Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi ủy ban bảo vệ trẻ em của Vatican mang lấy “tinh thần đền bù thiệt hại” đối với các nạn nhân của vấn nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục và đồng thời xem xét Giáo hội đã phạm phải “lỗi thiếu sót” ở đâu trong lĩnh vực này.
“Vấn nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và cách thức xử lý yếu kém của các nhà lãnh đạo Giáo hội là một trong những thách thức lớn nhất đối với Giáo hội trong thời đại chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ lời với Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên (PCPM) trong buổi tiếp kiến vào ngày 5 tháng 5.
“Việc không hành động đúng đắn để ngăn chặn sự dữ này và giúp đỡ các nạn nhân của nó”, Đức Thánh Cha tiếp tục, “đã làm hoen ố chứng tá của chúng ta về tình yêu Thiên Chúa”.
“Trong Kinh Thú Nhận, chúng ta cầu xin sự tha thứ không chỉ vì điều sai trái chúng ta đã phạm mà còn vì những điều tốt đẹp chúng ta đã không làm. Có thể dễ dàng quên đi những lỗi thiếu sót, vì theo một cách nào đó, chúng có vẻ ít thực tế hơn; nhưng trên thực tế chúng rất thật, và chúng làm tổn thương cộng đồng nhiều như những điều khác, nếu không muốn nói là hơn thế”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các nhân viên và thành viên của PCPM trong phiên họp toàn thể từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 5.
Ủy ban cho biết các mục trong chương trình nghị sự của hội nghị bao gồm việc đánh giá 6 tháng đầu tiên kể từ khi ủy ban được cải tổ vào tháng 9 năm 2022, xem xét một công cụ kiểm toán được đề xuất do Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu và thảo luận về cách xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và phương pháp làm việc trong ủy ban.
Cuộc họp của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên diễn ra ngay sau khi một thành viên sáng lập, Cha Hans Zollner, từ chức công khai, vì điều mà ngài mô tả là “các vấn đề về cơ cấu và thực tiễn” trong tổ chức.
Đức Hồng Y Sean O’Malley, người đứng đầu ủy ban, cho biết ngài hoàn toàn không đồng ý với lời phê bình của Cha Zollner.
Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, được thành lập vào năm 2014, đóng vai trò là cơ quan tư vấn cho Đức Thánh Cha, đưa ra các khuyến nghị về cách thức Giáo hội có thể bảo vệ trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương một cách tốt nhất.
Với việc công bố Tông Hiến Praedicate Evangelium của Đức Thánh Cha Phanxicô, ủy ban, vốn vẫn độc lập, đã được ổn định và được trao vai trò mang tính trọng tâm hơn trong Giáo triều Rôma trong Bộ Giáo lý Đức tin.
Ủy ban được lãnh đạo bởi Đức Hồng Y O’Malley, Chủ tịch, và Cha Andrew Small OMI, Thư ký.
Tin tức nói rằng nhóm có kế hoạch chuyển từ các văn phòng nhỏ ở Vatican đến một tòa nhà lịch sử thuộc sở hữu của Giáo hội ở trung tâm thành phố Rôma đã được đăng trên tờ New York Times vào tháng Tư.
Đức Hồng Y O’Malley đã nói về các văn phòng mới trong cuộc gặp gỡ vào ngày 5 tháng 5 với Đức Thánh Cha Phanxicô.
“Chúng tôi nhận thấy sự cần thiết của một trung tâm hữu hình dành riêng cho cuộc chiến chống lạm dụng tình dục trong Giáo hội và một trung tâm chào đón những người bị ảnh hưởng bởi vấn nạn lạm dụng”, Đức Hồng Y O’Malley nói.
Đức Hồng Y O’Malley cũng mô tả ba dự án mới của PCPM, bao gồm một bản cập nhật các hướng dẫn toàn cầu của Giáo hội về bảo vệ trẻ em, được ban hành lần đầu vào năm 2011, sẽ sớm được xuất bản.
Đức Hồng Y O’Malley cho biết một tổ chức Công giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ đã đảm bảo nguồn tài trợ bên ngoài cho ủy ban, cho phép ủy ban thuê nhân viên mới, những người sẽ hỗ trợ cho các Giáo hội địa phương khác nhau.
Đức Hồng Y O’Malley cho biết nhóm cũng đã thành lập cái mà họ gọi là Chương trình Memorare, “để tôn vinh lời cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria rằng xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời”.
Chương trình này có quỹ trị giá 3 triệu euro ($3,3 triệu) do các nhà tài trợ từ các Hội đồng Giám mục ở những nơi thịnh vượng trên thế giới cung cấp nhằm cung cấp sự hỗ trợ tài chính cho các biện pháp bảo vệ ở những khu vực nghèo hơn của Giáo hội.
Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi ủy ban tuân theo ba nguyên tắc như là một phần của việc sống “tinh thần đền bù thiệt hại” vì tội ác lạm dụng.
“Ngày nay không ai có thể thành thật tuyên bố là không bị ảnh hưởng bởi thực tế của vấn nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha cho biết nguyên tắc đầu tiên là “ở đâu gây tổn hại cho sự sống của con người, thì ở đó chúng ta được kêu gọi ghi nhớ quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa để làm cho hy vọng xuất hiện từ tuyệt vọng và sự sống xuất hiện từ sự chết chóc”.
“Cảm giác của sự mất mát khủng khiếp mà nhiều người trải qua do bị lạm dụng đôi khi dường như là một gánh nặng quá sức chịu đựng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Các nhà lãnh đạo Giáo hội, những người chia sẻ cảm giác của sự hổ thẹn vì đã không hành động, đã bị mất uy tín và chính khả năng rao giảng Tin Mừng của chúng ta đã bị tổn hại. Tuy nhiên, Thiên Chúa, Đấng mang lại sự tái sinh trong mọi thời đại, có thể phục hồi sự sống cho những bộ xương khô”.
Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận những hậu quả tàn khốc mà các vụ lạm dụng có thể gây ra đối với cuộc sống của các nạn nhân, kể cả trong các mối quan hệ trong tương lai của họ.
“Khi cuộc sống bị phá vỡ, tôi yêu cầu các bạn giúp ghép các mảnh vỡ lại với nhau, với hy vọng rằng những gì bị hư hỏng có thể được sửa chữa”, Đức Thánh Cha yêu cầu các thành viên ủy ban.
“Đây là con đường của sự chữa lành và ơn cứu độ: con đường thập giá của Chúa Kitô”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Thứ ba, Đức Thánh Cha yêu cầu nhóm nuôi dưỡng cách tiếp cận tôn trọng, tử tế và nhẹ nhàng với các nạn nhân.
Trích lời nhà thơ và nhà hoạt động người Mỹ Maya Angelou, Đức Thánh Cha nói: “Tôi đã học được rằng mọi người sẽ quên những gì bạn nói, mọi người sẽ quên những gì bạn đã làm, nhưng mọi người sẽ không bao giờ quên cảm giác mà bạn mang lại cho họ”.
“Các nguyên tắc tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người, hành vi đúng đắn và lối sống lành mạnh phải trở thành một quy tắc phổ quát, không phụ thuộc vào nền văn hóa hay điều kiện kinh tế và xã hội của mọi người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Thật vậy, nền văn hóa bảo vệ sẽ chỉ bén rễ nếu có một sự hoán cải mục vụ về vấn đề này giữa các nhà lãnh đạo của Giáo hội”.
Minh Tuệ (theo CNA)