữa lành tinh thần và cảm xúc cho những người phụ nữ và nam giới phải chịu hậu quả của việc chọn phá thai, vào ngày 30 tháng 10 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với các thành viên của “Dự án Hy vọng”, chương trình đồng hành chữa lành tinh thần và cảm xúc cho những người phụ nữ và nam giới phải chịu hậu quả của việc chọn phá thai, vào ngày 30 tháng 10 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến ​​các thành viên của “Dự án Hy vọng”, chương trình đồng hành chữa lành tinh thần và cảm xúc cho những phụ nữ và nam giới phải chịu hậu quả của việc lựa chọn phá thai.

Các thành viên của sáng kiến ​​này, đã lan rộng đến hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh, nhằm mục đích giúp đỡ những người tìm kiếm “sự hòa giải và tha thứ” và cảm nghiệm Lòng thương xót của Thiên Chúa.

Kể từ năm 1999, những “người bạn đồng hành” này — những người mà Đức Thánh Cha gọi là “những thiên thần” — đã quan tâm đến “những nạn nhân phá thai khác”, những người đã quyết định chấm dứt sự sống của những đứa con của mình.

‘Dự án Hy vọng’ ra đời từ những người phụ nữ và cả nam giới đang cầu xin sự nâng đỡ “với đôi mắt đẫm lệ và bày tỏ nhu cầu muốn biết cách đương đầu với nỗi đau không thể chịu đựng nổi”.

Mục tiêu của dự án là giúp các bậc cha mẹ vượt qua nỗi đau buồn “với sự giúp đỡ của các chuyên gia được đào tạo và thông qua phương pháp tiếp cận đón nhận, thấu hiểu và bảo mật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ giữa người mẹ và người cha với đứa con là nạn nhân của phá thai”.

Sự đau khổ ‘không thể diễn tả được’

Trong buổi tiếp kiến vào ​​ngày 30 tháng 10 tại Điện Tông Tòa tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ niềm vui khi tiếp đón những người đã đồng hành cùng với những người phụ nữ trong suốt 25 năm qua, những người mà theo Đức Thánh Cha, nỗi đau khổ của họ “không thể diễn tả được”.

Đối với Đức Thánh Cha, “sự ra đời của mỗi trẻ sơ sinh thường đồng nghĩa với niềm vui tràn ngập chúng ta theo một cách huyền nhiệm và đổi mới niềm hy vọng”.

“Giống như chúng ta nhận thức được, mà không biết giải thích thế nào, rằng mỗi đứa trẻ đều loan báo về sự ra đời của Chúa Giêsu tại Bethlehem, về mong muốn của Thiên Chúa muốn ngự trong trái tim chúng ta”, ngài nói thêm.

Khi xem xét Kinh Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Thiên Chúa “muốn chúng ta chia sẻ nỗi đau, bởi vì nó là sự đối lập của niềm vui đó, khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng”.

“Người ta nghe thấy tiếng kêu than ở Ramah, tiếng khóc than thảm thiết: Rachel khóc thương con mình, và bà từ chối sự an ủi vì con mình — chúng không còn nữa!”, Đức Thánh Cha nói.

Tiếng khóc đầu tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, trích dẫn một tác giả cổ đại, “ám chỉ trẻ em, các Thánh Anh Hài, và nỗi đau của chúng chấm dứt khi chết, trong khi tiếng khóc thảm thiết là tiếng than vãn của những người mẹ luôn vang vọng khi họ nhớ lại”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến cuộc chạy trốn sang Ai Cập của Đức Maria và Thánh Giuse do lệnh tàn sát tất cả mọi trẻ sơ sinh của vua Hêrôđê để giải thích rằng “một điều gian ác cùng cực như vậy đã đẩy Chúa Giêsu ra xa chúng ta, ngăn cản Người bước vào nhà chúng ta, ngăn cản Người có một chỗ trọ trong quán trọ của chúng ta”.

‘Cái ác không có lời nói sau cùng’

“Nhưng chúng ta không được đánh mất niềm hy vọng”, Đức Thánh Cha nhắc nhở. “Cái ác không có lời nói sau cùng; nó không bao giờ mang tính quyết định. Giống như Thiên thần trong giấc mơ của Thánh Giuse, Thiên Chúa loan báo với chúng ta rằng, sau sa mạc này, Chúa sẽ trở lại để giành lại ngôi nhà của Người”.

Đức Thánh Cha cũng bình luận rằng những người tham gia ‘Dự án Hy vọng’ giống như “Thiên thần đó”.

“Tôi thực sự cảm ơn anh chị em vì điều đó”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha cũng mời gọi họ tin tưởng “vào bàn tay vững mạnh của Thánh Giuse để những chị em này của chúng ta có thể tìm thấy Chúa Giêsu trong sự lẻ loi cô độc của họ”.

“Cùng với Thánh Giuse, họ sẽ đến được ngôi nhà ấm áp và an toàn ở Nazareth, nơi họ sẽ trải nghiệm sự tĩnh lặng nội tâm và niềm vui thanh thản khi thấy mình được chào đón và tha thứ trong lòng Thánh Gia Thất”, Đức Thánh Cha kết luận.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết